TST tourist

Đặc sắc "Cây Bẹo" ở chợ nổi miền Tây

  • Thứ 2, 28/03/2022, 14:48 GMT+7
  • 667 Lượt xem

Trải bao năm tháng, cây bẹo vẫn đứng đầu gió, oằn mình, lỉnh kỉnh với những món hàng mẫu treo trên thân, góp phần tô điểm và trở thành điểm nhấn đặc sắc của chợ nổi miền Tây như một bức tranh chân thực, sống động nhưng lại rất đời thường, mộc mạc.

TSTtourist-dac-sac-cay-beo-o-cho-noi-mien-tay-1Hình ảnh cây bẹo "treo thứ gì, bán thứ đó" trên chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ

Về vùng đất Tây Đô ghé thăm chợ nổi Cái Răng, khu chợ có bề dày lịch sử hơn 100 năm đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ. Trong sự độc đáo đó, không thể không nhắc đến linh hồn của chợ nổi gắn liền với hình ảnh những cây bẹo.

Khi lần đầu đến với chợ nổi chợ nổi Cái Răng, chắc chắn nhiều du khách sẽ rất đỗi ngạc nhiên và thắc mắc, hình ảnh trên các ghe hàng lại cắm một cây sào dài theo phương thẳng đứng (hoặc ngang) cao chót vót trước các mũi tàu. Không những vây, trên mỗi cây đều có treo lủng lẳng một hay nhiều loại trái cây, củ quả. Và chính cây sào đó là bản sắc đặc trưng của chợ nổi miền Tây được gọi với cái tên mộc mạc là cây bẹo.

TSTtourist-dac-sac-cay-beo-o-cho-noi-mien-tay-2Cây bẹo - cách chào bán sản phẩm độc đáo của các thương hồ ở chợ nổi miền Tây

Trong cuốn "Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long” của nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng - người đã có rất nhiều nghiên cứu để nghiên cứu về vùng đất Cần Thơ, "Bẹo" là một cách mời, chào. Cây bẹo có ý nghĩa như một cái cây dùng để chào bán, trưng bày hay mời gọi, và bẹo hàng được hiểu là chào, giới thiệu món hàng.

Cô Nguyễn Thị Nên (50 tuổi, quê Hậu Giang), một thương hồ đã có hơn 20 năm buôn bán lênh đênh trên sông nước cho biết: “Ai buôn bán trên sông đa phần đều phải có cái cây này, nó hay ở chỗ giúp mình không cần phải rao, hay phát loa um sùm nhưng ai cũng biết mình bán cái gì. Như ghe cô bán khóm từ Long Mỹ chở lên đây, nên chỉ cần treo trái khóm, hoặc trên đường nếu có nhập hàng khác thì chỉ cần treo thêm loại đó lên, vậy là tự động người mua sẽ biết mà đến”.

Qua chia sẻ với cô Nên, được biết cây bẹo ngày xưa chủ yếu được làm từ vật liệu là cây tre cắm ngay trước mũi ghe hàng, nhưng ngày nay, một số ghe buôn đã dùng cây bẹo bằng ống tuýt sắt hoặc những vật liệu có độ cứng cao như nhựa hay nhôm để tăng độ bền cũng như chịu được sức nặng của hàng hóa.

TSTtourist-dac-sac-cay-beo-o-cho-noi-mien-tay-3

Khi được hỏi thêm về ý nghĩa tên và sự ra sự ra đời cây bẹo thì chính cô Nên cũng không biết chính xác có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thuở nhỏ cô đã được cha chỉ dạy theo tên gọi cây bẹo và nó đã gắn liền với những người lênh đênh sông nước như cô cũng như bao người thương hồ khác đến tận ngày nay.

Một vị thương hồ cao niên cho biết rằng, ngày xưa chưa có biển quảng cáo, mà nếu có chi phí sẽ khá cao, vừa chiếm diện tích, không hiệu quả. Vì hầu hết các thương hồ đều xem ghe hàng là nhà, nơi sinh hoạt hằng ngày, ghe lại có diện tích khiêm tốn, nếu đặt biển quảng cáo rất mất chỗ, lại khó khăn, mưa to rất dễ quật ngã.

Chính vì vậy, cây bẹo được ra đời như một sản phẩm “trong cái khó ló cái khôn” của ông cha ngày xưa, vì nó đơn giản, không cầu kỳ, lại rất hữu dụng, chỉ cần nhìn vào cây bẹo là biết ghe đó bán chủng loại hàng hóa gì, tức là “treo cái gì, bán cái đấy”.

TSTtourist-dac-sac-cay-beo-o-cho-noi-mien-tay-4Như một cánh đồng hoa rực rỡ trên sông...

Tuy nhiên, có những thứ “treo nhưng lại không bán” đó chính là quần áo sinh hoạt được phơi trên ghe. Hay có những mặt mặt hàng “bán mà không treo” như các xuồng, ghe bán hàng ăn uống và nước giải khát. Cuối cùng là “treo cái này, bán cái kia”, là khi nhìn thấy ghe cắm cây bẹo treo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa, có nghĩa là người chủ muốn bán ghe.

Cứ như thế, dù đã trải qua bao năm tháng, cây bẹo vẫn đứng đầu gió, oằn mình, lỉnh kỉnh với những món hàng mẫu trên thân, góp phần tô điểm và trở thành điểm nhấn đặc sắc của chợ nổi miền Tây như một bức tranh chân thực, sống động nhưng lại rất đời thường, mộc mạc.

Ngày nay, chợ nổi Cái Răng không chỉ là một khu chợ với các hoạt động mua bán thông thường, mà nơi nay còn được gắn kết với du lịch, tạo nên một điểm nhấn của thành phố. Ngoài việckhách du lịch đến đây tham quan không chỉ chứng kiến sự sầm suất trong giao thương, thưởng thức các loại trái cây đặc sản, tìm hiểu về đời sống, văn hóa của khách thương hồ và người dân bản địa…; nhiều du khách còn đến chợ nổi vì sự tò mò, hấp dẫn về cây bẹo, một hình thức văn hóa tiếp thị “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam và trên thế giới.

(Nguồn: Nguyễn Thuận, Báo Pháp luật Việt Nam, Thứ hai, 28/03/2022, 07:41 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc