TST tourist

Đề xuất thí điểm thẻ thông hành xanh để giúp phục hồi kinh tế trong nước

  • Thứ 5, 02/09/2021, 15:33 GMT+7
  • 534 Lượt xem

Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam đề xuất thí điểm áp dụng thẻ thông hành xanh (hộ chiếu vắc xin) để những người đã tiêm đủ vắc xin, người nhiễm COVID-19 đã hồi phục, người xét nghiệm âm tính với COVID-19 được thuận tiện đi lại trong nội địa.

1_4Đề xuất thí điểm Thẻ thông hành xanh để phục hồi kinh tế trong nước và ngành du lịch - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Hoàng Nhân Chính - trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) - đại diện cho nhóm nghiên cứu của hội đồng này chia sẻ những kết quả khảo sát, phân tích các ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới mà nhóm này vừa thực hiện để đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm hộ chiếu vắc xin (thẻ thông hành xanh) ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia của TAB, điều này nhằm đem lại sự yên tâm cho Chính phủ, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân để mở cửa lại các công việc kinh doanh, đi lại, sớm hội nhập quốc tế, nhằm thực hiện được nhiệm vụ kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế" để phục hồi sự phát triển kinh tế sớm nhất, trong bối cảnh phải sống chung với COVID-19 lâu dài.

Đầu tiên, các chuyên gia này đề xuất đổi tên gọi Thẻ thông hành xanh Việt Nam (Vietnam Green Travel Pass) thay cho khái niệm hộ chiếu vắc xin vốn chưa chính xác và gây hiểu nhầm vì thẻ này cần thiết và quan trọng cho việc đi lại trong nước, chứ không phải chỉ xuất cảnh, nhập cảnh.

Ông Chính cho hay, các quốc gia trên toàn cầu đã bắt đầu công bố "hộ chiếu vắc xin", cho phép công dân của họ sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch và cũng để sử dụng cho các hoạt động trong nước, ví dụ như tham dự các sự kiện hoặc thậm chí ăn uống tại nhà hàng.

Các chuyên gia tin rằng hộ chiếu vắc xin có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đi lại trong nước và quốc tế trong tương lai, vì vậy việc thí điểm áp dụng Thẻ thông hành xanh Việt Nam điện tử (một ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép truy cập và trích xuất nhanh thông tin của người dùng theo thời gian thực) cần sớm được bàn bạc và áp dụng.

Thẻ thông hành xanh, có thể là mã QR trên điện thoại hoặc in ra trên giấy, áp dụng các giải pháp công nghệ sẽ đảm bảo thông tin là chính xác và duy nhất, khó có thể làm giả mạo, góp phần hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ xác nhận y tế phòng dịch COVID-19.

Đối tượng được cấp Thẻ thông hành xanh không chỉ gồm những người đã tiêm đủ vắc xin, mà cần có cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước.

Theo ông Chính, mục đích trước mắt là tạo điều kiện để công dân Việt Nam được đi lại trong nước thuận tiện, an toàn, các dịch vụ sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại nhằm giúp phục hồi nền kinh tế, trong đó có du lịch.

Đến thời điểm này, rất nhiều người trong TAB tính toán có lẽ phải sang năm 2022 Việt Nam mới có thể tính mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Khi thí điểm áp dụng thẻ xanh thông hành, Chính phủ cần đàm phán song phương hoặc đa phương với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới để ký thỏa thuận cho phép công dân Việt Nam sử dụng Thẻ thông hành xanh Việt Nam khi nhập cảnh vào nước khác... và ưu tiên đàm phán thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khối ASEAN, Liên minh châu Âu, Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (Thẻ thông hành IATA Travel Pass)...

(Nguồn: Thiên Điểu, Tuổi Trẻ, Thứ ba, 31/08/2021, 20:56 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc