Ngồi giữa không gian núi rừng trùng điệp, thưởng thức miếng thịt lợn bản cuốn rau rừng cay cay là trải nghiệm khó quên với thực khách.
Gà nướng ống tre
Là món ăn nổi tiếng của người Thái ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Gà được ướp gia vị mắc khén trong khoảng một tiếng rồi cho vào ống tre. Sau khi cho gà vào, đầu bếp dùng lá dong bịt ống tre lại để thức ăn thêm đậm đà mùi vị. Gặp hơi nóng, mắc khén sẽ tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Gà khi chín sẽ có lớp có da vàng ươm, thịt thơm mùi tre non, ngọt, đượm thêm chút cay cay của mắc khén.
Thịt lợn băm gói lá nướng
Nguyên liệu chính của món ăn này là thịt lợn bản băm nhỏ, sau đó ướp các loại gia vị, đặc trưng nhất là hạt mắc khén. Thịt được gói trong nhiều lớp lá dong, sau đó nướng trên bếp than hoa hoặc được vùi vào trong bếp củi. Người nướng phải thật khéo tay làm sao cho thịt chín đều, có màu vàng hơi ngả nâu, lớp lá dong chỉ cháy khô bên ngoài. Lá giữ ẩm cho phần thịt bên trong, khi bóc lá ra thịt vẫn còn nóng hổi, ngọt, mềm và thơm mùi lá. Hương vị thịt nướng quyện với mùi lá dong, mắc khén làm món ăn trở nên khác biệt.
Cá ngạnh xông hơi
Những con cá ngạnh to đánh bắt từ đầu nguồn sông Đà, được lọc thịt, thái miếng nhỏ sau đó ướp thêm gừng băm, hành, và các gia vị. Đầu bếp xếp những viên sỏi (lấy từ các ngọn suối trong vùng) đã được đốt nóng vào cuối nồi, sau đó trải lá nếp thơm, sả, gừng rồi cho cá lên, đổ rượu vào và đậy vung lại. “Rượu chảy vào sỏi nóng tạo hơi khói bốc lên làm cá chín và thơm. Cá ngon, tươi và chắc thịt vì được xông ngay lại bàn cho du khách”, anh Bùi Quý, đầu bếp người Mường tại Hòa Bình, chia sẻ.
Xôi nếp nương tím
Món xôi bắt mắt và ngon miệng này có công đoạn nhuộm màu rất kỳ công. Đầu bếp dùng gạo nếp nương trắng hạt to, mẩy đều. Sau đó nhuộm tím cho gạo bằng lá cây khảu cẳm – một loại cây chỉ có ở miền núi. Lá cây sau khi cắt về được luộc trong hơn 1 tiếng sẽ có nước màu tím. Khi nước lá nguội, đổ gạo đã vo sạch vào ngâm trong khoảng 8 - 10 giờ. Lúc gạo đã chuyển màu, vớt ra rồi đồ cách thủy lần một. Để nguội xôi, đầu bếp tiếp tục đồ thêm lần hai đến khi xôi chín mềm, từng hạt có màu tím tươi. Xôi thơm, dẻo, có vị ngọt đặc trưng khó lẫn với bất kỳ loại xôi nào. Đặc trưng của món xôi này là dẻo mà không dính. Xôi có thể ăn không, ăn cùng thịt lợn bản hoặc chấm muối vừng.
Bê chao
Bê chao nóng hổi, thơm, mềm chấm cùng nước tương sánh nâu là món ăn du khách nhất định phải thử khi đến với Mộc Châu, Tây Bắc. Muốn có bê chao ngon, thịt mềm và ngọt phải dùng bê sữa. Đầu bếp cắt thịt thành từng miếng nhỏ, có đủ cả 3 phần da, mỡ, thịt nạc, ướp gia vị rồi chao qua dầu sôi. Khâu chao bê rất quan trọng, phải căn độ nóng của dầu và thời gian chao để có được phần thịt chuẩn nhất. Chỉ thả thịt vào khi dầu đang sôi và nóng, chao nhanh rồi vớt ra ngay bởi nếu lâu quá thịt bê sẽ dai, còn nếu non lửa thịt sẽ sống.
Măng đắng
Là món ăn thường xuất hiện trong bữa cơm khi du khách đến với các tỉnh Tây Bắc. Đặc sản núi rừng này được người dân khéo léo chế biến thành nhiều món khác nhau như măng đắng luộc, măng đắng nướng, măng đắng xào tỏi… Trong đó, đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm chẳm chéo. Nguyên liệu chính của chẳm chéo gồm ớt, muối, mắc khén, tỏi... Ngoài ra còn có các loại rau thơm, sả, gừng… tùy theo mục đích sử dụng. Sự kết hợp đơn giản của măng giòn, đắng nhẹ càng nhai càng ngọt, với vị chua chua, cay nồng, thơm của chẳm chéo khi ăn là nét ấn tượng với du khách.
Thịt lợn bản cuốn lá rau rừng
Khác với nhiều món cuốn ở miền xuôi, người dân tộc ở Tây Bắc thường chỉ dùng lá rau rừng để cuốn thịt. Những con lợn bản chắc thịt, nặng khoảng 10 - 13 kg được quay dưới lửa có lớp bì giòn tan. Lợn trước khi quay sẽ được phết một lớp nước thảo quả để giữ độ ẩm và vị ngọt của thịt. Sự kết hợp của rau thơm, lá tiêu rừng chua chua cay cay, chấm thêm chút chẳm chéo là hương vị khó quên đối với du khách từng đến đây. "Ẩm thực Tây Bắc rất ngon. Mình thích những mẹt đồ ăn được lót bằng lá chuối xanh mát, các món ăn đơn giản, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên", Phương Thảo, một du khách Hà Nội, chia sẻ.
Ngân Dương
Theo Vnexpress, Chủ nhật, 21/6/2020, 08:44 (GMT+7)