“Ốc đảo” có hơn 1.000 loại xương rồng với đủ hình thù và kiểu dáng, nhanh chóng trở thành điểm check-in được giới trẻ săn lùng.
Xương rồng thường được biết đến là loại cây mọng nước phổ biến ở sa mạc. Nhưng gần đây, du khách có cơ hội ngắm nhìn những loại xương rồng này ngay giữa thủ đô. Vườn xương rồng Cacti Zone dưới chân cầu Nhật Tân là thành quả của anh Trịnh Quốc Cương, Đặng Quốc Khánh và Nguyễn Khương Lâm. Bắt nguồn từ sở thích, anh Cương cùng cộng sự sưu tầm các giống xương rồng độc lạ, đem về nhân giống, phát triển, tập hợp lại thành một khu như "ốc đảo".
Anh Cương chia sẻ mình bắt đầu trồng các loại xương rồng khoảng hai năm. Khuôn viên rộng 2500 m2 do anh cùng hai người bạn lên ý tưởng chính và tự tay thực hiện. Muốn ra chất một "hoang mạc thu nhỏ", chủ vườn cất công tìm kiếm các loại cát trắng, sỏi trắng... từ nhiều vùng miền để mô phỏng chính xác.
Các loại xương rồng tại đây khá đa dạng về chủng loại như: xương rồng sư tử, thanh sơn, kim hổ, thần long, tai thỏ... Mỗi loại lại có một kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Xương rồng thanh sơn cho ra hoa trắng, to, tròn. Xương rồng tai thỏ có loại gai vàng và gai trắng. Xương rồng nến thì có nến vàng, nến trắng...
Tùy theo mùa, du khách đến đây có thể được chiêm ngưỡng các loài hoa xương rồng. Đợt cao điểm vào tháng 7-8, hoa sẽ nở nhiều, chủ yếu là xương rồng sư tử, kim hổ, thanh sơn. Nụ bung trắng xóa, trổ bông to, trĩu nặng giữa thân gai xù xì.
Hoa xương rồng thanh sơn có màu trắng, nhị vàng, búp to gần bằng búp sen, cánh thưa hơn. Ảnh: NVCC
Nổi bật ở đây là cây xương rồng cổ có tuổi đời hơn 40 năm từ vùng núi cao Lào Cai. Anh Cương phải thuê xe chở cây hơn 250 km về vườn. Cây được đóng trong thùng sắt, sau đó dùng cần cẩu đỡ xuống.
Anh Cương mất gần 2 năm để trồng và dưỡng cây cho phù hợp với thổ nhưỡng tại vườn. Đến nay, cây cao 5m, tán dày mọc thành cụm, gai nhọn cứng. Cây xương rồng cổ này không mọng nước như các cây mới mà thân đã hóa gỗ, giữ vẻ hoang sơ.
Hình ảnh vườn xương rồng nhanh chóng lan truyền và thu hút giới trẻ tới tham quan, chụp ảnh. Bạn Ly Nguyễn, 25 tuổi, nhân viên marketing cho biết tìm thấy địa chỉ này trên mạng xã hội.
"Mình chưa nhìn thấy những cây xương rồng lớn như thế này bao giờ. Kiểu dáng lạ mắt, độc đáo mà các cây đều xanh tốt, có sức sống. Chụp ảnh cũng đẹp và không kén quần áo", Ly nói.
Điều duy nhất vị khách cảm thấy chưa vừa ý về điểm tham quan này là lối vào chưa thuận tiện, khó tìm. Lần đầu tới đây, cô cùng nhóm bạn mất khá nhiều thời gian để dò đường.
Lượng khách tới đây khoảng 30-40 người/ngày. Cao điểm là các ngày cuối tuần, tăng lên khoảng 200-300 người. Dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi chưa phát triển. Dự kiến, chủ vườn sẽ mở thêm khu trưng bày đồ gốm, tiểu cảnh mang phong cách truyền thống phục vụ khách tham quan. Những ngày trời đẹp, du khách có thể ngắm hoàng hôn nếu đến đây vào lúc 4-5h chiều.
Từ trung tâm thành phố, du khách di chuyển theo đường Võ Chí Công, qua cầu rẽ vào thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh để đến vườn xương rồng. Vé vào cửa là 80.000 đồng/người, không giới hạn thời gian.
Ngọc Diệp
(Theo Vnexpress, Thứ năm, 12/11/2020, 15:03 (GMT+7))