Nghĩ rằng ôtô lên đến gần đỉnh, không chuẩn bị trước tinh thần phải leo bộ, Thanh Thảo không đi giày chuyên dụng, chưa kể cô còn mặc váy ngắn.
"Chào mừng đến độ cao hơn 2.389 m so với nơi hằng ngày bạn ở", đó là tấm biển chào đón khách lên ngôi nhà Olpererhütte trên dãy Olperer. Nơi đây nổi tiếng với tầm nhìn toàn cảnh ra hồ Schlegeisspeicher, thuộc vùng Ginzling. Voòng Thanh Thảo, sinh năm 1989, hiện sống và làm việc tại thành phố Hanau (Đức), đã chinh phục Olperer vào tháng 9/2021.
Nhớ về hành trình, Thảo vẫn lâng lâng, gọi đây là chuyến đi đáng nhớ nhất năm qua. Đồng hành với Thảo là người bạn đời Kiếm Nguyễn, nhiếp ảnh gia, đứng sau những tấm hình ấn tượng.
Chồng Thảo gọi điện tới phòng vé và được thông báo nếu trả phí, du khách có thể lái xe đến bãi đỗ cuối cùng mà không cần phải đi bộ. Thảo đinh ninh họ có thể lái xe đến gần đỉnh núi, bước xuống là xúng xính áo váy để chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, uống một ly cà phê trong khi ngắm cảnh. Trước đây, hai vợ chồng từng lái xe khi khám phá đỉnh Jungfraujoch (Thụy Sĩ) cao hơn 3.000 m, xuống xe chỉ cần đi tàu hoặc cáp treo lên núi.
Nhưng với Olperer, từ bãi đỗ xe cuối cùng, du khách phải tự leo núi, men theo những con đường mòn nhỏ, dốc và ẩm ướt. Đó là lý do khá ít khách du lịch đến tham quan, dù đây là nơi rất đẹp và nổi tiếng ở Áo.
Đã cất công đến nơi, hai vợ chồng chỉ còn cách tự leo núi. Trên đường đi, Thảo gặp nhiều người bỏ cuộc giữa chừng sau một tiếng leo, nhiều lần cô cũng thấy hoa mắt và muốn quay về. Những người lên được đến đỉnh đa số là người đam mê leo núi, rất ít ai lặn lội chỉ để có ảnh đẹp giống Thảo. Nghĩ đến cảnh chụp ảnh thỏa thích không lo ai chen vào hình, cô hít một hơi thật sâu và hừng hực khí thế leo tiếp.
Đường dốc, hẹp, gập ghềnh và bấp bênh đá sỏi, nhiều chỗ nước suối chảy qua, lầy lội, sơ sảy là trượt chân. Tại nhiều chỗ khác, đá tảng vừa to vừa cao ngang người chắn lối đi, vất vả lắm cô mới leo qua được. Người dân nuôi nhiều dê núi nên dọc đường đi phân dê ở khắp nơi. "Lỡ ngã thì dở lắm, nên mình phải tập trung hết sức để leo núi", Thảo cười khi nhớ lại.
Nhiệt độ trên cao khoảng 10-15 độ C, cơ thể phải vận động liên tục nên Thảo luôn thấy nóng và đổ nhiều mồ hôi bởi trời không quá rét. Cô phải cởi áo khoác ngoài, nhưng lại rét run vì gió thốc vào người. Sợ bị cảm, cô chịu đựng nóng nực để tiếp tục leo.
Quãng đường dài không có nhà vệ sinh, Thảo không thể "giải quyết nỗi buồn" giữa thiên nhiên. Mệt mỏi tăng lên vì cô không dám uống nhiều nước, bị chóng mặt do thiếu nước.
Đuối sức, chân mất dần cảm giác, đau nhức khắp người, chóng mặt, nóng lạnh lẫn lộn. Balo trên vai chỉ có hai cái áo, một cái đầm, một đôi giày và ví tiền vì thế trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Bản thân là người năng động, thích đi bộ, tập thể dục và khiêu vũ, Thảo vẫn không ngờ mình phải chật vật đến vậy.
Đi được hai phần ba quãng đường, Thảo đuối sức, đầu óc trở nên quay cuồng vì khó thở còn đích đến thì vẫn chưa thấy đâu. "Anh có thật sự thấy hạnh phúc khi cùng em làm điều này không?", Thảo hỏi chồng. Anh giấu mệt mỏi, không đáp mà chỉ cười và nắm lấy tay vợ, tiếp tục tiến về phía trước. "Tôi cảm thấy hạnh phúc và ấm áp nhất hành trình, vì không phải lúc nào cuộc đời cũng cho chúng ta những khoảnh khắc như thế", Thảo nhớ lại.
Vừa đi, hai vợ chồng vừa chụp hình bất cứ chỗ nào có thể để quên đi cảm giác mệt. Cứ nghĩ đến viễn cảnh có thể chinh phục đỉnh núi - điều chưa từng làm, bên cạnh là chồng đồng hành, Thảo như có thêm sức mạnh để bước tiếp. Càng lên cao, cô càng thấy như mình lạc sang thế giới khác. Bản thân bé lại, cô lọt thỏm giữa thiên nhiên mênh mông, bất tận.
Cuối cùng, hai vợ chồng cũng lên tới đỉnh núi. Không vội về ngay, vợ chồng Thảo quyết định ở lại ngôi nhà Olpererhütte để hồi sức và có nhiều thời gian hơn để chiêm ngưỡng cảnh quan. Ngôi nhà chỉ có một phòng riêng, du khách phải đặt trước nếu muốn riêng tư.
Vợ chồng cô không dự định ở lại từ trước, nên chỉ còn lựa chọn nghỉ lại phòng chung 8 giường đơn. Họ phải thuê tấm trải giường, túi ngủ, mền, gối giá khoảng 50 euro một người. Để dùng nhà tắm, du khách cũng phải trả 3 euro cho một lượt. Một lượt chỉ có 3 phút, ai cũng tranh thủ tắm thật nhanh.
Thành quả của chuyến đi là những bức hình để đời tại cây cầu treo được mệnh danh là "thánh địa" dành cho người thích đăng ảnh trên Instagram. Người chụp sẽ đứng ở những tảng đá lớn đối diện, còn cây cầu trông như lơ lửng giữa trời. Du khách phải cẩn trọng khi đi trên cây cầu gỗ treo, ẩm ướt và trơn trượt. Nơi này cũng không dành cho người sợ độ cao.
(Nguồn: Trung Nghĩa, VnExpress, Thứ ba, 4/1/2022, 09:01 (GMT+7))