TST tourist

Các nước làm gì khi mở lại du lịch nội địa?

  • Thứ 7, 16/05/2020, 09:27 GMT+7
  • 777 Lượt xem

Khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế trở thành điều bình thường mới tại nhiều quốc gia mở cửa du lịch nội địa trở lại giữa Covid-19.

Vài tuần trước, Sarah Keenlyside, blogger của Bespoke Travel, đến một nhà hàng địa phương ở Bắc Kinh để ăn trưa mừng sinh nhật với bạn bè. Tại cửa, chủ nhà hàng đo thân nhiệt và yêu cầu quét QR code từ điện thoại cá nhân để kiểm tra tình trạng sức khoẻ - đảm bảo bảo thực khách có mã xanh, đủ điều kiện ra đường.

Tiếp đó, nhân viên bồi bàn phân chia khách thành những nhóm ba người - số lượng tối đa được phép ngồi cùng nhau trong các nhà hàng tại Bắc Kinh hiện nay, trước khi dẫn họ đến những bàn ăn cách nhau vài mét. Từng mặt bàn đều được khử trùng, thực khách dùng nước rửa tay diệt khuẩn của nhà hàng trước khi ngồi xuống.

cac-nuoc-lam-gi-khi-mo-lai-du-lich-noi-dia-1

Kiểm tra thân nhiệt và mã sức khỏe xanh lá cây là thói quen bình thường mới tại Trung Quốc. Ảnh: Greg Baker.

Đó là "cuộc sống bình thường mới" tại Trung Quốc, nơi từng có ổ dịch lớn nhất thế giới tại Vũ Hán. Còn dưới đây là những quốc gia đang dần dần mở cửa lại du lịch nội địa cùng những biện pháp an toàn.

Vật bất ly thân mới

Một thói quen mới khi người dân rời khỏi nhà thời nay là: lấy nước rửa tay khô, đeo khẩu trang và với những người sống ở Trung Quốc như Sarah là đảm bảo mã sức khỏe của mình màu xanh lá.

Mã sức khỏe, tưởng như thứ gì đó chỉ có trong bộ phim khoa học viễn tưởng, giờ đây là kim chỉ nam cho cuộc sống thường ngày, theo Linda Wang, chuyên gia du lịch của Steppes Travel tại Bắc Kinh. Mã QR chứa dữ liệu về số điện thoại, hộ chiếu và họ của một người - màu xanh lá hoặc đỏ cho biết bạn có thể rời khỏi nhà an toàn hay không.

"Nếu có thân nhiệt bất thường, hoặc tiếp xúc gần với bất kỳ ai từ Vũ Hán hoặc một bệnh nhân trong nhà hàng nào đó, mã của bạn sẽ lập tức chuyển màu đỏ", Wang, đại diện từ hệ thống giám sát công dân Trung Quốc, cho biết. Những mã này được kiểm tra trước khi nhân viên vào bất kỳ công ty nào, ai có mã đỏ sẽ bị từ chối. Sau khi một người cách ly bắt buộc trong 14 ngày mà không có triệu chứng gì, mã đỏ sẽ chuyển màu xanh.

Dù hệ thống theo dõi này không phải điều bình thường, một nhà điều hành tour tại Việt Nam tin tưởng vào cách tiếp cận tương tự của đất nước có số ca lây nhiễm thấp này (tổng số dưới 300).

"Ngay khi một ca dương tính được xác định, cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà hàng... phải đóng cửa tạm thời trong ít nhất 14 ngày. Những cơ sở dịch vụ và người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được báo tin, điều tra lịch sử đi lại, tiếp xúc rõ ràng", Khoa Nguyễn, giám đốc địa phương của công ty du lịch Wild Frontiers tại TP HCM, cho hay. Hiện hoạt động của đất nước tái khởi động, những bước phối hợp của các lực lượng có thể trấn an người dân nếu một đợt bùng phát thứ hai xảy ra.

Thói quen ăn uống thay đổi

Trải nghiệm ăn uống tại nhà hàng thời Covid-19 sẽ còn lạ lẫm với khá nhiều người trong một thời gian dài. Với không ít thực khách, quy trình khử trùng và giãn cách xã hội đem đến những thách thức lớn nhất. 

"Cách họ khử trùng trong các quán bar và nhà hàng trông như một quy trình trong bệnh viện", Wang, sống tại Bắc Kinh, nhận định. Không còn những ngày ăn chung thìa đĩa, hay thậm chí tán gẫu với hàng xóm.

Thái Lan cho phép các nhà hàng tại Bangkok mở cửa trở lại từ đầu tháng 5. Jay Tindall, người đồng sáng lập Remote Lands, cho biết nhà hàng phải sắp xếp các bàn cách nhau khoảng 2,5 m. Ít bàn hơn tức là thực khách sẽ không còn tương tác với nhau và mất cảm giác đông vui - không khí tạo nên trải nghiệm khác biệt khi ăn hàng. Điều này đồng nghĩa với việc kinh doanh giảm sút - một khó khăn còn tồn tại nhiều tháng nữa.

cac-nuoc-lam-gi-khi-mo-lai-du-lich-noi-dia-2

Thực khách dùng bữa trưa trong nhà hàng lẩu tại Bangkok, Thái Lan, ngày 8/5. Các nhà hàng có sử dụng vách ngăn nhựa hoặc kính để giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Athit Perawongmetha/Reuters.

"Khi bị cắt giảm lương, người ta cũng không còn tiêu nhiều tiền để ăn uống tại nhà hàng. Hoặc ngay cả khi họ có thể ăn ngoài, bọn trẻ vẫn quấn chân bố mẹ chúng ở nhà vì trường học chưa mở cửa. Cuộc sống dù trở lại 'bình thường', thì thực tế lại phức tạp hơn thế", Sarah nhận định.

Ở những thành phố khác, hàng loạt nhà hàng phải ngừng hoạt động dài hạn vì kinh doanh khó khăn. Henry Chen, đồng nghiệp của Sarah tại Tây An, Trung Quốc, chia sẻ, không ít người dân ca thán vì khi có thể rời khỏi nhà, họ lại hay tin một quán quen phải vĩnh viễn đóng cửa.

Nhưng không phải thực khách nào cũng chịu ngồi yên nhìn hàng quán "ruột" phá sản vì đại dịch. Tại Singapore, rất nhiều hội nhóm ra đời, mở ra một phiên chợ online miễn phí cho những người bán rong. Nhờ vậy, họ có thể chào bán và nhận đơn hàng của khách mà không cần tới một ứng dụng thứ ba nào.

Phương tiện công cộng vắng vẻ hơn

Tại những thành phố như New York hay Rome, tàu điện vẫn hoạt động trong đại dịch, chuyên chở những nhân viên quan trọng. Giờ đây, hành khách trở lại kéo theo những thách thức mới - làm sao để dàn đều khoảng không gian cho họ theo quy định giãn cách xã hội.

"Bước vào tàu điện, bạn phải đi qua một máy quét thân nhiệt. Nếu bạn bị sốt, chuông báo động sẽ vang lên, cho mọi người xung quanh bạn đều biết", Sarah nói về tình hình tại tại Bắc Kinh.

Còn theo Guilia Gargaruti, hướng dẫn viên du lịch của IC Bellagio tại Rome, cho biết những dấu chỉ dẫn đã xuất hiện trên sàn các ga tàu điện ngầm trong thành phố, để hành khách giãn cách xã hội. Guilia nhận định: "Đến nay nó vẫn hiệu quả, nhưng chúng tôi còn rất nhiều người làm việc tại gia. Chắc chắn sẽ hỗn loạn hơn khi mọi người trở lại đi làm hàng ngày".

Hiện người Italy chỉ có thể đi lại trong vùng vào giai đoạn đầu mở cửa. Tại những thành phố có thể đi bộ như Venice, người dân cố gắng tránh xa tàu điện ngầm nhiều nhất có thể. 

Raffaele Pitari, một hướng dẫn viên khác, đồng nghiệp của Guilia, cho biết những phương tiện công cộng tại Florence, phương tiện công cộng bắt đầu hoạt động trở lại với khoảng 50% công suất - quy định áp dụng với cả xe tư nhân. Mọi hành khách và tài xế đều phải đeo khẩu trang.

cac-nuoc-lam-gi-khi-mo-lai-du-lich-noi-dia-3

Bỉ yêu cầu người dân bắt buộc sử dụng khẩu trang y tế, đặc biệt trên phương tiện giao thông công cộng. Các địa phương có quy định riêng về các biện pháp phòng ngừa Covid-19, bao gồm đeo khẩu trang trên đường phố và giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m khi tiếp xúc với người khác. Ảnh: Yves Herman/Reuters.

Mở cửa du lịch nội địa

Những quốc gia bắt đầu mở cửa hoạt động nội địa như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... vẫn chưa đón khách nước ngoài. Dù không có khách ngoại quốc, vài điểm du lịch vẫn mở cửa trở lại đón khách địa phương.

Tại Việt Nam, vài điểm du lịch quan trọng như hang động trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, Sa Pa... đều bắt đầu đón khách nội địa trở lại với một số tour được phép hoạt động. Tại Hội An, du khách có thể tự do tham quan, miễn không tập trung quá 10 người.

Điều tương tự cũng xảy ra tại Bắc Kinh, nhưng Sarah không lạc quan trước tình hình. "Có thông báo chúng tôi có thể mở tour cho nhóm khách nhỏ, nhưng nếu khách nước ngoài không được phép nhập cảnh thì điều đó không có ý nghĩa gì. Tôi không nghĩ tình hình sẽ sớm thay đổi".

Richard Zeng, đồng nghiệp của Sarah, cho biết: "Mọi điểm du lịch lớn như Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành và Cung điện Mùa Hè đều mở cửa. Để tránh đám đông, ban quản lý giới hạn khách hàng ngày - ví dụ chỉ 5.000 lượt khách được vào Tử Cấm Thành một ngày. Chúng tôi đều phải đặt vé trước trên mạng, mọi du khách cần đeo khẩu trang và đo thân nhiệt tại cửa vào".

Tại Italy, các bảo tàng và khu vực khảo cổ học sẽ mở cửa lại vào 18/5. Những hướng dẫn viên như Guilia hy vọng mình sẽ có thể ngắm nhìn những bảo vật quốc gia, mà không phải chen chúc trong đám đông vào đợt cao điểm mùa xuân như hàng năm.

Du lịch có thể là ngành cuối cùng hồi phục

Ngay cả khi biên giới đóng cửa và thị trường du lịch nước ngoài tạm dừng, những hãng bay nội địa và khách sạn đang nỗ lực bằng mọi cách để thích nghi.

Tại Việt Nam, Khoa Nguyen cho biết người dân phải khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt trước khi lên máy bay hoặc tàu xe. Trong khi đó, các hãng hàng không và công ty đường sắt cố gắng duy trì dịch vụ ổn định giữa hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM.

Với người Trung Quốc, những chuyến bay và chuyến tàu đang hoạt động với tần suất thấp giữa các thành phố. Một số hãng hàng không còn dùng màng nilon dùng một lần để bọc những chiếc ghế bị gỡ bỏ giữa hành khách. Đặc biệt tại Bắc Kinh, chính quyền yêu cầu mọi hành khách đến từ những thành phố khác phải xét nghiệm nhanh nCoV, do thủ đô này có rất nhiều người đi làm từ nhà ở tỉnh thành khác.

Trong khi đó, Chrissie Lincoln, giám đốc kinh doanh của khách sạn cao cấp Upper House, cho rằng các khách sạn tại Hong Kong đã đưa mức độ sát khuẩn lên một tầm cao mới. "Mọi nhân viên đều được kiểm tra thân nhiệt trước ca làm việc, bắt buộc đeo khẩu trang và dự lớp đào tạo xử lý khủng hoảng hàng tuần".

Chrissie cho biết khách sạn còn tăng cường khử trùng nút bấm thang máy, tay nắm cửa, lan can cầu thang và mọi khách hàng phải khai báo y tế. Ngay cả nhân viên lễ tân cũng không chào khách bằng cách bắt tay thông thường mà chỉ gửi họ một chiếc ôm gió từ xa.

Dù những biện pháp phòng dịch khắt khe này là điều phần đông du khách chưa quen, song những người làm du lịch tại khắp các thành phố từ TP HCM, Singapore, Bangkok, Bắc Kinh, Hong Kong, cho đến Rome, Milan, đều cho rằng phần lớn người dân đều lạc quan và sẵn sàng tiến về phía trước dù tương lai còn chưa rõ ràng.

"Ban đầu, thật khó khăn để chấp nhận toàn bộ chuyện này. Nhưng giờ chúng tôi đã thấy rõ hơn nét đẹp của những cuộc tán gẫu vu vơ, một cái ôm, bắt tay chào hỏi... và biết con người may mắn thế nào khi có những điều này. Khi thị trường du lịch khởi động tại, chúng tôi sẽ cảm nhận rõ rệt hơn sự tự do trên những cung đường", hướng dẫn viên Guilia bày tỏ.

Theo Bảo Ngọc (Theo Condé Nast Traveler)

Nguồn tin bài và ảnh: vnexpress.net, chuyên mục du lịch

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc