Ngay khi Italy mở cửa cho du khách quốc tế trở lại sau đại dịch vào tháng 3, Trang Vũ, Hà Nội, đã làm hồ sơ xin visa tự túc để tới Italy vào tháng 5. Và cô đã dành trọn chuyến đi 17 ngày chỉ ở Italy bởi cô mê đắm đất nước hình chiếc ủng.
Trước khi tới Italy, Trang đã đi du lịch Pháp năm 2018. Cô từng đọc kinh nghiệm rằng xin visa du lịch tới Pháp và Italy dễ nhất trong khối Schengen. Nhưng thực tế sau đại dịch, hồ sơ xin visa du lịch tự túc tới Italy có nhiều quy định khắt khe hơn. Vì vậy, Trang khuyên mọi người nên tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ để không phải bổ sung hồ sơ và tỉ lệ đạt visa cao. Trang cho biết sau khi xin thành công visa Italy, cô đã có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với mọi người.
Do chuyến đi của Trang chỉ tới Italy nên cô nộp hồ sơ trực tiếp xin đi Italy. Cũng giống như Pháp, bạn sẽ không nộp hồ sơ trực tiếp tại đại sứ quán, mà qua công ty được chỉ định, cụ thể là VFS. Trên website của VFS có đầy đủ thông tin và hướng dẫn chi tiết về hồ sơ cũng như lịch hẹn.
Tất cả các giấy tờ trong hồ sơ phải được dịch và công chứng sang tiếng Anh hoặc tiếng Italy. Ví dụ, với sổ hộ khấu, Trang nộp một bản sao công chứng, kèm bản dịch tiếng Anh có đóng dấu công chứng của công ty dịch thuật.
Để hồ sơ xin visa thêm đảm bảo, Trang cũng gửi kèm một thư giải trình ngắn do cô tự viết. Trong thư, cô trình bày mục đích, bày tỏ lý do, nguyện vọng được đến Italy và cam kết sẽ trở về Việt Nam sau khi chuyến đi kết thúc. Vì Trang đi Italy ngay sau Covid-19 nên cô cẩn thận nộp thêm bản sao công chứng của giấy chứng nhận đã tiêm đủ vaccine.
Hồ sơ cụ thể của Trang
Lịch trình thực tế 17 ngày ở Italy
Nhiều người thường chỉ mua vé máy bay theo kiểu đặt chỗ trước, trả tiền sau, nhằm mục đích lấy được mã đặt chỗ để nộp hồ sơ xin visa, sau đó sẽ hủy vé, đợi đến khi có visa mới mua vé thật để đảm bảo không "mất tiền vé trước, mà visa lại không qua". Nhưng khi xin visa Italy, bạn phải nộp vé máy bay đã thanh toán tiền rồi mới được nhận visa.
Trang được bên VFS gọi điện thoại yêu cầu nộp vé máy bay nên lập tức tiến hành mua vé. Nhưng Trang buộc phải thay đổi ngày bay so với dự định ghi trên hồ sơ xin visa bởi nhiều lý do khách quan (giá vé tăng cao, chặng bay không còn chỗ...). Trang đặc biệt lưu ý mọi người chú ý nếu ngày xin visa và ngày trên vé bạn nộp sau không khớp nhau, bạn sẽ phải nộp bổ sung toàn bộ giấy tờ liên quan đến lịch trình mới, từ hành trình, đến bảo hiểm du lịch, giấy nghỉ phép của công ty và đặt chỗ tại các khách sạn bạn sẽ ở.
Trang may mắn đã nộp bổ sung tất cả các giấy tờ liên quan để khớp với lịch trình bay mới này. Bởi nếu bạn không nộp đủ hồ sơ bổ sung thì visa của bạn cũng sẽ không đạt. Bạn cũng có thể được yêu cầu nộp cả vé máy bay, vé tàu giữa các thành phố hoặc các nước trong khối Schengen nếu lịch trình của bạn đi nhiều nước. Trang cho biết, theo kinh nghiệm được chia sẻ từ các thành viên khác trên các nhóm du lịch, thậm chí nếu visa của bạn đã đạt, mà bạn không nộp bổ sung vé máy bay và lịch trình liên quan hợp lý, thì visa cũng sẽ bị thu hồi.
So với Pháp, visa Italy có thời hạn nghiêm ngặt hơn. Trang xin visa 17 ngày và được cấp 20 ngày cùng với thời hạn một tháng (từ 30/4 tới 1/6). VFS sẽ trả kết quả hồ sơ trong khoảng 15 ngày tới 30 ngày làm việc. Với Trang, khoảng 10 ngày sau cô đã nhận được kết quả. Vậy nên bạn nhớ chuẩn bị hồ sơ và nộp sớm để tránh bị muộn lịch trình đã định.
Một lưu ý khác Trang cũng đúc kết được trong quá trình tìm hiểu kinh nghiệm xin visa, đó là nếu bạn đi nhiều nước châu Âu trong cùng một chuyến đi thì có thể phải nhập cảnh tại Italy và thời gian ở Italy phải dài nhất trên toàn bộ hành trình. Trước kia, Đại sứ quán Italy chỉ cần bạn đáp ứng một trong hai điều kiện này, nhưng từng có trường hợp thực tế đã bị từ chối visa khi không thỏa mãn cả hai. Vì vậy Trang nhắc mọi người chú ý khi làm lịch trình để không mất thời gian giải trình, thậm chí là phải nộp hồ sơ lại.
Quá trình xin visa của Trang khá đơn giản và thuận lợi. Ngoài việc phải bổ sung vé máy bay và chỉnh một chút hồ sơ, cô cho rằng nếu làm đúng như yêu cầu ban đầu, mọi thứ sẽ đơn giản và thuận lợi. Và mọi công sức đều xứng đáng khi cô được đặt chân tới Italy.
Phong cách du lịch của Trang khá thong dong và chậm rãi. Cô cân bằng giữa việc khám phá các điểm đến nhưng cũng dành thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống như người bản địa. 17 ngày chỉ dành để rong ruổi trên đất Italy, Trang đã đi qua từ những thành phố có vẻ đẹp vĩnh hằng của những công trình kiến trúc như Rome, Venice, Florence... đến vùng quê Tuscany yên bình.
Nhiều người thắc mắc vì sao 17 ngày chỉ đi mỗi Italy mà không đi các đất nước khác, Trang chia sẻ, Italy mang đến tất cả những trải nghiệm phong phú mà cô mong đợi. Thậm chí sau 17 ngày, Trang vẫn chưa đi hết những điểm đến cô mong muốn như đảo Sicilia hay bờ biển Amalfi... Trang hy vọng sau lần đầu tiên, cô sẽ còn nhiều dịp tới Italy để khám phá.
(Nguồn: Veronica Linh, VnExpress, Thứ sáu, 19/8/2022, 10:31 (GMT+7))