TST tourist

Độc hành xuyên Việt một tháng giữa đại dịch

  • Thứ 6, 07/01/2022, 08:06 GMT+7
  • 561 Lượt xem

Du lịch giữa đại dịch, nhiều lúc Hoa thấy tất cả không gian đều thuộc về mình, đó là những kỷ niệm mà cô chắc rằng rất khó gặp lại.

Vũ Hoa, ngoài 30 tuổi, hiện làm việc trong một khách sạn tại Sa Pa (Lào Cai). Là người mê xê dịch nhưng bận công việc nên những chuyến đi trước đây của cô thường ngắn ngày. Năm 2021, sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, số ca Covid-19 tăng nhanh trên cả nước. Các khách sạn ở Sa Pa, trong đó có nơi cô làm việc, phải đóng cửa. Với cô đây cũng là "trong cái rủi có cái may", cơ hội để thực hiện chuyến xuyên Việt trọn vẹn của mình, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6.

TSTtourist-doc-hanh-xuyen-viet-mot-thang-giua-dai-dich-1Hoa một mình trên cung đường qua Bàu Trắng (Bình Thuận) ở khoảng ngày thứ 15 của hành trình. Phần lớn những bức ảnh cô đều dựng chân máy điện thoại, còn lại nhờ người đi đường.
Với tâm thế hứng khởi, Hoa xếp hành lý lên chiếc xe máy đã 13 năm tuổi, chạy một mạch từ Lào Cai tới Mù Cang Chải (Yên Bái). Cô dự định đón hoàng hôn trên đồi mâm xôi. Trở lại đây sau 4 năm, cô không còn cảm nhận được sự hoang sơ vốn có khi thấy đường đi đã đổ bê tông, có thu phí vào tham quan nên nghỉ một đêm tại Nghĩa Lộ rồi di chuyển.

Chạy xe tới Phú Thọ, cô gặp một người bạn có cùng ý định đi xuyên Việt nên cả hai đồng hành cùng nhau. Hôm đó, họ chạy 400 km từ Phú Thọ tới Ninh Bình, Thanh Hóa. Cung đường họ chọn trong những ngày tiếp theo là dọc quốc lộ 1A, qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng...

Những ngày đi dọc miền Trung, họ đối mặt với cái nắng rát da thịt và nhiệt độ lên tới 40 độ C. Hoa cho biết ngoài quần áo khoác thì còn phải đeo tất, trùm khăn kín để tránh nắng nên càng nóng bức. Cứ đi một lúc cô phải dừng xe uống nước một lần. Sang tuần thứ 2, cô bắt đầu cảm nhận những cơn nhức mỏi lưng do lái xe đường dài nên rút ngắn quãng đường mỗi ngày xuống còn 150-200 km.

Tới Hội An (Quảng Nam), đôi bạn chia 2 cung đường khác nhau, Hoa tiếp tục chạy tới Quy Nhơn (Bình Định), các tỉnh Tây Nguyên rồi tới Nha Trang (Khánh Hòa). Đích đến cuối cùng là đất mũi Cà Mau, sau đó trở lại TP HCM và đi xe khách chiều về.

TSTtourist-doc-hanh-xuyen-viet-mot-thang-giua-dai-dich-2

Trong hành trình cô chủ yếu đến những nơi gần thiên nhiên hoặc di tích nổi tiếng như ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), Đại nội Huế, làng hương Thủy Xuân (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An (Quảng Nam), Kỳ Co - Eo Gió (Bình Định), Bàu Trắng (Bình Thuận), chùa Khmer Pisesaram (Trà Vinh)...

Du lịch trong lúc dịch bệnh bùng phát có nhiều bất tiện vì các điểm tham quan, khách sạn đóng cửa, không nhận khách ngoại tỉnh. Ở địa phận mỗi tỉnh đều có chốt kiểm soát dịch, Hoa phải dừng khai báo y tế. Khi đó dịch đang bùng mạnh ở nhiều tỉnh, thành như Bắc Giang, Bắc Ninh... vì nói giọng miền Bắc nên nhiều lúc cô bị xa lánh. Nhiều lần gọi điện đặt phòng trước, khách sạn từ chối. Ở mỗi địa điểm, ngoài vất vả tìm chỗ nghỉ, cô đều phải tới UBND phường khai báo lưu trú.

Hoa chia sẻ, càng vào miền Trung, miền Nam, cô càng cảm nhận được sự thân thiện, mến khách của người địa phương. Họ sẵn sàng giới thiệu cho cô những món ngon, địa chỉ tham quan còn mở cửa. Hay lần đang khai báo để di chuyển từ Đà Nẵng tới Quảng Nam, nhân viên ở chốt y tế tỏ ra thích thú khi biết cô đi xuyên Việt. Anh hỏi thăm và gợi ý cô nên ở Đà Nẵng thêm vài ngày, để khám phá nhiều vẻ đẹp của thành phố.

Một mình đi xuyên Việt, nhiều lúc cô cũng gặp vài sự cố nhỏ như xe chết máy, hỏng đèn. Lần khác khi trên đường tới TP HCM, cô bị một người đàn ông trung niên đi theo phía sau khoảng chục cây số. Ban đầu cô cho rằng chỉ tình cờ cùng đường nhưng khi cô đi chậm hay dừng lại, người này đều làm theo và chạy xe máy ngang qua cô thì bấm còi trêu ghẹo. Đoán người này có mục đích xấu nhưng Hoa không sợ vì đang đi giữa đường lớn, ở đâu cũng có xe cộ qua lại. Cô giảm tốc độ xe rồi hỏi người đàn ông "Ông thích gì?". Thấy cô có giọng điệu thách thức, người này tăng tốc bỏ đi.

Hoa chia sẻ, đi du lịch một mình luôn cần có sự dũng cảm, vì nếu sợ hãi thì càng dễ gặp nguy hiểm. Cô cũng có kinh nghiệm an toàn khi đi phượt Tây Bắc trong 5 mùa Tết Nguyên đán, dù nhiều đường đèo, đường vắng. Dẫu vậy, cô cho rằng phụ nữ đi đường nên mang theo một con dao nhỏ để sử dụng và phòng thân, ngoài ra nên lưu ý đi đường lớn có người qua lại và tới chỗ nghỉ trước 18h.

TSTtourist-doc-hanh-xuyen-viet-mot-thang-giua-dai-dich-3

Phần lớn các điểm đến trong chuyến đi Hoa từng thăm trước đây, nhưng chuyến xuyên Việt giữa đại dịch để lại cho cô nhiều cảm xúc trọn vẹn. Cô chia sẻ nhiều lúc cảm thấy tất cả không gian xung quanh đều thuộc về mình vì cả đoạn đường và bãi biển, điểm tham quan không một bóng người. Cô cũng có cơ hội thấy khung cảnh bớt xô bồ ở các điểm đến nổi tiếng. Trong đó có phố cổ Hội An đường thông thoáng, nhiều hàng quán đóng cửa hay thuyền phủ bạt vì vắng khách. TP Nha Trang chăng dây dọc bãi biển để cấm người dân tập thể dục, tắm biển... "Đây sẽ là những kỷ niệm mà rất lâu sau này cũng không thể có được hay gặp lại lần nữa", Hoa nói.

Chuyến đi giữa dịch cũng giúp Hoa tiết kiệm chi phí khi nhiều khách sạn giảm giá. Một tháng đi dọc đất nước, cô chi tiêu hết 15 triệu đồng. Cô cho biết sắp tới tiếp tục độc hành tới Hà Giang và có thể đón Tết Nguyên đán khác biệt tại đây.

(Nguồn: Lan Hương, VnExpress, Thứ năm, 6/1/2022, 15:39 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc