Sinh sống trên cao nguyên Changtang với độ cao trung bình 4.500 m, người du mục Changpa chăn nuôi cừu để lấy thịt, bơ và lông làm len.
Cao nguyên Changtang trên dãy Himalaya trải dài 1.600 km từ đông nam Ladakh, Ấn Độ đến tây bắc Tây Tạng, Trung Quốc. Với độ cao trung bình 4.500 m so với mực nước biển, nơi đây có khí hậu vô cùng khắc nghiệt với mùa hè khô hanh, có mưa giông, mưa đá và mùa đông lạnh giá như bắc cực. Bao quanh bởi những đỉnh núi hoang sơ, Changtang cũng sở hữu những hồ nước xanh thẳm như viên ngọc vươn giữa bầu trời.
Ở Changtang có khu bảo tồn thiên nhiên, nằm trong khu vực bổ trợ của Ladakh, trên độ cao từ 4.200 m - 5.800 m, với địa hình là các hẻm núi sâu và cao nguyên. Khu bảo tồn thiên nhiên lớn thứ 2 thế giới này có khoảng 11 hồ, 10 đầm lầy, dòng sông Indus hùng vĩ chảy qua. Đây là nơi sinh sống của hơn 1.000 loài động vật hoang dã, bao gồm yak, linh dương và lừa Tây Tạng.
Để tới thăm Changtang, du khách cần có giấy phép với chi phí hàng nghìn USD. Ảnh: Tibet Travel.
Người dân du mục ở Changtang được gọi là Changpa. Tính đến năm 1989, có khoảng nửa triệu người ở cao nguyên. Họ sinh sống dựa vào đàn gia súc. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người Changpa sống trong các khu định cư nhỏ có một hoặc nhiều gia đình trong vài tháng, lúc đồng cỏ vẫn còn xanh tốt. Khi chuyển mùa, họ sẽ di cư đến đồng cỏ khác, cách đó vài ngày đi bộ. Ảnh: Jungwa.
Một khu định cư Changpa có thể sở hữu tới 10.000 con vật. Khi đàn gia súc trở về vào hoàng hôn, những bước chân có thể tạo nên một làn khói bụi mịt mờ. Mỗi gia đình thường có 100 - 200 con. Số lượng gia súc liên quan đến sự giàu có trong cộng đồng Changpa.
Đàn gia súc có thể thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của cao nguyên. Tuy nhiên, khi tuyết phủ dày vào mùa đông, người Changpa và chính quyền địa phương có thể phải nhập cỏ từ nơi khác, để đảm bảo sự sống sót chúng. Ảnh: Darter Photography.
Kể cả mùa hè, buổi sáng ở Changtang rất lạnh. Khi những tia nắng ấm áp đầu ngày ló rạng, người Changpa sẽ đưa cừu ra khỏi chuồng quây và chăn chúng qua những ngọn núi để tìm cỏ. Trước khi đi, dê sẽ được buộc chặt vào nhau theo hàng để vắt sữa, trong khoảng 15, 20 phút. Công việc chăn dê sẽ kéo dài cả ngày và người Changpa sẽ chỉ trở về khi chiều muộn. Ảnh: Tehhanlin/Flickr.
Trong cộng đồng, đàn ông đảm nhiệm các công việc ngoài trời và phụ nữ chủ yếu làm việc nhà như nuôi con, nấu ăn, chăm sóc gia súc. Tuy nhiên, cả 2 giới đều tham gia vào việc dệt sợi. Đàn ông chủ yếu quay và dệt lông yak, sử dụng làm lều, còn phụ nữ dệt len từ lông cừu, dày và kín hơn để làm áo khoác, mũ, thảm.
Trước kia, một người đàn ông được coi là trưởng thành khi tự biết làm giày và yêu cầu tương tự với phụ nữ là trở thành thợ dệt giỏi. Tuy nhiên, mọi thứ đã dần thay đổi khi xuất hiện những con đường, người Changpa dễ dàng di chuyển giữa các thị trấn, hầu hết mọi gia đình đều có bếp ga, bạt, gạo và lúa mì. Ảnh: Anoop Negi/Flickr.
Sau khi ổn định ở một nơi, người Changta dựng lại những chiếc lều được gọi là rebo, làm bằng len yak (một loài bò Tây Tạng). Dệt lều có thể mất tới vài tháng nhưng khi hoàn thành, chúng rất bền và có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi một phần lều bị mòn hoặc rách, họ sẽ vá bằng những miếng len mới đan.
Màn lưới được dệt thưa, vừa đủ một con ruồi nhỏ bay qua. Như vậy sẽ giúp thoáng gió và đón nhiều ánh mặt trời. Một điều kỳ lạ là rebo lại rất ấm áp. Khi trời mưa, nước sẽ chảy khỏi bề mặt chứ không thấm vào trong. Trong những năm gần đây, người Changta đẫ dần thay thế rebo truyền thống bằng lều vải hoặc các ngôi nhà bán kiên cố, từ đá và bùn. Ảnh: Anoop Negi/Flickr.
Trong lịch sử, người Changpa rất ít phụ thuộc vào thế giới bên ngoài. Thực phẩm chính của họ là lúa mạch, được trồng ở những vùng thấp hơn. Muối được lấy từ các hồ nước trong khu vực. Động vật nuôi là nguồn cấp thịt, bơ, sữa, len và da. Sữa và bơ có thể trao đổi và là nguồn thu nhập cho các gia đình. Ảnh: Tehhanlin.
Phật giáo có ảnh hưởng tới lối sống của người Changpa. Những người lớn tuổi vẫn duy trì tụng kinh cầu nguyện vào buổi sáng sớm. Ảnh: Cat Vinton.
Trong thế giới kết nối, nhiều gia đình Changpa đã chuyển đến sinh sống và làm việc tại thị trấn Leh, nơi trẻ em có thể đi học. Tuy nhiên, có một vài người vẫn trở về với cội nguồn, để tiếp tục công việc chăn cừu. Len dệt từ lông thú ngày càng có giá cao, giúp họ có thêm thu nhập để duy trì lối sống đang ngày càng mai một bởi môi trường khắc nghiệt và những biến đổi không ngừng của thế giới. Ảnh: Darter Photography.
Theo Lan Hương (Theo Darter)
Nguồn tin bài và ảnh: vnexpress.net, Thứ năm, 9/4/2020, 02:08 (GMT+7)