TST tourist

Chặn tín dụng đen, gỡ khó cho du lịch

  • Thứ 6, 12/08/2022, 13:30 GMT+7
  • 541 Lượt xem

Bộ Công an sẽ tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra những giải pháp để ngành du lịch vượt khó, phát triển

Ngày 10-8, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) QH.

Báo động việc lộ thông tin cá nhân

Trong buổi sáng, các vấn đề về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân và vấn đề bảo mật thông tin đã được các ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong đó, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, rao bán thông tin cá nhân tràn lan trên không gian mạng được ĐB Siu Hương (Gia Lai), ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ ra và chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về giải pháp nào để ngăn chặn.

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân là "rất đáng báo động", trong khi đó hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân của người dân chưa cao. Trước thực tế đó, Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tiến tới tham mưu Chính phủ trình QH Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi tham gia môi trường mạng; tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định đây là tài nguyên quốc gia, phải được bảo đảm và quản lý rất nghiêm ngặt. Bộ Công an sẽ thực hiện đúng điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn mức độ 4 quốc gia; thực hiện nghiêm việc thu thập dữ liệu, phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương; thường xuyên giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 giờ để phòng chống tấn công hoặc đánh cắp dữ liệu hằng ngày, đối phó với hàng ngàn cuộc tấn công dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều cuộc tấn công từ nước ngoài.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chất vấn về việc một số nơi công an đang thu sổ hộ khẩu giấy, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính, trong khi sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2022.

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng việc thu hộ khẩu chỉ là cá biệt, Bộ Công an chưa có chủ trương thu nên sẽ kiểm tra và chấn chỉnh. Về lộ trình xóa sổ hộ khẩu, Bộ Công an sẽ phối hợp các bộ ngành rà soát các quy định liên quan để sửa đổi cho phù hợp.

"Như việc học sinh đi học, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cháu đến tuổi là được đi học, bố trí như thế nào để các cháu đi học thuận lợi nhất, không vì thiếu hộ khẩu mà không được đến trường" - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trả lời chất vấn Ảnh: Nguyễn Nam

Tín dụng đen vẫn phức tạp

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu tội phạm liên quan tín dụng đen rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Có thực trạng bên cho vay nặng lãi buộc bên vay phải sang tên nhà, đất để thế chấp. Khi người vay không trả được do lãi mẹ đẻ lãi con thì chúng sang nhượng nhà, đất đó cho người khác.

"Cơ quan chức năng khó thu thập chứng cứ để xử lý, Bộ Công an có giải pháp gì trước tình trạng nhức nhối này" - nữ ĐB chất vấn.

Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận tín dụng đen rất phức tạp. Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp các lực lượng thực hiện nhiều biện pháp mạnh để kiềm chế, đẩy lùi nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp; các đối tượng lợi dụng cho vay qua internet, qua app, hoạt động với quy mô lớn và có sự tham gia của người nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu vay tín dụng đen trong nhân dân còn lớn, nhiều người khó khăn nên bị các đối tượng lợi dụng.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen; phát huy sức mạnh các cấp, ngành để trấn áp; nâng cao ý thức, cảnh giác của người dân; phối hợp ngân hàng để giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.

Liên quan tình trạng tín dụng đen, ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết các đối tượng rất tinh vi, núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho vay tài chính để hoạt động cho vay không thế chấp, hướng tới đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen.

Tham gia giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua NHNN đã ban hành đồng bộ quy định pháp lý về việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn với các quy định rõ ràng về điều kiện vay vốn, khách hàng nêu rõ khoản vay và khả năng trả nợ, đồng thời thỏa thuận thời hạn trả nợ.

Theo bà Hồng, thực tế sẽ có trường hợp khách hàng không trả được nợ thì có thể yêu cầu gia hạn nợ, có đơn đề nghị và chứng minh khả năng trả nợ theo thời hạn mới. Để trả nợ, khách hàng có thể có nhiều nguồn khác nhau, trường hợp vay tín dụng đen thì tổ chức tín dụng khó có thể biết được nguồn tiền trả nợ từ đâu.

Thống đốc NHNN cho biết hiện mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng rất đa dạng, cùng với các công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô. Khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tiếp cận các kênh chính thức.

Khó thu hút khách quốc tế?

Chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, ĐB Đôn Tuấn Phong (An Giang) đề cập lượng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, trong khi đây là một chỉ số rất quan trọng.

ĐB Tuấn Phong đề nghị Bộ trưởng nêu biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sau khi mở cửa lại du lịch, Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm đà phát triển, việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn.

Bộ trưởng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành. Do chính sách phòng chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế.

Đối với khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VH-TT-DL đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Bộ trưởng cũng kiến nghị QH, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.
(Nguồn: Minh Chiến, Người lao động, 11-08-2022 - 05:01)

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc