Đây là đề xuất được nêu trong bức thư vừa được Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Người Việt muốn về phải qua Lào, Campuchia
Trong thư, đại diện các đơn vị cho biết các hạn chế được áp dụng trong gần 2 năm qua gần như đã đánh gục ngành du lịch - ngành mà trước đại dịch Covid-19 đã có đóng góp rất lớn vào GDP và việc làm của VN. Hiện nay, đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã được thực hiện ở một số địa phương mà không tạo ra thách thức gì đáng kể do VN đã đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Từ đó có thể nhận định rằng VN hiện nay hoàn toàn đã ở một vị thế tuyệt vời để có thể hành động mạnh mẽ nhằm thu hút sự chú ý của cả thế giới bằng việc công bố chính thức mở cửa đất nước, trở lại với các chính sách, quy định có trước đại dịch Covid-19.
Đáng nói, đến thời điểm này, cả Campuchia lẫn Lào đã chính thức mở cửa biên giới, và điều quan ngại là không ít người VN ở nước ngoài đã và đang chọn về nước bằng cách bay đến Phnom Penh (Campuchia), rồi đi đường bộ về VN để tránh phải trả chi phí cao cho các chuyến bay hồi hương trọn gói. Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính cũng đang tạo ra ràng buộc cho các doanh nghiệp (DN). Hiện nay, các DN trong ngành du lịch đã có giấy phép lữ hành, khách sạn vẫn bị đòi hỏi phải xin thêm các phê duyệt khác nhau để có thể tham gia kinh doanh. Ngoài ra, cả người nước ngoài và người VN muốn hồi hương đều đối mặt với những khó khăn đáng kể do không biết rõ cần hỏi ai, hỏi gì và bao giờ được phép vào VN.
Thực tế, dù chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến VN đã bước sang giai đoạn 2, các đường bay quốc tế chính thức mở lại từ đầu tháng 1, song ngành du lịch vẫn mòn mỏi chờ khách. Đại diện một DN du lịch đã thực hiện thí điểm đón khách tới TP.Nha Trang (Khánh Hòa) thừa nhận chủ yếu tất cả khách đến VN thời gian qua đều là khách Nga, hoặc người Việt ở nước ngoài có nhu cầu về nước, chấp nhận đi tour khép kín 7 ngày. Đến thời điểm này, vẫn chưa có DN nào chính thức đón được khách du lịch quốc tế đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, cũng xác nhận tuy là một trong các DN lữ hành lớn nhất hiện nay, có mạng lưới đối tác nước ngoài rộng nhưng Vietravel vẫn chưa đón được đoàn du khách quốc tế nào. Nguyên nhân, thời điểm VN chính thức mở cửa đã qua mùa cao điểm của du lịch, khách không “đứng sẵn ở cửa chờ ta mở”.
Trong khi đó, thị trường tiềm năng rất lớn mà VN kỳ vọng phá băng ngành du lịch là Việt kiều về nước nhưng phần lớn hiện vẫn chưa thể về. Thống kê chính thức có 140.000 kiều bào nước ngoài có nhu cầu về nước, nhưng thực tế thì con số này phải lên tới hàng triệu người, trong đó có số lượng không nhỏ người VN định cư ở nước ngoài và thân nhân mang hộ chiếu nước ngoài. Theo quy định, những người này phải làm thủ tục kiểm tra nhân sự, xin cấp thị thực/giấy miễn thị thực rất rắc rối và phải về VN theo các chuyến bay combo giá vô cùng cao.
Mới đây, Cục Lãnh sự vừa điều chỉnh, cho phép các đối tượng này được nhập cảnh vào VN mà không cần làm lại thủ tục kiểm tra nhân sự, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của Bộ, ngành, địa phương nhưng DN vẫn chưa thể triển khai gom khách vì còn chờ Bộ VH-TT-DL hướng dẫn lại.
“Nói mở cửa nhưng thực chất có rất nhiều hàng rào kỹ thuật cản trở DN và du khách. Nếu cứ tiếp tục thế này, du lịch còn mệt dài”, ông Kỳ thở dài.
Không thể bỏ lỡ cơ hội
Với tất cả phân tích thực trạng, TAB, Ban IV và VBF kiến nghị chấm dứt tất cả các hạn chế di chuyển cả nội địa cũng như quốc tế vào VN và từ VN. Cụ thể, dỡ bỏ yêu cầu đối với công dân mang hộ chiếu nước ngoài phải nộp hồ sơ xin “giấy phép nhập cảnh”. Song song đó, áp dụng trở lại như trước đây hệ thống quy định đối với khách nhập cảnh vào VN phải có thị thực hoặc được miễn thị thực. Công dân VN ngay lập tức được tạo điều kiện trở về nước bằng mọi chuyến bay thương mại. Đồng thời, công bố lịch trình mở cửa, tăng các chuyến bay thương mại đến và đi từ các điểm đến quan trọng về đầu tư, du lịch, không có bất kỳ hạn chế nào.
“Cần cam kết một thời điểm chính thức mở cửa du lịch và hủy bỏ tất cả các hạn chế đã được áp dụng trong 2 năm qua đối với công dân VN, người nước ngoài và các DN”, các đơn vị này nhấn mạnh và khuyến nghị chọn thời điểm ngày 1.5. Mốc thời gian này sẽ cho phép ngành du lịch, bao gồm các DN lữ hành, khách sạn, hãng hàng không đủ thời gian chuẩn bị, cũng như để các địa phương hoàn tất chương trình tiêm liều tăng cường cho phần đông dân cư.
Để kế hoạch mở cửa đạt hiệu quả tối đa, các cơ chế, quy trình cần thiết để triển khai chương trình trên cần được phối hợp ở cấp T.Ư, thay vì để cho các địa phương thực hiện riêng rẽ. Quyết định này cần được áp dụng đối với cả khách công vụ, người VN ở nước ngoài về nước và du khách nước ngoài.
Trong cuộc họp công bố chỉ số cạnh tranh du lịch VN do Bộ VH-TT-DL chủ trì diễn ra chiều 18.1 vừa qua, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, khẳng định việc mở cửa du lịch hoàn toàn vào ngày 30.4 - 1.5 tới sẽ tạo cơ hội cứu sống nhiều DN trong ngành du lịch. Trong bối cảnh Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản… những điểm đến lớn trong khu vực chắc chắn chưa thể mở cửa sớm, du lịch VN sẽ có cơ hội “ngàn năm có một” và chúng ta không thể bỏ lỡ.
(Nguồn: Hà Mai, Thanh Niên, 1)