Vào năm 2030, Cần Giờ sẽ là thành phố biển nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái với thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng mỗi năm.
Mục tiêu trên được nêu trong Nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ do Thành uỷ TP HCM vừa ban hành. Theo đó, thành phố đặt kế hoạch tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2030 của huyện tăng 20,7% mỗi năm. Đến 2030, ngành dịch vụ chiếm gần 75% tổng giá trị sản xuất của địa phương; toàn bộ đường đô thị được chiếu sáng; tất cả phương tiện giao thông công cộng dùng năng lượng sạch, 100% rác thải được xử lý.
Cần Giờ sẽ tập trung phát triển dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Địa phương này được định hướng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với tổng lượng khách giai đoạn 2021-2030 là 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5% mỗi năm.
Các tuyến du lịch quốc tế sẽ được kết nối với nơi đây qua cảng hành khách trên luồng Sài Gòn - Vùng Tàu. Thành phố cũng sẽ triển khai dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; phát triển hệ thống giao thông kết nối các tuyến nhánh với đường Rừng Sác; xây nút giao nối đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Hạ tầng logistics ở huyện đảo cũng được thành phố đầu tư gồm các cảng: tổng hợp, hành khách quốc tế, container trung chuyển quốc tế tại nơi tiếp giáp sông Lòng Tàu, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Cái Mép - Thị Vải; nâng công suất phà Cần Giờ - Vũng Tàu và Cần Giờ - Cần Giuộc; khai thác thêm hai tuyến phà kết nối với huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Nghiên cứu phát triển đường trên cao dọc đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Song song với phát triển kinh tế, TP HCM cũng có chiến lược đưa Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thành hình mẫu về sự hài hoà giữa bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Cách trung tâm thành phố khoảng 50 km về phía Đông Nam, Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP HCM giáp biển, có rừng phòng hộ, và rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Huyện đảo này có diện tích 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích TP HCM, với gần 80.000 dân, giao các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Cần Giờ ước đạt 69 triệu đồng một người mỗi năm. Thu ngân sách địa phương năm 2021 là 1.240 tỷ đồng.
Liên quan đến Cần Giờ, tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với TP HCM mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành phố có có thể nghiên cứu vị trí đặt trung tâm tài chính tại huyện đảo này thay vì Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) như kế hoạch.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết từng thăm dò và thấy Cần Giờ có quỹ đất khoảng 10.000 ha gồm cả một phần huyện Nhà Bè và giáp với Long An. Nếu mở được thành phố tài chính ở đây sẽ nối được trung tâm thành phố hiện nay với trung tâm mới ở Cần Giờ qua sông Soài Rạp.
(Nguồn: Thái Anh, VnExpress, Thứ ba, 18/10/2022, 00:00 (GMT+7))