Năm 1994, lần đầu tiên những người dân Côn Đảo được biết tới chiếc điện thoại bàn khi Bưu điện Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức xây dựng khánh thành tổng đài viba điện thoại tại Côn Đảo. Từ chiếc điện thoại đầu tiên này, cuộc sống người dân Côn Đảo bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ.
Bước đột phá đầu tiên
Năm 1994, sau 2 năm thành công trong việc số hóa tổng đài điện thoại trong đất liền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu quyết định xây dựng tổng đài điện thoại tại Côn Đảo.
Thời điểm đó, công nghệ kết nối qua vệ tinh hay cáp quang vẫn có xa lạ với Côn Đảo nên để kết nối tín hiệu được với Côn Đảo, các kỹ sư thuộc Bưu điện tỉnh bà Rịa- Vũng Tàu đã có sáng tạo kết nối tín hiệu với đường cáp quang ra tới bờ biển thuộc tỉnh Sóc Trăng. Rồi từ đó tín hiệu được đưa lên trạm viba ven biển để kết nối tiếp. Nhưng để truyền tín hiệu tới được Côn Đảo, các kỹ sư phải đặt thêm trạm Trung kế vi ba nổi giữa Biển Đông.
Tại đầu cuối Côn Đảo, trạm viba được đặt trên núi Chúa - điểm cao nhất của Côn Đảo để nhận và truyền tín hiệu xuống tổng đài ở trung tâm huyện. Vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật và thời tiết, ngày 30/4/1994, sau 19 năm ngày Đất nước thống nhất, tổng đài điện thoại tại Côn Đảo đã chính thức hoạt động, giúp cho người dân Côn Đảo có thể “Alo” về đất liền, không phải chờ chực để gọi qua máy bộ đàm như trước kia.
Có mặt tại lễ khánh thành, ông Vũ Đức Luận - Giám đốc Bưu điện Bà Rịa - Vũng Tàu ngày đó cho rằng, với mong muốn kéo Côn Đảo về gần hơn với đất liền nên lực lượng lao động và kỹ sư của bưu điện tỉnh đã cố gắng hết mình, vượt qua mọi khó khăn và sáng tạo vượt bậc để hoàn thành công trình dành tặng người dân Côn Đảo.
Nhờ những chính sách hỗ trợ biển đảo, các hộ dân tại Côn Đảo được lắp máy điện thoại với chi phí chỉ bằng 1/3 so với đất liền. Chính vì thế, từ chỗ không có điện thoại, trong thời gian rất ngắn người Côn Đảo lập kỷ lục khi có tỷ lệ điện thoại/hộ dân cao nhất cả nước với trên 20 máy/100 người dân. Kỷ lục đó còn kéo dài cho tới hơn 10 năm sau đó. Như một phép mầu, chỉ sau một đêm người Côn Đảo đã có thể liên lạc đi khắp thế giới, tạo cơ hội để kết nối làm ăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Bước thứ 2
Năm 2003, một bước đột phá mới để kéo Côn Đảo về gần hơn với đất liền là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quyết nâng cấp sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo. Nằm cách trung tâm Côn Đảo khoảng 14km, sân bay Cỏ Ống được xây dựng từ năm 1947 và năm 1963 người Mỹ đã tu sửa, nâng cấp với mục đích sử dụng cho hoạt động quân sự.
Sau năm 1975, sân bay này được chúng ta tiếp quản và sử dụng. Tuy nhiên do diện tích nhỏ nên Cỏ Ống chỉ sử dụng được cho máy bay trực thăng hoạt động và công suất hàng năm trước khi nâng cấp, sân bay Côn Đảo chỉ vận chuyển được số lượng hành khách khoảng 1.500 lượt khách/năm.
Sau gần 1 năm xây dựng và nâng cấp với tổng kinh phí đầu tư hơn 86 tỷ đồng, ngày 1/2/2004 sân bay Cỏ Ống được khánh thành. Với việc kéo dài đường băng đạt 1.830 m, mở rộng sân đậu gần 10.000m2 cùng các trang thiết bị đạt chuẩn, sân bay Cỏ Ống có thể tiếp nhận các loại máy bay cánh bằng như ATR-72, Fokker F-70 hay Embraer E-195 có thể chuyên chở từ 70 tới 125 khách/chuyến.
Với thời gian bay từ TPHCM đến Côn Đảo khoảng 40 phút và chi phí rẻ phân nửa so với máy bay trực thăng trước đây, người dân Côn Đảo đã thuận lợi hơn trong việc đi lại. Từ số lượng hành khách chỉ đạt 1.500 khách năm 2003, năm 2005 con số đó nhảy vọt lên gần 19 ngàn lượt khách và tới năm 2020, số lượt khách lên tới con số gần 448 ngàn.
Ông Đoàn Thái - Chủ tịch Hội nông dân huyện Côn Đảo kể, từ ngày sân bay được nâng cấp, đời sống người dân Côn Đảo đã thay đổi rõ nét. Khách du lịch ra nhiều, các dịch vụ phục vụ du lịch phát triển mạnh, thu nhập người dân cũng tăng theo. Cũng nhờ có đường bay được thiết lập mà nhiều nhà đầu tư cũng đã lựa chọn Côn Đảo để phát triển. Nhiều công trình lớn mọc lên, số người tới Côn Đảo lập nghiệp cũng tăng dần khiến Côn Đảo dần trở nên trù phú, sầm uất đông đúc.
Bước thứ 3
Ngày 14/2/2019, tại cảng Vũng Tàu khánh thành và đưa vào sử dụng tàu cao tốc hai thân Express 36 trên tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo và ngược lại. Đây thực sự là một bước đột phá trong hoạt động vận chuyển hành khách từ Côn Đảo tới đất liền và hành trình của con tàu Express 36 được ví như “con đường cao tốc trên Biển Đông”.
Người đưa ra ý tưởng và đi tiên phong trong việc hình thành “Con đường cao tốc trên Biển Đông” là ông Vũ Văn Khương - chủ hãng tàu Phú Quốc Express. Ông Khương từng công tác ở Côn Đảo một thời gian nên ông hiểu rất rõ đường biển này cũng như nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Theo ông Khương “Mỗi lần từ Côn Đảo về TP Vũng Tàu là một lần khó khăn. Phương tiện phổ biến với người dân khi đó là những con tàu công nghệ cũ, chạy nhanh nhất cũng phải mất 12 tiếng. Nếu biển động phải nằm bờ chờ đợi, có khi cả tháng”.
Vì thế, sau khi tìm hiểu công nghệ của những con tàu cao tốc 2 thân, ông Khương cùng các đồng sự đã quyết định đưa con tàu về hoạt động trên tuyến Vũng Tàu- Côn Đảo. Tàu Express 36 với sức tải lên đến 600 hành khách và sử dụng công nghệ mới 2 thân nên tàu có thể cắt sóng, triệt tiêu sóng cấp 5 và gió giật lên tới cấp 7, có thể đạt tốc độ trên 30 hải lý/giờ nhưng vẫn êm ái, đảm bảo sức khỏe cho hành khách, rút ngắn thời gian từ Côn Đảo về đất liền xuống còn 1/3 so với các loại tàu trước đây.
Sau khi có “Con đường cao tốc trên Biển Đông”, đời sống kinh tế của người dân Côn Đảo lại tiếp tục có bước phát triển thần tốc. Hàng ngày có tới hàng ngàn du khách ra thăm Côn Đảo. Các hoạt động dịch vụ buôn bán, khai thác nuôi trồng thủy sản tại Côn Đảo hay làm đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ cho du lịch ngày một phát triển, đưa Côn Đảo trở thành thị trấn sầm uất phát triển không kém các điểm sáng du lịch trong cả nước.
(Nguồn: Trọng Thịnh, Tiền Phong, 24/03/2022 | 06:42)