Bão Mulan dự kiến đổ bộ vùng Đông Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, trong đó Quảng Ninh, Hải Phòng là địa phương đầu tiên hứng gió bão.
Ngoài cấm biển, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, yêu cầu dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để đối phó với bão. Các huyện thị ven biển là Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô kêu gọi chủ tàu thuyền, ngư dân, người nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú.
Ngành than và các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản phải đảm bảo tuyệt đối an toàn bãi thải mỏ, nhất là bãi có độ cao lớn, nằm gần khu dân cư, di dời dân đến nơi an toàn. Mọi công tác phải hoàn thành trước 17h hôm nay.
Sở hữu di sản thế giới, TP Hạ Long có khoảng 20.000 du khách, trong đó 8.000 khách đăng ký tham quan vịnh. Tuy nhiên, trước khả năng bão đổ bộ, thành phố đã cho tạm dừng hoạt động du lịch trên vịnh từ 12h.
Ở đảo Cô Tô, Phó chủ tịch huyện đảo Đỗ Huy Thông cho biết đã có hàng trăm du khách rời đảo, hiện còn 120 khách nội địa. "Huyện đã thông tin về bão và lịch tàu chạy để du khách chủ động lựa chọn về đất liền hay ở lại", ông Thông nói.
Đến trưa 10/8, biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi và sắp xếp nơi neo đậu cho 7.230 phương tiện với 14.120 ngư dân và 1.600 ô, lồng bè vào nơi tránh trú bão an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh bố trí 210 cán bộ, chiến sĩ và 20 phương tiện (3 tàu, 12 xuồng, 5 ôtô) ứng trực khi có tình huống xảy ra.
Tại Hải Phòng, chính quyền đang kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn. Đến 14h hôm nay, 2.330 tàu thuyền, 350 lồng bè và hơn 8.000 lao động đang hoạt động và neo đậu trên biển được thông báo về diễn biến bão để phòng tránh.
Ông Hoàng Trung Cường, Phó chủ tịch huyện Cát Hải, cho biết các hoạt động du lịch đã bị dừng. Hiện trên đảo có khoảng 1.000 du khách, trong đó 81 khách quốc tế. "Chúng tôi khuyến cáo nếu được du khách nên rời đảo trước 16h hôm nay. Nếu du khách ở lại trong thời gian TP Hải Phòng cấm biển thì chúng tôi đề nghị các cơ sở lưu trú giảm 50% tiền phòng", ông Cường nói.
Thái Bình cấm biển từ 15h, kêu gọi các địa phương kiểm đếm, sắp xếp tàu thuyền về nơi trú bão, không để xảy ra va chạm nơi neo đậu. Trước 21h hôm nay, các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy hoàn thành việc di dời lao động nuôi trồng thủy sản, người dân sinh sống ở trên sông, trên biển đến nơi an toàn.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tất cả hơn 1.000 tàu thuyền với 3.270 lao động đang làm ăn trên biển đã liên lạc được với gia đình, không phương tiện nào ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh có hơn 1.100 chòi ngao, 1.100 đầm nuôi trồng thủy hải sản tập trung ở các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà.
Hà Nội cũng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão Mulan. Cơ quan khí tượng dự báo từ chiều tối nay đến ngày 12/8, Hà Nội mưa to, trong đó các huyện phía bắc và phía tây mưa 120-180 mm, có nơi trên 180 mm; các huyện phía nam mưa 100-150 mm, có nơi trên 150 mm, nguy cơ xảy ra ngập úng tại đô thị, vùng trũng thấp, ven sông.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẵn sàng phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là nội thành. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cành cây, chằng chống, chuẩn bị lực lượng ứng trực, giải tỏa cây đổ khi mưa to, gió lớn.
Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, đơn vị bố trí hơn 130 nhân viên cùng máy móc thiết bị để rà soát, thu gom vật cản tại các miệng ga, cống, trạm bơm. Căn cứ mực nước sông Hồng, sông Nhuệ, trạm bơm Yên Sở sẽ chủ động vận hành.
Mulan là cơn bão thứ hai trên Biển Đông trong năm nay, lúc 14h hôm nay sức gió mạnh nhất gần tâm bão là 88 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11. Dự báo đêm nay và sáng mai, bão bắt đầu ảnh hưởng đến vùng Đông Bắc Bộ.
Từ chiều tối nay đến ngày 12/8, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An mưa 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
(Nguồn: Phương Thảo - Võ Hải, VnExpress, Thứ tư, 10/8/2022, 14:06 (GMT+7))