Nhu cầu và giải pháp phục hồi ngành du lịch đang đặt ra cấp thiết tại Đà Nẵng sau hơn 1,5 năm vướng Covid-19, trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, tại TP.Đà Nẵng, hạ tầng du lịch (DL) do doanh nghiệp đầu tư ước tính trị giá khoảng 3,2 tỉ USD. Nhưng nguồn lực xã hội khổng lồ này đang bị lãng phí khủng khiếp do dừng khai thác kinh doanh suốt hơn 1,5 năm qua, gây ra thiệt hại ước khoảng 27.300 tỉ đồng. TP.Đà Nẵng đã chuẩn bị kích cầu lần thứ 4 cho mùa DL hè năm 2021, nhưng kịch bản này khó thực hiện khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là tại những thị trường khách nội địa trọng điểm. Trong khi đó, chỉ còn hơn 1 tháng nữa miền Trung sẽ vào mùa mưa bão…
Sở Du lịch vừa tham mưu UBND TP kế hoạch khôi phục DL Đà Nẵng giai đoạn 2021-2022, phát triển DL đường thủy nội địa 2021-2025; hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn, hủy dịch vụ do ảnh hưởng Covid-19... Có 7 giải pháp trọng tâm: quy hoạch định hướng phát triển DL; phòng, chống Covid-19; truyền thông, xúc tiến quảng bá DL; chuẩn bị sản phẩm DL; chuyển đổi số; bảo đảm chất lượng dịch vụ...; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Tuy vậy, lãnh đạo TP.Đà Nẵng, ngành DL và doanh nghiệp vẫn theo sát tình hình kiểm soát dịch bệnh và kết quả triển khai các mô hình thí điểm đón khách quốc tế để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, chuẩn bị các điều kiện nhằm sớm khôi phục hoạt động DL với yêu cầu phải bảo đảm an toàn. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở DL TP.Đà Nẵng, cho biết ngành DL đã tham mưu TP.Đà Nẵng về “Kế hoạch khôi phục hoạt động DL” với một số giải pháp trọng tâm như: chuẩn bị sản phẩm DL mới; ưu tiên nguồn lực đầu tư công; phát triển sản phẩm DL nông nghiệp, nông thôn, DL cộng đồng, đường thủy nội địa; nghiên cứu tổ chức giải đua thuyền buồm trên sông Hàn...; chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Sở DL cũng đang tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông trong điều kiện dịch bệnh, xúc tiến quảng bá, liên kết hợp tác phát triển DL trong và ngoài nước; thí điểm một số điểm tham quan DL bằng công nghệ thực tế ảo; tổ chức các hội thảo trực tuyến kết nối khách hàng.
Giải pháp đột phá, sáng tạo
Đến nay, 1.591doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, khu DL, phương tiện vận chuyển... tại Đà Nẵng tạm ngừng hoạt động, chiếm 82,6%; có 76% lao động (hơn 38.700 người) thất nghiệp. Nhiều lao động phải tìm việc làm tạm thời thậm chí chuyển hẳn nghề, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi phục hồi DL.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, đã có những phương án hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động trên toàn quốc như giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đến hết năm 2021; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên DL… Tại Đà Nẵng, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thuộc danh mục ưu tiên được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tối thiểu, Quỹ đầu tư phát triển TP.Đà Nẵng áp dụng mức lãi vay thấp nhất là 6,5%/năm (giảm 0,5% so với mức lãi suất cho vay tối thiểu hiện nay)...
Đặc biệt, người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng/người thời gian 3-5 năm, lãi suất là 7,92%/năm (bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Đây được xem là giải pháp có tính đột phá, sáng tạo của TP.Đà Nẵng. Ngành DL cũng hỗ trợ các hội đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, nhân viên; nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch DL trực tuyến (chợ DL trực tuyến), tổ chức mua bán trực tuyến với khách hàng... “Hy vọng với sự quyết liệt của cả thành phố, DL sớm vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động, đóng góp vào sự phát triển chung”, bà Hạnh nói.
(Nguồn: Nguyễn Tú, Thanh Niên, 26/07/2021, 09:35 (GMT+7))