TST tourist

'Phật quang' trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn

  • Thứ 4, 08/12/2021, 07:39 GMT+7
  • 758 Lượt xem

Sau 9 lần chinh phục các đỉnh núi Tây Bắc, tôi tình cờ ghi lại hiện tượng hiếm gặp "Phật quang" trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn chiều 2/12.

Đầu tháng 12, đoàn 6 du khách chúng tôi ban đầu có kế hoạch đi chinh phục đỉnh Tà Xùa ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, trước lúc khởi hành một tiếng thì có tin địa phương ngừng đón khách do lo ngại dịch Covid-19, kể cả người đã tiêm đủ vaccine và xét nghiệm âm tính với nCoV. Nhóm đã chuyển sang leo đỉnh Ngũ Chỉ Sơn ở xã Tả Giàng Phình, cách Sa Pa, Lào Cai khoảng 25 km.

TSTtourist-phat-quang-tren-dinh-ngu-chi-son-1Núi Ngũ Chỉ Sơn gồm 5 đỉnh chính, trông như một bàn tay khổng lồ mọc lên giữa đất rừng Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng
Xuất phát từ bản Suối Thầu 2 ở dưới chân núi lúc 10h, sau 4 tiếng leo và một tiếng nghỉ ăn trưa, đoàn đến được lán nghỉ vào lúc 15h. Các thành viên trong đoàn quyết định ở lại lán nghỉ ngơi để sáng hôm sau lên đỉnh ngắm bình minh.

Sau khi biết lán cách đỉnh khoảng một tiếng leo và trời còn sáng, tôi rủ một thành viên trong đoàn leo lên đỉnh ngắm hoàng hôn. Hai người xuất phát từ lán nghỉ và đã lên đỉnh lúc 15h05 phút. Đi được một đoạn ngắn thì người bạn đồng hành quyết định quay lại lán để giữ sức cho sáng hôm sau lên đỉnh ngắm bình minh. Lúc này chỉ có mình tôi và Cừ A Sình (18 tuổi), người dẫn đường dân tộc H'Mông.

Sau khoảng 50 phút leo liên tục qua một con dốc gần như dựng đứng và một khe núi gió lộng hun hút, tôi và A Sình lên đến đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, cao 2.658 m, đỉnh núi cao thứ 15 Việt Nam nhưng về độ khó thuộc nhóm đầu.

Trên đỉnh núi lúc này hoàng hôn chưa xuống nhưng có biển mây trắng bồng bềnh, đẹp đến choáng ngợp. Đã chinh phục 9 ngọn núi thuộc nhóm cao nhất Tây Bắc nhưng đây là lần đầu tôi chứng kiến biển mây.

TSTtourist-phat-quang-tren-dinh-ngu-chi-son-2"Phật quang" xuất hiện (vị trí dưới cánh tay bên phải nhân vật trong ảnh). Ảnh: A Sình
Sau khi chụp ảnh và quay video ngắn về biển mây ở trên đỉnh thì tôi tình cờ thấy hình hào quang vòng tròn. Khi trở về xem lại tôi mới hay hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp này còn gọi là "Phật quang". Đó là hiện tượng quang học độc đáo tên là hào quang mặt trời, xuất hiện khi ánh sáng tương tác với tinh thể băng lơ lửng trong không khí, tạo ra vòng tròn nhiều mầu sắc trên bầu trời.

Trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn không có cây cao nên có thể phóng tầm nhìn ra xung quanh rất xa. Từ đây có thể nhìn thấy rõ đỉnh Fansipan và đỉnh Nhìu Cồ San. Dù muốn ở lại càng lâu càng tốt để chiêm ngưỡng và tận hưởng từng giây phút ở đó. Tuy nhiên sợ trời tối và lạnh, chúng tôi rời đỉnh lúc 16h30 và ngắm hoàng hôn trên đường xuống lán nghỉ.

Sáng hôm sau mọi người thức dậy lúc 4h30 và xuất phát từ lán nghỉ đi lên đỉnh lúc 5h. Trời tối om nên phải dùng đèn pin đội đầu để leo núi. 6h sáng tới đỉnh và ai cũng kịp ngắm được khung cảnh bình minh rực rỡ. Tận hưởng không gian bao la của núi rừng thêm một tiếng thì đoàn trở về lá ăn uống rồi xuống núi, kết thúc hành trình leo Ngũ Chỉ Sơn 2 ngày một đêm.

(Nguồn: Nguyễn Đức Hùng, VnExpress, Thứ ba, 7/12/2021, 11:14 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc