Lạm phát tác động đến chi phí vận hành, lương nhân sự khiến các tụ điểm ăn chơi, ngành giải trí về đêm, sự kiện ngoài trời ở nhiều quốc gia tại châu Âu lần lượt tăng giá dịch vụ.
Nhà hàng bên bờ biển ở đảo Ibiza (Tây Ban Nha) tính phí 30 euro (30 USD) cho một chiếc bánh mì kẹp thịt. Bắt đầu từ tháng này, giá thuê giường tắm nắng lớn tại câu lạc bộ cao cấp có thể lên đến 500 euro. Đặt một bàn VIP ở những hộp đêm gần đó tốn khoảng vài nghìn euro.
Từ lúc lạm phát bùng nổ, hàng loạt dịch vụ giải trí ở hòn đảo Ibiza bắt đầu tăng giá.
Trước đây, nơi này đã được biết đến với cuộc sống thượng lưu và mức độ chịu chi của khách hàng. Tuy nhiên, giá cả vẫn hợp lý, nằm trong mức cho phép.
“Sau 23 năm sống ở New York (Mỹ), tôi chỉ có thể so sánh ở đây với Hamptons trong thời kỳ cao điểm của mùa du lịch. Việc lên giá thật ngớ ngẩn”, Ben Pundole, nhà tư vấn khách sạn sang trọng, người thường xuyên ghé thăm Ibiza, nói với CNBC.
Chỗ vui chơi ngày càng đắt hơn
Nổi tiếng nhất tại Ibiza là Ushuaia, được Hiệp hội Cuộc sống về đêm Quốc tế vinh danh là câu lạc bộ tốt thứ 3 trên thế giới vào năm 2019. Pundole cho biết các nhà hàng, quán bar, dịch vụ cho thuê kỳ nghỉ và taxi đều điều chỉnh giá cả trong năm nay. Thậm chí, nhiều nơi bán một lon Coca-Cola lên đến 13 USD.
“Các doanh nghiệp đang tìm cách bù đắp phần doanh thu bị mất trong 2 năm qua. Các vấn đề về chuỗi cung ứng và nhu cầu bị dồn nén là rất lớn”, ông Pundole nói thêm.
Số lượng khách du lịch đến thăm quần đảo Balearic đã tăng 300% so với năm ngoái, theo Viện Thống kê Quốc gia của Tây Ban Nha.
Carolyn Addison, người đứng đầu bộ phận sản phẩm của hãng du lịch sang trọng Black Tomato, cho hay sự nổi tiếng của Ibiza như một điểm đến cao cấp đã được lan truyền trong vài thập kỷ.
“Với danh tiếng từ trước đó, các dịch vụ ở đây cũng khá đắt tiền”, Addison nhận xét.
Chuyến đi 6 đêm do công ty này tổ chức có giá khởi điểm từ khoảng 6.100 bảng Anh (7.260 USD)/người, bao gồm chỗ ở, bữa sáng và thuê du thuyền riêng một ngày (giá không bao gồm vé máy bay).
Các dinh thự tư nhân của Six Senses Ibiza có giá khoảng 16.000 USD mỗi đêm trong mùa hè, theo trang web của khách sạn. Du khách có thể sử dụng những tiện ích bao gồm spa, khu vui chơi cho trẻ em và các hoạt động hàng ngày như chèo thuyền kayak, nhảy vách đá.
Mỗi người đến đây đều có nhân viên tư vấn trải nghiệm cá nhân, người đảm nhiệm tổ chức các chuyến đi chơi cho du khách như ra vào hộp đêm, du ngoạn bằng thuyền.
Ngoài địa điểm này, khách sạn Beach Caves cũng là điểm nhấn trong mùa du lịch cao điểm. Các dãy phòng ở đây có giá từ 1.565 euro một đêm vào 3 tháng hè.
Khi được hỏi tại sao dịch vụ tại Ibiza lại đắt như vậy, Luca Finardi, giám đốc điều hành của Mandarin Oriental Exclusive Homes, nói rằng hòn đảo này là điểm đến yêu thích của du khách thượng lưu, những người muốn có sự kết hợp giữa phong cảnh đẹp, nhà hàng, quán bar chất lượng cao, trải nghiệm mua sắm sang trọng và cuộc sống về đêm sôi động.
“Ngoài các nhu cầu xa xỉ, họ cũng có thể tìm thấy những góc yên tĩnh để thoát khỏi đám đông. Tất cả trải nghiệm đều đáng tiền”, Finardi bày tỏ.
Theo Mariek Anselme, làm việc tại AMA Selices, một trang web đặt phòng hạng sang thành lập vào tháng 6, chi phí trung bình cho một kỳ nghỉ ở biệt thự trong 10 ngày tại Ibiza là khoảng 26.500 euro.
Hầu hết khách hàng đều bổ sung các dịch vụ như rạp chiếu phim pop-up - dao động từ 500 euro cho mỗi buổi - cũng như đầu bếp riêng, lớp học yoga và trị liệu spa.
“Trong nhiều thập kỷ, nó đã thu hút những cái tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc, tạo ra một nền giải trí thượng lưu và xa hoa. Những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu về dịch vụ khách sạn cao cấp mở cửa ở Ibiza. Đó cũng là một phần lý do khiến nơi này tăng giá liên tục”, cô nói thêm.
Dịch vụ giải trí về đêm tăng giá
Lạm phát không chỉ khiến hòn đảo xa hoa ở Tây Ban Nha tăng giá dịch vụ, xu hướng này cũng được ghi nhận ở Anh, Đức.
Các doanh nghiệp trong ngành giải trí về đêm đưa ra cảnh báo chi phí cho một đêm đi chơi sẽ trở nên đắt hơn đáng kể.
Họ nói rằng việc nâng giá là lựa chọn duy nhất, không có cách nào khác dưới ảnh hưởng của việc tăng mức lương, tiền ăn uống và chấm dứt các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ, theo Chronicle Live.
Cuộc khảo sát mới nhất của Hiệp hội ngành công nghiệp về đêm (NTIA) với 198 công ty cung cấp dịch vụ nightlife cho thấy chi phí vận hành doanh nghiệp tăng 26% vào năm ngoái.
Thực đơn đồ ăn và thức uống tại các câu lạc bộ đêm, quán bar, sòng bạc cũng được điều chỉnh theo tình hình hiện tại.
Lạm phát còn thể hiện ở tiền lương cho lực lượng lao động (tăng 18%), chi phí bảo hiểm sau đại dịch (tăng 31%), hóa đơn điện nước (tăng 29%).
Còn theo thống kê của UK Hospitality, 93% trong số 680 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay họ có ý định tăng giá trung bình 11% trong vài tháng tới, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát ở mức 5,4% trong tháng 12 năm ngoái.
“Thật không may, đối với phần lớn doanh nghiệp, họ không thể làm gì khác ngoài việc chuyển hệ lụy của việc thay đổi giá cho người tiêu dùng. Điều đó khiến cuộc vui của người dân ở xứ sương mù sẽ đắt đỏ hơn”, ông nói.
Tại Đức, một trong những quốc gia sản xuất bia hàng đầu thế giới, giá đồ uống này có thể tăng tới 30% trong những tháng tới. Điều này gây ra một cú sốc cho người tiêu dùng trên cả nước.
Khi các quy định hạn chế Covid-19 ở xứ sở bia được dỡ bỏ lần lượt, các sự kiện và lễ hội lại bắt đầu thu hút hàng triệu người tham dự.
Tuy nhiên, lễ kỷ niệm Oktoberfest hàng năm ở Bavaria dự kiến diễn ra vào mùa thu năm nay có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá bia tăng cao.
Lạm phát đã tăng lên 7,4% trong tháng 4, có khả năng tác động đến chi phí nguyên liệu của các nhà sản xuất thức uống có cồn ở Đức trong suốt thời gian còn lại của năm 2022.
(Nguồn: Thảo Ngân, Zingnews, Thứ năm, 21/7/2022, 21:00 (GMT+7))