Đến Đà Lạt dịp này, du khách được dự triển lãm ảnh Dalat Rendez-vous của 5 tác giả tại đường Lý Tự Trọng, phường 2.
Tình yêu nhiếp ảnh kết nối 5 tác giả ( Lê Nguyên Huy, Nguyễn Hữu Thông, Võ Rin, Nguyễn Ngọc Thiện và Kmon Nguyễn) cùng hội ngộ ở phố núi để mở một triển lãm ảnh ngoài trời. Được ví như bản giao hưởng của nhiếp ảnh, Dalat Rendez-vous năm nay được tổ chức từ ngày 19/12 đến tháng 3/2022, do hai nhiếp ảnh gia Phan Quang và Lý Hoàng Long giám tuyển.
Triển lãm diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Stop and Go Art Space mới ra mắt tại 88, Lý Tự Trọng, Phường 2. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động 6 chương trình nghệ thuật Đà Lạt tháng 12.
Tác phẩm trên có tên Nắng sớm Đại Lào, chụp tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc của tác giả Lê Nguyên Huy (TP HCM). “Có lẽ chỉ cần mỗi cuối tuần, sau những ngày làm việc vất vả, lên đây để thưởng thức ly cà phê sáng trong không khí se lạnh, bấm lại những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên tại thành phố sương mù làm tôi quên hết những lo toan trong cuộc sống hàng ngày”, anh Huy nói.
Tác phẩm Cây thông cô đơn bên hồ Đan Kia - Suối Vàng huyền ảo trong sương, thu hút các nhiếp ảnh đến tác nghiệp. Cây thông cô đơn từ lâu đã nổi tiếng tại thành phố tình yêu, không chỉ vì cái tên mà còn vì danh lam thắng cảnh ở đây rất đẹp và yên bình, nhiều cặp đôi đến đây chụp ảnh lưu lại thanh xuân.
Tác phẩm trên có tên gọi Một mùa xuân nho nhỏ được Nguyễn Hữu Thông thực hiện vào những ngày mùa xuân năm 2019. Tác giả Nguyễn Hữu Thông (Bắc Giang), người nặng tình với vùng cao nguyên đá Hà Giang mang đến triển lãm một bộ ảnh đầy sắc màu. Anh nói “người thầy đầu tiên, người yêu đầu tiên, công việc đầu tiên” là những thứ có thể định hình con người bạn. Với tôi, cả ba thứ đó đều là Hà Giang, nơi tôi cống hiến những ngày tháng tuổi trẻ sau khi ra trường, trân trọng những giá trị cuộc sống và là nơi nuôi dưỡng tình yêu trong tôi với nhiếp ảnh”.
Trong sự nghiệp nhiếp ảnh, Nguyễn Hữu Thông đã gặt hái được trên 40 giải thưởng lớn nhỏ trong nước và quốc tế, với hầu hết bối cảnh chụp là tại Hà Giang.
Bức ảnh Vụ xuân được thực hiện năm 2018 tại Đồng Văn khi anh muốn tìm một điều gì đó khác với những thứ đã mang tính biểu tượng như nhà trình tường, mái ngói âm dương, bờ rào đá, phiên chợ...
“Điều đó dẫn tôi lang thang ra những thửa ruộng đang vào vụ mới. Những ngày đầu xuân cũng là ngày đầu vụ gieo trồng của bà con vùng cao, tôi may mắn gặp được bối cảnh rất “tình”, một gia đình đang tra hạt ngô, bên cạnh là cây đào và cây mận bao quanh bởi đống thân ngô khô, điều tôi cảm nhận lúc đó là sự ấm áp”, anh chia sẻ.
Tác phẩm Sơn nữ được anh Thông thực hiện năm 2015 tại Hà Giang, những con người vùng cao ngay từ khi sinh ra đã đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn tồn tại, phát triển và sinh sôi. Ngoài ra, tác giả còn mang đến triển lãm những tác phẩm gắn liền với sự nghiệp nhiếp ảnh của anh như Bữa sáng ở chợ phiên, Bên bức tường tuổi thơ hay Xuân về Phố Cáo.
Trong khi đó, Võ Rin (Đà Nẵng) tham gia triển lãm với bộ ảnh “Vẻ đẹp các loài chim Việt Nam”. Anh cho biết mình chơi ảnh từ năm 2006 với nhiều thể loại nhưng đến tháng 9/2018 mới bước chân vào thể loại “nhiếp ảnh chim thiên nhiên hoang dã”. Bắt đầu với những trải nghiệm thú vị và tiếp cận những chú chim đầu tiên, khi đứng trước vẻ đẹp rực rỡ của chúng anh mới nhận ra cần phải chụp thật nhiều để đưa tới mọi người những hình ảnh tuyệt đẹp về thế giới loài lông vũ.
Trong ảnh là Vũ điệu của một đôi chim cà kheo, loài chim di cư với chân và mỏ dài. Vào mùa di cư, chim cà kheo thường kiếm ăn trên những vùng nước dưới chân bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Trong ảnh là vịt trời bay ở Vườn quốc gia Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp. Tràm Chim là điểm đến lý tưởng để tận mắt chiêm ngưỡng thế giới tự nhiên hoang dã, đồng thời là trạm dừng chân vào mùa khô của loài sếu đầu đỏ quý hiếm.
Chim yến mào trống chăm con tại vườn Yok Đôn, Đăk Lăk. Loài chim này có kích thước nhỏ, thân dài khoảng 20 cm, chim trống có mặt và phần cổ trên màu nâu nhạt nổi bật, có mào dựng và cánh dài màu xám.
“Du khách nên chọn thời điểm giữa tháng 2 - 4 đến vườn Yok Đôn, lúc này cây rừng rụng hết lá để chống chọi với thời tiết hanh khô của Tây Nguyên, do đó việc quan sát và chụp ảnh chim dễ dàng hơn”, anh Võ Rin nói.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thiện (TP HCM) góp mặt với những tác phẩm nhiếp ảnh chụp dưới biển mang đến hơi thở độc đáo. Tác phẩm Trốn tìm được Nguyễn Ngọc Thiện chụp trong chuyến lặn biển ở Hòn Cau, Côn Đảo.
“Trong lúc lặn, cả nhóm bắt gặp một con sứa biển lớn đang bơi trong làn nước trong vắt bên trên rạn san hô, một thành viên nữ rất thích thú chăm chú con sứa. Lúc này, tôi tranh thủ di chuyển máy ảnh dưới nước ghi lại những khoảnh khắc chuyển động thú vị của sứa. Quan sát thì phát hiện cơ thể to lớn của sứa như một nơi trú ẩn di động, che chở cho các chú cá nhỏ an toàn trước những kẻ săn mồi nguy hiểm”, anh nói.
Tác phẩm Cá ngựa và túi nhựa được chụp trong chuyến lặn biển ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun, Nha Trang, Khánh Hòa.
“Qua hình ảnh này, tôi bày tỏ mối lo ngại rằng những sinh vật biển có thể bị chết, trước thực trạng các túi nilon từ các tàu thuyền du lịch hay từ đất liền được thải vào đại dương. Loại rác thải nhựa này sẽ trôi nổi trong hàng trăm năm mà không bị phân hủy, làm suy giảm đa dạng sinh học của hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của con người”.
Ngoài các bức ảnh thiên nhiên và phong cảnh trên, bộ ảnh của tác giả Kmon Nguyễn (TP HCM) mang đến một góc nhìn mới về Việt Nam thông qua phong cách chụp ảnh tối giản. Theo anh, cuộc sống ngày nay quá phức tạp và có nhiều thứ để suy nghĩ, lo toan, chụp ảnh tối giản giúp ta sống chậm hơn để nghiệm lại những thứ xung quanh. Những khoảnh khắc gần gũi rất đẹp mà ta bỏ qua nó.
Các tác phẩm của anh Kmon Nguyễn đều được đặt tên là Chụp đơn giản thui. “Tôi dùng ảnh street style (phong cách ảnh đường phố) để kết nối các bạn có góc nhìn vui vẻ tích cực hơn trong cuộc sống. Hơn nữa, tôi mong muốn những tác phẩm của mình có thể truyền cảm hứng cho các bạn có thể phá bỏ đi vài nguyên tắc khuôn khổ khi chụp ảnh”, anh chia sẻ.
(Nguồn: Huỳnh Phương, VnExpress, Chủ nhật, 19/12/2021, 02:19 (GMT+7))