TST tourist

Chưa thể đông khách đến Việt Nam ngay sau mở cửa

  • Thứ 2, 21/03/2022, 15:40 GMT+7
  • 545 Lượt xem

Việt Nam mở cửa du lịch, song nhiều thị trường nguồn như Trung Quốc, Nhật Bản chưa trở lại và mùa cao điểm thường từ tháng 9.

Việt Nam mở cửa du lịch ngày 15/3, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn... triển khai chiến lược xúc tiến, kinh doanh. Song tất cả đều nhận định sự sôi động ở thị trường khách quốc tế không thể "ngày một ngày hai".

Vắng bóng khách du lịch đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... là lý do lớn nhất khiến mảng quốc tế chưa thể sôi động ngay. Trung Quốc, thị trường hàng đầu năm 2019 với 5,8 triệu khách đến Việt Nam, hiện vẫn theo đuổi chính sách Zero-Covid với lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại. Hàn Quốc, Nhật Bản đứng thứ hai và ba vẫn còn quy định cách ly người đến và về từ nước ngoài.

Là một trong những doanh nghiệp đón thành công các đoàn quốc tế giai đoạn thí điểm, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Vina Phú Quốc, nhận định 1-2 tháng đầu sau mở cửa chưa thể nhiều khách. "Đây là thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị. Đặc biệt hiện nay nhiều thị trường gửi khách truyền thống vẫn chưa cởi mở để người dân du lịch. Tôi cho rằng tới cuối quý 2 hoặc quý 3-4, thị trường mới sôi động", ông nói.

TSTtourist-chua-the-dong-khach-den-viet-nam-ngay-sau-mo-cua-1Đoàn tỷ phú Lào du lịch Phú Quốc tháng 12/2021 trong chương trình thí điểm, do công ty Vina Phú Quốc tổ chức - Ảnh: CTCC

Chưa đến mùa cao điểm cũng là một hạn chế khác. Trong ngày công bố mở cửa du lịch 15/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định: "Không phải cứ mở cửa là có khách ngay. Chúng ta mở cửa thời điểm này để kết nối thị trường, đón khách từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau".

Lux Group vừa ký hợp đồng với 16 khách Tây Ban Nha đến Việt Nam vào mùa hè. Ông Phạm Hà, Chủ tịch tập đoàn, cho biết ngay sau thông báo mở cửa, ông đã nhận được tín hiệu vui khi những khách hủy chuyến từ năm 2020. "Việt Nam đang có khởi đầu tốt nhưng chúng ta cần ít nhất 3 tháng để chuẩn bị. Mùa khách châu Âu, Australia phải từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm", ông nói và cho biết khách cần lên kế hoạch nhiều tháng trước chuyến đi.

Nga là thị trường nguồn gửi khách tới các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 năm 2019, với gần 650.000 đến Việt Nam. Trong đợt thí điểm, Công ty Anex Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đón nhiều khách nhất với gần 6.000 người. Ông Bùi Quốc Đại, Trưởng phòng Điều hành công ty, cho biết hiện cũng không phải mùa cao điểm khách Nga. Chưa kể hiện các hãng bay từ Nga đang dừng hoạt động do lệnh an toàn hàng không. Ngoài ra, đồng Rup giảm giá trị so với USD và euro cũng khiến du khách sẽ mất thêm chi phí khi đặt tour.

Tuy nhiên, ông Đại cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi vì khách Nga sẽ chọn Đông Nam Á, do một số hạn chế đi lại ở châu Âu từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và du khách Nga cũng được khuyến nghị tới Việt Nam du lịch. "Dự kiến công ty có thể đón đoàn sớm nhất đầu tháng 4", ông Đại nói.

TSTtourist-chua-the-dong-khach-den-viet-nam-ngay-sau-mo-cua-2Nữ du khách Nga đội nón lá, vui vẻ tại sân bay Cam Ranh ngày 26/12 - Ảnh:Xuân Ngọc

Để giúp thị trường khách quốc tế sớm hoạt động trở lại, các doanh nghiệp đang xúc tiến, xây dựng sản phẩm cho khách Đông Nam Á để thay thế. Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác Lào, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Dự kiến đoàn đầu tiên sẽ đến cuối tháng 3, nhiều đoàn khác đang lên kế hoạch vào tháng 4.

Giai đoạn thí điểm, Lữ hành Saigontourist đã đưa một số khách quốc tế tới Nha Trang, Đà Nẵng, TP HCM. Bà Hoàng Thùy Linh, Phó giám đốc Tiếp thị Truyền thông, đánh giá du khách vẫn quan tâm và có nhu cầu vào Việt Nam du lịch. Công ty đã kết nối với 400 đối tác trên toàn cầu, trong đó có kịch bản với thị trường Đông Nam Á trong quý 2. Các thị trường chi tiêu cao, ở xa hơn sẽ bắt đầu mùa cao điểm từ tháng 9.

Ông Phạm Hà cũng nhận định trong ngắn hạn Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững. Hiện nay các nước ở khối ASEAN có thể phục hồi nhanh và khách đang có nhu cầu du lịch ngắn ngày. Xa hơn vào mùa hè là khách châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp rồi Mỹ, Trung Đông và Australia.

Ngoài ra, Uzbekistan, Kazakhstan... cũng được coi là thị trường khả quan khi không có chính sách cách ly người về từ nước ngoài và cũng cùng lúc bước vào mùa du lịch. Hiện nhiều doanh nghiệp lữ hành đã thông báo sắp có khách.

TSTtourist-chua-the-dong-khach-den-viet-nam-ngay-sau-mo-cua-3Du khách Hàn Quốc trở lại Phú Quốc, Kiên Giang trong đợt thí điểm đón khách quốc tế cuối 2021 - Ảnh: Vinpearl

Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn sau 15/3, thị trường nội địa cũng ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc. Năm 2022, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 60 triệu khách nội địa và 5 triệu khách quốc tế, tổng thu 400.000 tỷ đồng.

(Nguồn: Lan Hương, VN Express, Thứ hai, 21/3/2022, 15:10 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc