Mùa nước nổi là dịp người miền Tây đánh bắt các sản vật như cá, rắn, ốc, lươn, hái bông súng, điên điển…
Nước tràn đồng từ giữa tháng 8 ở cánh đồng xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Năm nay nước về sớm và nhiều hơn các năm, ngư dân đầu nguồn trúng đậm mùa đánh bắt kéo dài ba tháng.
Mùa nước nổi là nét đặc trưng của miền Tây thường bắt đầu vào tháng 8 đến 11. Nước về giúp nông dân vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại, chuột và bồi bổ phù sa cho đất.
Ngư dân thường ra đồng giữa khuya, trở về khi mặt trời chưa ló dạng, cân sản vật đánh bắt cho thương lái để họ kịp bán chợ sáng. Trung bình mỗi buổi tối, họ kiếm được 200.000 đồng đến một triệu đồng. Giá sản vật đắt vào đầu mùa nước nổi, giảm dần về sau do sản lượng tăng.
Một ngư dân bắt cá trên cánh đồng biên giới huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bằng hình thức kéo côn, dùng những thanh sắt cột vào những cây tre dài. Khi xuống nước những thanh kim loại phát ra tiếng động khiến cá sợ chui xuống bùn. Phát hiện những vùng nước đục, sôi bọt khí, người dân chỉ việc mang nơm tiến lại bắt cá.
Cá linh đánh bắt vào cuối mùa nước nổi, to cỡ ngón tay. Lúc này chúng nhiều thịt song xương không còn mềm như lúc nhỏ. Cá linh được thương lái mua giá khoảng 50.000 đồng mỗi kg. Sau đó thương lái chở đến các chợ phân phối sau khi ướp đá giữ cho cá được tươi ngon.
Cá linh thường được bán kèm với bông súng và bông điên điển. Người dân đầu nguồn thường thiết đãi bạn bè phương xa món cá linh nấu canh chua bông điên điển hoặc kho lạt chấm bông súng.
Mỗi lọn bông súng bán với giá 5.000 đồng. Khác với bông súng Đà Lạt (loại màu hồng), bông súng miền Tây trắng mọc tự nhiên trên đồng, cọng nhỏ, giòn, ngọt hơn.
Chị Nguyễn Thị Cua (huyện An Phú, tỉnh An Giang) khoe chiến lợi phẩm sau một đêm giăng lưới ngoài đồng. Với cá linh, cá mè vinh, cá sặc, cá rô, rắn,... chị cân cho thương lái với giá từ 20.000 đến 50.000 đồng mỗi kg. Trung bình mỗi ngày vợ chồng người phụ nữ vùng biên kiếm hơn 200.000 đồng.
Mỗi ngày ông Nguyễn Văn Hoàng, bắt được 10 kg ốc đắng (ốc quắn) ở khu vực cặp con đê thuộc xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), bán với giá 15.000 đồng mỗi kg. "Mùa nước ốc mập, ăn ngon lắm", ông nói.
Với biệt tài câu ếch không cần lưỡi, anh Đặng Văn Thắng (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Mồi câu là nhái con, khi săn ếch, Thắng phải rung cần câu liên tục. Những con ếch quan sát thấy con mồi “còn sống” liền nhào ra đớp. Khi đó cần thủ chỉ việc giật cần câu, dùng vợt hứng chiến lợi phẩm.
Ông Phan Văn Vũ, 58 tuổi, chuẩn bị hơn chục lợp tôm (một loại ngư cụ bắt tôm) để ra cánh đồng huyện An Phú, tỉnh An Giang, đánh bắt. Mồi dụ tôm chui vào lợp là cơm dừa.
Sau một ngày đêm đặt trên đồng ông sẽ đi thăm, thu chiến lợi phẩm và tìm chỗ mới để đặt lợp. “Nghề này đủ sống mấy tháng mùa nước, chứ không dư dả gì đâu”, ông Vũ chia sẻ.
Chợ cá đồng họp ngay ngã ba sông Kinh Ruột, xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang. Ngư dân đánh bắt cá xong liền rẽ vào chợ cân cá cho tiểu thương.
Mẻ cá ngư dân thu hoạch vào đêm hôm trước, chuẩn bị bán cho thương lái, tại chợ Kinh Ruột. Cá sau khi cân xong được nhốt vào khoang thuyền có nước, giúp cá tươi sống, bán giá cao.
Vào mùa nước nổi, ở miền Tây xuất hiện những chợ cá họp giữa đêm còn gọi là chợ "âm phủ", vì người mua và bán chỉ xuất hiện lúc trời tối, trời chưa sáng chợ đã vãn.
Chợ cá đồng nằm cặp chân cầu Tha La (TP Châu Đốc, An Giang) tồn tại hơn 30 năm. Những lúc đánh bắt nhộn nhịp chợ họp từ 0h khuya với hàng chục xuồng câu lưới, cặp bến cân cá, cua.
(Nguồn: Ngọc Tài - Nguyễn Khánh, VN Express, Thứ ba, 1/11/2022, 12:10 (GMT+7))