'Nhiều lần đi qua cánh đồng thôn Vĩnh Nam, thấy cái lò gạch cũ bỏ hoang giữa đồng lúa, mình thấy thích. Thế là bàn với chồng mua lại cái lò gạch, ai cũng bảo mình điên' - chị Nga nhớ lại.
Chị Lê Thị Thanh Nga (36 tuổi, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng chồng đã bỏ phố về quê, lập nghiệp trên mảnh ruộng với tài sản là cái lò gạch cũ bỏ hoang giữa ruộng. Bằng sự cần mẫn, họ đã biến nơi đây thành một nông trại gạo tím than, rau hữu cơ kết hợp với du lịch trải nghiệm, điểm check in lý tưởng.
Hành trình với gạo tím than
Cánh đồng lúa thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên rộng 2ha của vợ chồng chị Nga xanh mơn mởn mà chỉ cách đây vài năm, nơi đây là đồng lúa nhếch nhác và lò gạch cũ hoang phế.
"Nhiều lần đi qua cánh đồng thôn Vĩnh Nam, thấy cái lò gạch cũ bỏ hoang giữa đồng lúa tự dưng mình thấy thích. Thế là bàn với chồng mua lại cái lò gạch, ai cũng bảo mình điên" - chị nhớ lại.
Chồng chị, anh Boonlert Kamyai, người Thái Lan, một kỹ sư chăn nuôi. Những chuyến đi đến nhiều nước trên thế giới cùng chồng là khoảng thời gian quý báu của chị, đến đâu họ cũng tìm hiểu phương pháp làm nông nghiệp nước ngoài, nhận ra một điều là tiềm năng nông nghiệp rất lớn mà nông dân Việt Nam chưa khai thác hết từ ruộng đồng.
"Ruộng đồng nhiều nhưng thói quen canh tác truyền thống, sử dụng nhiều phân bón hóa học khiến đất cằn cỗi, nhiều cánh đồng không đạt năng suất, bỏ hoang. Nhiều nước trên thế giới, mỗi mét đất là tài nguyên, nông dân luôn biết phát huy hết tiềm năng, mình cần nhìn hướng thay đổi cách làm nông nghiệp" - anh Boonlert Kamyai chia sẻ.
Sau khi mua cái lò gạch cũ, họ thuê thêm 2ha đất và trồng thử nghiệm sáu loại giống lúa, loại nào tốt thì chọn trồng nhân rộng, vừa cải tạo đất, cày bừa, làm tơi xốp đất, bón phân hữu cơ. Cứ thế chỉ một thời gian ngắn, vùng đất cằn cỗi trở nên màu mỡ, chị đã chọn loại gạo tím than phù hợp với ruộng này.
"Gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều chất có khả năng thanh lọc cơ thể, kháng ung thư, có giá thành cao nhưng ở tỉnh chưa có người trồng" - chị Nga kể.
Năm 2020, chị trồng lúa tím than trên 2ha, không dùng thuốc diệt cỏ, trừ sâu, dùng phân hữu cơ như phân trùn quế, bò... để bón. Khi nông dân địa phương bắt đầu cày bừa, bón phân, đưa nước vào ruộng thì chị mới bắt tay gieo mạ. Mạ cao khoảng 20cm đưa vào máy cấy, mỗi cây cách 20cm.
"Mình cấy lúa theo hàng, khoảng 15 ngày sau thả vịt vào ruộng, mỗi sào thả 15 con vịt để ăn cỏ, ốc, sâu" - chị kể.
Giống gạo tím than có thời gian canh tác khoảng 120 ngày. Cách gieo, trồng, chăm sóc cũng không khác mấy so với các loại lúa khác nhưng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Gặt lúa bằng tay để tránh bị lẫn lộn với các giống gạo khác. Dùng vịt, nuôi cá để tiêu diệt ốc bươu vàng, sâu bệnh, cỏ dại, rồi nấu dung dịch riềng, ớt phun cho lúa phòng trừ bệnh. Những yếu tố này giúp gạo tím than hoàn toàn sạch.
"Dùng vịt ăn ốc bươu vàng, sâu bọ, phân vịt là phân bón hữu cơ. Vịt di chuyển giữa những cây lúa làm đất tơi xốp, lúa trổ đòng thì vịt cũng đủ ngày xuất bán, nguồn lợi kép" - chị kể.
Mở rộng vùng sản xuất
Cùng với bốn nhân công, hai vợ chồng quần quật lội ruộng, chăm sóc, lúa phát triển. Một khu trại nhỏ dựng lên giữa đồng bên chiếc ao cá phủ đầy sen hai vợ chồng dùng làm nơi ở. Chị bộc bạch, sau những vụ trồng thử nghiệm, đến nay mỗi năm cánh đồng thu hoạch hai vụ, bình quân 1ha thu hoạch hơn 5 tấn lúa, tương đương 3 tấn gạo. Năng suất thấp hơn so với các giống lúa khác nhưng giá thành lại cao hơn gấp 5 lần.
Đặc biệt, cách làm lúa của chị không đơn thuần mà nghĩ cách tạo ra những sản phẩm từ lúa để có giá trị cao hơn. "Nông dân thường bán thô, đây là việc làm giàu cho thương lái, đơn vị vận chuyển, còn họ thu lợi chẳng đáng là bao. Mình phải tạo những sản phẩm mang thương hiệu riêng để giá trị hạt gạo tím than cao hơn" - anh Boonlert Kamyai, chồng chị Nga, nói.
Hai vợ chồng làm nhà xưởng đóng gói gạo rồi liên kết với các cơ sở chế ra các sản phẩm như trà gạo, rượu... bán có giá trị cao hơn. Chị chọn tên Lò gạch cũ để đặt cho sản phẩm gạo tím than, những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng như trà xanh gạo lứt tím than Ô mê cha, rượu Ô mê tửu.
Hai vợ chồng tu sửa cái lò gạch cũ, làm cầu tre bắc qua, đường bêtông, điện kéo đến tận ruộng, khu nghỉ ngơi ăn uống. Lò gạch cũ Farm stay ra đời làm điểm du lịch, check-in khá hút khách. Từ vài bạn trẻ đến chụp ảnh, dần dà hình ảnh lò gạch cũ tràn ngập các trang mạng xã hội. Cánh đồng bỗng chốc trở thành điểm check-in của hàng ngàn người.
Hai vợ chồng lồng ghép điểm đến lò gạch cũ với các sản phẩm từ gạo tím than, cùng một số hoạt động trải nghiệm như làm đồng, câu cá, thưởng thức món ăn dân dã như cơm gạo tím than, trà, rượu. Rồi họ trồng hoa, rau hữu cơ, những khu chòi cho khách dừng chân nghỉ ngơi.
"Mình lồng ghép các sản phẩm như cơm, trà, sữa, rượu gạo tím than, nước ép cải xoăn cho khách thưởng thức, rồi họ thích, đặt mua về dùng thử. Dần dần họ trở thành khách hàng quen thuộc, chỉ cần đặt hàng trên mạng, sản phẩm sẽ chuyển đến tận nhà. Họ giới thiệu cho bạn bè, người thân điểm check-in.
Thông qua du lịch mình cũng quảng bá, giới thiệu những sản phẩm của nông trại" - chị Nga kể. Mỗi ngày nơi đây đón khoảng 100 khách, lễ tết thì 300 - 400 người. Vui nhất là khách đến Lò gạch cũ Farm stay cứ gọi hai vợ chồng chị là Chí Phèo - Thị Nở.
Chị cũng dự định liên kết, chuyển giao kỹ thuật với nông dân địa phương để mở rộng vùng sản xuất gạo tím than, với mong muốn người nông dân thay đổi phương thức canh tác để tăng giá trị của nông sản. Gạo, rau làm ra, nông dân vừa là nhà sản xuất, vừa chế biến, bán sản phẩm và là hướng dẫn viên làm du lịch cho chính mảnh ruộng của mình, tức là xuất khẩu nông sản tại chỗ. Như vậy giá trị từ đất, nông sản sẽ cao hơn, được khai thác triệt để.
"Đất lúa mà chỉ làm lúa thôi thì như vàng ở trong tay mà không biết sử dụng" - chị Nga nói.