TST tourist

Bạc Liêu phát triển du lịch sinh thái rừng, nâng cao sinh kế người dân

  • Thứ 3, 04/04/2023, 16:45 GMT+7
  • 633 Lượt xem

Ngoài vai trò chắn sóng biển, làm nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã, những cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở Bạc Liêu còn giàu tài nguyên để xây dựng các mô hình du lịch sinh thái rừng hấp dẫn.

Với định hướng mở rộng không gian du lịch về phía biển, Bạc Liêu đang nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch dưới những tán rừng để góp phần đa dạng sinh kế cho người dân, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị từ các sản phẩm, dịch vụ xanh.

Gần đây, khi đến Bạc Liêu du khách sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn cho cung đường du lịch, trong đó các điểm du lịch sinh thái dọc theo tuyến ven biển là những điểm nhấn ấn tượng. Nổi bật trong số đó là Nông trại Tôm Khỏe, Vườn nhà Tôm, khu du lịch sinh thái Hương Rừng, Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1 (huyện Hòa Bình), Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải)…

Với định hướng mở rộng không gian du lịch về phía biển, Bạc Liêu đang nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch dưới những tán rừng để góp phần đa dạng sinh kế cho người dân, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị từ các sản phẩm, dịch vụ xanh - Ảnh: Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1

Không chỉ tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức check-in với cảnh sắc rừng, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động rất thú vị gắn liền với đời sống thường nhật của người dân xứ biển. Nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ tỏ ra thích thú khi được ra vườn thu hoạch rau, lội vuông bắt ốc len, đổ lú thu hoạch tôm, cua và thưởng thức ẩm thực trên bè nổi.

Theo báo Bạc Liêu, thời gian qua, Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1 không còn là công trình công nghiệp đơn thuần mà đã trở thành sản phẩm du lịch sinh thái thu hút khách. Khu du lịch đang từng bước hoàn thiện để cung cấp các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí theo hướng cho du khách tận hưởng môi trường du lịch xanh.

Đó là trải nghiệm đi xe điện, xe đạp để ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp ở cánh đồng điện gió trên biển. Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi thuyền đi khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, dựng lều cắm trại trên những thảm cỏ xanh ven biển và thưởng thức các đặc sản của biển như cá thòi lòi, cá nâu, nghêu, ốc hương, cua…

Để phát huy tiềm năng và khai thác dư địa của du lịch sinh thái rừng, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh đang xây dựng Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 - Ảnh: Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1

Để phát huy tiềm năng và khai thác dư địa của du lịch sinh thái rừng, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh đang xây dựng Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Mục tiêu của Đề án là phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên. Đối tượng, quy mô thực hiện Đề án được xác định tại các khu vực thuộc: Rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu, rừng đặc dụng Vườn chim Lập Điền và rừng phòng hộ ven biển.

Theo đó, đơn vị sẽ tiến hành thu thập, đánh giá và phân tích hiện trạng tài nguyên rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển Bạc Liêu; điều tra, thu thập các thông tin liên quan đến vùng thực hiện Đề án như: tình hình sử dụng đất, dân cư, phong tục tập quán canh tác, hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, phòng cháy - chữa cháy rừng và vệ sinh môi trường), các giá trị về cảnh quan, lịch sử và văn hóa có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch sinh thái.

Du khách trải nghiệm hoạt động du lịch sinh thái tại Bạc Liêu - Ảnh: TL

Trên cơ sở hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng và các điều kiện khác, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh sẽ phối hợp với các bên liên quan (các ngành, chính quyền địa phương, người dân) lập bản đồ các tuyến, điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng.

Đồng thời, xây dựng các hạng mục như: điểm nuôi động vật bán hoang dã, điểm cứu hộ động vật, công viên chim trong nhà lưới, các chòi dừng chân, điểm trú mưa, chòi vọng cảnh, nhà trưng bày tiêu bản - mẫu vật, phòng giáo dục môi trường, quầy bán quà lưu niệm… để phục vụ du khách.

(Nguồn: Đăng Huy, Sài Gòn Tiếp thị, Thứ ba, 04/04/2023)

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc