TST tourist

Doanh nghiệp Thái Lan kêu gọi chính phủ sớm coi COVID-19 là bệnh đặc hữu

  • Thứ 2, 21/03/2022, 14:49 GMT+7
  • 525 Lượt xem

Chính phủ Thái Lan đề ra thời hạn ngày 1-7 để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp mong muốn mốc thời gian này được đẩy lên sớm hơn.

TSTtourist-doanh-nghiep-thai-lan-keu-goi-chinh-phu-som-coi-covid-19-la-benh-dac-huu-1Du khách nước ngoài ở khu du lịch sầm uất Khao San, Bangkok - Ảnh: BANGKOK POST

Theo báo Bangkok Post, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, hoan nghênh kế hoạch của chính phủ nhằm xác định lại mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Ông Chamnan Srisawat, chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), cho biết ngành du lịch chắc chắn sẽ hưởng lợi từ tuyên bố xem COVID-19 là bệnh đặc hữu vì khi đó, các quy định về du lịch sẽ nới lỏng hơn nữa.

Tuy nhiên, thời gian 1-7 là quá dài để chờ đợi với các doanh nghiệp du lịch vốn đã gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động trong tình trạng thiếu vắng du khách quốc tế và nhu cầu nội địa thì trầm lắng do kinh tế xuống dốc và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Ông cho rằng chờ đến tháng 7 là quá muộn vì các nước cần sẵn sàng nắm bắt cơ hội về du lịch ngay bây giờ để có lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực này.

"Thái Lan từng là nước đi đầu trong kế hoạch mở cửa trở lại, nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với tổn thất vì với lộ trình này, Thái Lan sẽ là một trong những nước cuối cùng mở cửa trở lại hoàn toàn", ông Chamnan cảnh báo.

Ông đề nghị chính quyền nên tăng tốc và bỏ mọi hạn chế về du lịch như là một món quà năm mới, vào dịp tháng 4 ở Thái Lan.

Ông Chamnan cho biết đến nay, tỉ lệ người nước ngoài nhiễm bệnh ở Thái Lan chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ nên không có lý do gì để hoãn việc mở cửa hoàn toàn.

Ngoài ra, chính quyền nên tập trung vào việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho những nhóm có nguy cơ cao, như người trên 60 tuổi, người có bệnh mãn tính, phụ nữ có thai, để tăng tâm lý tự tin về tình hình dịch bệnh.

Sanan Angubolkul, chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cũng bày tỏ quan điểm tương tự về thời điểm công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu như cách nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

Bệnh đặc hữu được hiểu là một bệnh thông thường và có tính tương đối ổn định, việc kiểm soát dịch phụ thuộc vào trách nhiệm của người dân, nó không phải là quy định, yêu cầu bắt buộc nữa.

(Nguồn: Hồng Vân, Tuổi Trẻ, Thứ hai, 21/03/2022, 10:22 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc