Dùng xuồng nhỏ hoặc canô tham quan sinh cảnh dưới tán rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là trải nghiệm thú vị đối với nhiều du khách.
Vùng đất Ngọc Hiển được thiên nhiên ban tặng khu rừng ngập mặn (chủ yếu là cây đước, cây mắm) lớn nhất Việt Nam, với diện tích trên 34.800 ha. Khu vực rừng ngập mặn này cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 60 km. Du khách có thể dễ dàng di chuyển đi - về bằng canô hoặc xe khách.
Khu rừng mênh mông này trải dài sông Cửa Lớn, nối từ cửa Bồ Ðề ở phía biển Ðông với cửa Ông Trang ở vịnh Thái Lan. Đây cũng được xem là một trong những rừng ngập mặn lớn của thế giới, diện tích chỉ nhỏ hơn rừng Amazon tại Nam Mỹ. Phần lớn diện tích rừng ngập mặn nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Tham quan rừng đước ngập mặn bằng đường thủy, du khách được hòa mình vào vùng rừng xanh mát bóng cây. Ngoài cá thể cây đước, cây mắm, vùng rừng ngập mặn còn có hệ sinh thái thực vật, động vật đa dạng, là điểm đến trải nghiệm, khám phá khá thú vị.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có diện tích khoảng 15.000 ha, nằm trong vùng lõi của khu rừng đước ngập mặn. Một phần diện tích rừng này được công nhận là Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới.
Ðến với rừng đước Ngọc Hiển, du khách tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài động - thực vật quý hiếm, đa dạng và cùng hoà mình vào thiên nhiên hoang dã, khí hậu khá trong lành.
Cây đước được xem là loại cây biểu tượng của vùng rừng ngập mặn cực Nam của Tổ quốc. Cây đước có số lượng lớn, hình dáng đặc trưng. Đây cũng là loại thực vật có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt nhất ở vùng đất ngập nước Cà Mau.
Cây đước có tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume, thuộc họ Rhizophoraceae. Đước là thực vật thân gỗ mọc thẳng, tròn với đường kính 30-45 cm, màu nâu xám, chiều cao trung bình của đước 20-35 m. Cây đước tập trung phân bổ ở vùng ven biển, đồng bằng ngập mặn, nơi có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sống trên bùn phèn ngập mặn nên bộ rễ của cây đước cũng rất đặc biệt là rễ phụ nhô cao so với phần gốc và vươn ra quanh thân cây. Rễ phụ phát triển thành chùm, mọc ra từ phần thân gốc.
Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là điểm nhấn trong vùng rừng ngập mặn mênh mông của huyện Ngọc Hiển. Khu du lịch này là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Nơi đây có những cánh rừng đước hàng chục năm tuổi trải rộng, được doanh nghiệp du lịch địa phương chú trọng khai thác tour, tuyến du lịch xuyên rừng.
Tại đây, người dân, du khách có thể chọn lựa loại phương tiện đường thủy (thường là vỏ lãi hoặc canô) để tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, nhiều du khách chọn phương thức trải nghiệm đi bộ trên cầu khỉ trong rừng.
Hiện có nhiều tuyến du lịch sinh thái xuyên rừng ngập mặn được doanh nghiệp du lịch khai thác, phục vụ nhu cầu du khách như tuyến tham quan rừng ngập mặn, bãi bồi; tuyến khám phá giếng trời, rừng nguyên sinh; tuyến tham quan diễn thể rừng tự nhiên, cồn Ông Trang; tuyến tham quan bãi bồi ven Biển Đông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven Biển Tây….
Hàng năm, khu vực rừng ngập mặn mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) được phù sa bồi đắp và lấn dần ra biển từ 50 m đến 80 m. Nơi đây được gọi là “bãi bồi”, là điểm trồng cây gây rừng khá thường xuyên của ngành chức năng và người dân địa phương.
(Nguồn: Lâm Hải, Thứ ba, Zingnews, 30/8/2022, 10:01 (GMT+7))