TST tourist

'Liều thuốc' tốt nhất để du lịch hồi sinh

  • Thứ 4, 15/09/2021, 13:34 GMT+7
  • 510 Lượt xem

Nhiều công ty du lịch cho biết đã có kế hoạch hoạt động sau thời gian dài đóng cửa nhưng cần sự hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước thì mới có thể hồi sinh.

Bộ VH-TT&DL đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó có nội dung thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc, trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước như Hội An, Nha Trang, Đà Lạt...

Đây là tín hiệu vui cho các công ty du lịch sau gần hai năm đóng băng. Tuy nhiên, các công ty du lịch cho rằng Nhà nước cần có lộ trình, hướng dẫn cụ thể để họ có thể mở cửa trở lại một cách an toàn.

Mở cửa từng bước với lộ trình, hướng dẫn cụ thể

Một lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho hay cơ quan này đã trình UBND tỉnh dự thảo kế hoạch đón khách trở lại trong tình hình mới. Kế hoạch này sẽ được triển khai từng bước.

1_34Các công ty du lịch mong ngóng được mở cửa hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Trong ảnh: Du khách tham quan Phú Quốc (ảnh chụp hồi tháng 1) - Ảnh: TÚ UYÊN

Theo đó, giai đoạn đầu là người Khánh Hòa du lịch trong tỉnh; tiếp đó là du lịch nội địa từ các vùng không có dịch đến tỉnh Khánh Hòa với điều kiện đã tiêm đủ hai mũi vaccine cùng giấy chứng nhận âm tính còn hiệu lực. Sau đó sẽ đón du khách quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay charter đến Khánh Hòa.

Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết hiện nay các công ty du lịch trên địa bàn đang đóng cửa. Một số thành viên của hiệp hội mong muốn mở cửa vào đầu tháng 10 tới với điều kiện sau khi phương án đón khách có hộ chiếu vaccine của tỉnh được Chính phủ đồng ý.

Tuy nhiên, theo ông Nhựt, để triển khai được việc đón du khách có hộ chiếu vaccine không hề đơn giản. Đơn cử như du khách nước ngoài đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine và có thẻ xanh nhưng nếu đi du lịch đến Việt Nam vẫn phải cách ly thêm bảy ngày nữa. Điều này sẽ làm phát sinh thêm chi phí, khiến du khách ái ngại đi du lịch đến nước ta.

Tương tự, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, nhìn nhận: Các công ty du lịch đã đóng cửa đến nay gần 20 tháng. Hiện một số địa phương đã rục rịch mở cửa đón khách là tín hiệu tốt. Song ông cho rằng điều quan trọng là Nhà nước cần quy định rõ những ai tiêm một mũi, hai mũi vaccine sẽ được tham gia tour, điểm tham quan nào. Trường hợp phát hiện có ca nhiễm trong quá trình đi du lịch thì việc điều trị cho khách thuộc về ai, giải quyết thế nào về chi phí…

Lãnh đạo Công ty Du lịch Liên Bang cũng đề xuất nếu thời gian tới Việt Nam mở cửa đón du khách nước ngoài thì cần phải có tiêu chí, hướng dẫn cụ thể. “Ngoài vấn đề hộ chiếu vaccine, chúng ta cần quy định rõ nếu khách nước ngoài bị nhiễm COVID-19 thì phải xử lý ra sao, điều trị ở Việt Nam hết bệnh mới về nước hay về nước họ điều trị, chi phí thuốc men ai lo... Chúng tôi luôn sẵn sàng tổ chức tiếp đón khách nhưng cơ quan quản lý cần có phương án cụ thể” - ông Thành nhấn mạnh.

Có thể kích hoạt ngay khi cho phép

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang Phạm Minh Nhựt nhìn nhận: Một số địa phương như đảo Phú Quốc có vị trí địa lý riêng biệt, dân số ít, hạ tầng đầy đủ nên việc thí điểm đón khách quốc tế khả thi. Đối với những địa phương khác sẽ khó khăn hơn. Do vậy, dự báo đến giữa năm 2022, khi 70% dân số Việt Nam đã được tiêm vaccine thì lúc đó du lịch mới có thể hoạt động tương đối bình thường được.

Trong khi đó, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết hiện nay công ty đã chuẩn bị các kịch bản chi tiết về việc phục hồi du lịch. Chỉ cần Chính phủ và ngành du lịch thống nhất phương án, có văn bản hướng dẫn cụ thể thì công ty có thể kích hoạt trở lại ngay.

Cụ thể, Vietravel đã xây dựng bộ sản phẩm khép kín trong phạm vi nội tỉnh, thành để đảm bảo an toàn. Đồng thời tiến hành rà soát hệ thống dịch vụ, trong đó nhân sự phục vụ của đối tác phải đảm bảo tiêm đủ hai mũi vaccine để tạo tâm lý an tâm cho du khách.

Đơn vị này cũng phối hợp với nhà hàng, khách sạn xây dựng chính sách giá hấp dẫn để cạnh tranh với những khu vực khác hiện đang thu hút khách như Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan)… Từ đó đưa vào phục vụ các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng hậu COVID-19.

“Chúng tôi hiện đã có giấy phép bay quốc tế. Do đó, khi chủ trương đón khách được Chính phủ thông qua, chúng tôi kỳ vọng sẽ thực hiện các chuyến bay thuê bao và đưa ra được mức giá kích cầu cho du khách” - bà Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hoàng, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng đều xác định sống trong trạng thái bình thường mới, nghĩa là sống trong điều kiện có dịch. Vì vậy, bà hy vọng từ nay đến cuối năm tình hình dịch bệnh cả nước sẽ được kiểm soát, phủ vaccine trên diện rộng. Song song đó, người dân vẫn thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K sẽ là cơ sở tốt để kích cầu du lịch trở lại.

2_31Mới đây, gần 300 khách từ Nhật Bản về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) theo dạng hộ chiếu vaccine - Ảnh: P.SÁU

Rất cần Nhà nước hỗ trợ

Đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho hay các công ty du lịch mong ngóng được mở cửa hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng phải hội đủ các điều kiện, thỏa mãn tiêu chí như điểm đến an toàn, đơn vị tổ chức an toàn… Thế nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong ngành du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự và việc tiêm vaccine cho người lao động.

“Vì vậy, nhiều công ty du lịch chưa thể khởi động ngay được. Nếu dịch giảm dần dần thì họ mới có thể chuẩn bị mọi thứ để có thể bán được tour tết” - đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM nói.

Nhiều công ty du lịch khác bày tỏ đã có kế hoạch hoạt động sau thời gian dài đóng cửa, song cần sự hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước mới có thể hồi sinh. Đặc biệt, Nhà nước cần thúc đẩy nhanh việc tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Đây là “liều thuốc” tốt nhất, hữu hiệu nhất để có thể mở cửa trở lại du lịch trong nước cũng như đón khách quốc tế một cách bền vững.

Mặt khác, ngành du lịch cho hay đến nay đã có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa, hàng chục ngàn lao động phải nghỉ việc hoặc chuyển sang lĩnh vực khác kiếm sống. Vì vậy, ngành du lịch đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Hơn nữa, hầu hết công ty du lịch đã cạn kiệt dòng tiền do đóng cửa quá lâu. Do vậy, họ mong được Nhà nước cho khoanh nợ, miễn giảm lãi suất; miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất... cho các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

(Nguồn: Tú Uyên, Pháp luật TP.HCM, Thứ Tư, 15/9/2021, 07:50 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc