Chiều 14.7, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Đà Nẵng đã đề nghị chưa đưa ra biểu quyết tờ trình của UBND thành phố về việc đề nghị xem xét, quyết định nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch quốc gia Sơn Trà thuộc phân khu Sinh thái phía Đông tại kỳ họp lần này.
Cụ thể, UBND TP.Đà Nẵng đã có đề nghị xem xét, quyết định nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà thuộc phân khu Sinh thái phía Đông. Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ khu vực bán đảo Sơn Trà có diện tích: 4.232ha,
Tuy nhiên, Ban Đô thị HĐND thành phố sau khi thẩm tra đã cho rằng, liên quan đến Bán đảo Sơn Trà, hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện các nội dung theo nhiều văn bản của cấp thẩm quyền.
Cụ thể là, triển khai thực hiện Kết luận số 269/KL-TTCP ngày 16.9.2019 của Thanh tra Chính phủ; lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai lập và phê duyệt Quy hoạch phân khu theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai lập Quy hoạch 3 loại rừng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, nhiều nội dung, số liệu chưa có quyết định cuối cùng, đồng thời, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3907/VPCP-KGVX ngày 10.5.2019 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng chưa triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016.
Do đó, HĐND đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng tất cả các văn bản pháp lý có liên quan, đảm bảo cơ sở để thực hiện, cũng như sự thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu, số liệu liên quan (như ranh giới sử dụng đất, các chỉ tiêu sử dụng đất, ranh giới quy hoạch 3 loại rừng...) phục vụ việc nghiên cứu, thực hiện đồ án quy hoạch.
Việc nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà cần chú ý một số nội dung sau:
Về quan điểm phát triển du lịch tại Bán đảo Sơn Trà cần xác định rõ đây là khu du lịch quốc gia hay khu du lịch của địa phương, làm cơ sở xác định thẩm quyền và các nội dung liên quan.
Việc nghiên cứu phát triển du lịch cần đảm bảo phạm vi ranh giới sử dụng đất, ranh giới quy hoạch 3 loại rừng và các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định.
Các dự án phát triển du lịch trên Bán đảo Sơn Trà cần lưu ý đánh giá kỹ tác động đến môi trường, cảnh quan, nhất là khu vực sườn đồi, dọc khe suối, hạn chế việc can thiệp ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, địa hình, địa mạo của khu vực.
Các công trình xây dựng theo nguyên tắc phân tán, phù hợp với điều kiện tự nhiên và cần hạn chế khối tích lớn, có kiến trúc, màu sắc và tầng cao phù hợp, sử dụng vật liệu thân thiện với thiên nhiên; Mật độ xây dựng đảm bảo quy định và đề nghị xác định ở mức thấp, hạn chế che chắn tầm nhìn cảnh quan về phía biển.
Các dự án trong khu vực phải có biện pháp thi công phù hợp, hạn chế san gạt địa hình, di dời cây xanh.
Nghiên cứu có đề xuất giải pháp giao thông phù hợp cho khu vực bán đảo Sơn Trà, đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường.
Đảm bảo phát triển du lịch gắn với quốc phòng an ninh.
Có biện pháp quản lý nghiêm ngặt việc xả thải của các dự án du lịch trên bán đảo, đặc biệt là rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt…
Việc phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà. Trong đó, ưu tiên bố trí vùng đệm để kết nối giữa biển và núi, đảm bảo sự di chuyển thuận lợi của các loài sinh vật.
Đối với khu vực vùng bờ cần nghiên cứu có giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo hệ sinh thái vùng bờ (hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều…).
Cần rà soát bổ sung thêm nội dung và phương thức quản lý, kiểm soát du lịch tại bán đảo Sơn Trà.
(Nguồn: Thùy Trang, Lao Động, Thứ năm, 14/07/2022 17:16 (GMT+7))