Nha Trang mùa tháng Giêng, có những sáng sớm ra khỏi nhà chợt giật mình vì thành phố phủ một lớp sương mù nhẹ, nhất là những đêm có mưa, sáng ra sương/mây giăng núi, đẹp ngoạn mục.
Một hôm đứng trên cầu Trần Phú, tôi như nghẹt thở khi nhìn về hướng Tháp Bà. Mây cuộn tròn như ống lụa mềm, nằm treo lưng chừng núi. Nắng lên, mây càng sáng óng, màu nắng vàng rất nhẹ, phản chiếu một xíu màu đỏ của Tháp Bà càng thêm vẻ huyền ảo. Nắng lên cao, sương dần tan luôn để lại trong tôi chút nuối tiếc. Thiên nhiên bốn mùa tô điểm cho vạn vật, mất đó rồi lại có đó, quy luật muôn đời giúp con người biết trân quý từng khoảnh khắc mình đang hưởng thụ và thấy yêu cuộc sống biết bao.
Sau cơn mưa đêm, trời vừa tỏ mặt người, chạy xe ra khỏi nhà tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy phía Đắc Lộc, mây là đà trên đỉnh, trên lưng chừng núi. Nếu không có những hàng dừa, hàng tàu lá chuối, lũy tre… cứ ngỡ như mình đang ở Đà Lạt, hay cao nguyên, miền núi nào đó. Tôi nhìn mây chuyển động mà ngỡ như núi đang di chuyển. Nhưng rồi nhanh lắm, chỉ mới 8 giờ mà nắng đã lên cao, như có chiếc đũa thần quét qua làm sương tỏa đi rồi tan, nắng bắt đầu gắt. Tuy nhiên, hàng hoa hướng dương bên bờ ruộng sáng rỡ lên trong nắng. Tôi không thể ngừng tay bấm máy hình trước một đóa hướng dương thật to vươn thẳng in nổi trên nền trời xanh, biểu tượng cho một sức sống vươn cao, mạnh mẽ, ý chí, lạc quan, hy vọng. Những giọt mưa đêm còn nấn ná trên cánh hoa, óng ánh như một cái gương cầu nhìn thấy bên trong nó nhiều sắc màu của cuộc sống: trời xanh, đồng ruộng xanh, hoa vàng, những con bướm chập chờn.
Ra biển sớm, sóng tháng Giêng vẫn còn trêu với người tắm, thỉnh thoảng lại dạt ào vào bờ những con sóng to, mạnh mẽ. Thấp thoáng sau hàng dừa, dải mây trắng vẫn còn lưng chừng núi mà cơn mưa đêm qua làm chúng sậm màu hơn. Mặt trời chơi trốn tìm, hé ra rồi núp lại trong mây. Biển đẹp như bức tranh thủy mạc.
Nhiều hôm, tôi bỏ thành phố lại sau lưng, đi về hướng Thành. Núi hai bên đường phía nào cũng đẹp bởi mây giăng phủ, ảo ảnh mờ sương. Đứng ở cầu Thành nhìn trước mặt, sau lưng núi nào cũng đẹp. Dòng sông Cái uốn lượn mềm mại, đẹp nhất là đoạn Bến Sạn, đến nỗi tôi không kìm được, phải bật thốt lên: “Sông núi quê mình đẹp gì đâu!”.
Một hôm, tôi rẽ vào núi Chín Khúc. Con đường bê tông bị chặn lại bởi những cánh đồng lúa đang xanh thì con gái. Nhìn toàn cảnh núi ở đây mới thấy đẹp ngỡ ngàng. Tôi đứng lại và ngắm bình minh đang chuyển động. Một dãy núi thấp im lìm trong sương thay đổi màu khi mặt trời từ từ nhô lên ở phía sau núi Chín Khúc. Sương hay mây, tôi không rõ, chỉ thấy cái màu trắng đục càng lúc càng óng lên và in trong màu trắng đục ấy có những chiếc nón lá nhấp nhô trên bờ ruộng của người làm đồng.
Những đàn cò bay vòng lượn lờ. Tôi thuộc lòng quy luật của chúng nên không vội khi giương máy hình. Chúng sẽ đảo nhiều vòng, từ xa về gần rồi mới đáp xuống. Chọn đúng thời điểm sẽ có những bức ảnh thú vị, khi nền trời còn vương lại chút màu vàng nhẹ của bình minh và hàng dừa xanh bên dưới sẽ làm cho bức ảnh thêm sống động, đời hơn.
Tiếng còi xe lửa từ xa khiến tôi khấp khởi mừng trong bụng và ghìm tay máy chờ. Đoàn tàu qua nhanh, rồi lượn về bên trong núi và mất hút. Cảm giác thật sung sướng khi chụp được những tấm ảnh “biết nói” rất sinh động. Bức tranh ruộng đồng lúc này thật hoàn hảo.
Tiếng con chim gì đó kêu một tràng dài, rồi những tiếng kêu lích rích theo sau. Bên dưới các ruộng rau, những người nông dân ra đồng khi trời còn tối, tôi thấy họ đeo đèn pin trên trán. Người trên bờ, người dưới ruộng, câu chuyện giữa chúng tôi là làng xóm, mùa màng, thời tiết… Giọng nói người quê tôi, âm “ôi, ơi” thành “âi”. Đi “dìa”, ăn “cum rầi”, trái “ẩi”… nghe thương gì đâu!
Tôi quay về khi nắng đã lên cao và họ vẫn còn cần mẫn trên cánh đồng. Đường làng quanh co thanh bình, yên tĩnh. Nếu muốn ngắm mặt trời ở thời khắc vừa nhớm lên sau núi, có lẽ hôm nào đó tôi sẽ đến đây sớm hơn.
(Nguồn: ĐÀO THỊ THANH TUYỀN, Khánh Hòa Online, Thứ Ba, 22/02/2022, 23:10 [GMT+7])