TST tourist

Chợ đường tàu độc đáo nhất thế giới dần "hồi sinh" hậu Covid-19

  • Thứ 6, 10/06/2022, 09:35 GMT+7
  • 562 Lượt xem
Chợ đường tàu độc đáo nhất thế giới dần "hồi sinh" hậu Covid-19

Tiếng họp chợ, tiếng người trao đổi, mua bán nhộn nhịp, cảnh người tập nập mua sắm, bóng dáng du khách nước ngoài tới chụp ảnh lưu niệm... tất cả báo hiệu sự phục hồi hậu Covid-19 của chợ Mae Klong nói riêng và du lịch Thái nói chung.

Du khách và chủ các quầy hàng tránh đường cho tàu đi qua tại chợ đường tàu Mae Klong. Ảnh: AFP

Chợ sát đường tàu, 50 năm chưa xảy ra tai nạn

Tại chợ đường tàu Mae Klong, trong khi cảnh buôn bán, thăm quan đang tấp nập, nhộn nhịp nhưng cứ hễ có tín hiệu tàu sắp tới, khách mua hàng địa phương và du khách quốc tế lại dạt vào các ngõ ngách.

Còn các chủ sạp hàng nhanh tay chuyển sạp ra khỏi đường ray, lấy chỗ cho đoàn tàu chầm chậm đi qua. Cảnh tượng nhộn nhịp đó đã quay trở lại, 6 lần/ngày.

Đoạn đường sắt dài 500m tại tỉnh Samut Songkhram, cách Thủ đô Bangkok, Thái Lan khoảng 80km về phía Tây, là nơi làm ăn buôn bán của hàng trăm chủ sạp hàng, với các loại mặt hàng đa dạng từ thực phẩm, đồ tươi sống cho tới quần áo, đồ lưu niệm.


Ông Somporn Thathom, chủ một sạp hàng bán cá tại chợ Mae Klong từ năm 1988 cho biết, trong đợt dịch Covid-19, ông gần như không đủ tiền để trả nhân viên.

Ông phải cố lắm mới bán được 10 con cá/ngày, tiền tiết kiệm gần như cạn và phải vay tiền ngân hàng để duy trì cuộc sống. Nhưng nay, công việc kinh doanh của ông bắt đầu khởi sắc trở lại.

Khung cảnh tại chợ đường tàu Mae Klong vô cùng ấn tượng khi đoàn tàu đi qua ở cự ly rất gần, dường như chỉ cách vài cm với những túi đựng xà lách, cải xanh, hành tây, gừng, cà chua, cà rốt đặt ngay sát mép đường ray.

Bà Samorn Armasiri, một người bán rau củ quả tại chợ Mae Klong cho biết, gia đình bà đã mở sạp hàng tại khu chợ trong hơn 50 năm qua và bà chưa từng chứng kiến vụ tai nạn nào xảy ra.

“Mặc dù trông có vẻ nguy hiểm, nhưng thực tế khu chợ không nguy hiểm chút nào. Khi tàu đến, nhân viên sẽ thổi còi và mọi người thu dọn đồ đạc. Họ đã quen với cách làm này rồi”, bà Samorn Armasiri nói.

Trong những năm gần đây, khu chợ còn thu hút rất đông du khách quốc tế tới tham quan và chụp ảnh để chia sẻ kỷ niệm thú vị này.

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hiện Thái Lan đã mở cửa trở lại với du khách quốc tế và những vị khách nước ngoài cũng dần quay trở lại.

Cô Ella McDonald, du khách người Australia cho biết: “Khung cảnh nơi đây thật náo nhiệt. Tôi rất bất ngờ khi thấy đoàn tàu to như vậy lại di chuyển trong không gian chật hẹp. Thật là một trải nghiệm độc đáo. Tôi chưa từng thấy cảnh tương tự ở nơi nào khác trên thế giới”.

Kỳ vọng 1 triệu khách quốc tế/ tháng

Ông Charoen Charoenpun, một quản lý tại chợ cho biết, tính độc đáo của khu chợ đã giúp nơi đây thu hút du khách. Chỉ có điều, chợ đường sắt Mae Klong cũng như bao điểm du lịch khác trên toàn nước này, đều vắng bóng du khách Trung Quốc.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, du khách từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong số khách quốc tế tới Thái lan hàng năm. Riêng năm 2019, Thái Lan đón khoảng 11 triệu khách Trung Quốc, chiếm 1/4 trong tổng số khách du lịch nước ngoài.

Họp chợ và mua bán ngay trên đường ray tàu hỏa. Ảnh: AFP

Và chợ đường tàu Mae Klong là nơi thu hút rất đông khách Trung Quốc tới mua sầu riêng.

Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch đến khi Thái Lan bắt đầu mở cửa trở lại, lượng du khách từ Trung Quốc giảm mạnh do nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Các nhà phân tích cho rằng, sớm nhất là năm 2023, du khách Trung Quốc mới có thể quay trở lại với số lượng lớn.

Để thích ứng với tình hình hiện tại, ngành du lịch Thái Lan đang chuyển đổi để không còn quá phụ thuộc vào khách Trung Quốc, chẳng hạn như thay đổi một số dịch vụ cho phù hợp với khách nội địa hơn, sớm nới lỏng các quy định đi lại để thu hút thêm nhiều khách ở các quốc gia khác.
(Nguồn: Trang Trần – Hoàng Anh, Báo giao thông, 10/06/2022, 08:00)

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc