Tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) có một công trình kiến trúc khổng lồ đầy bí ẩn nằm ngau giữa những ngọn núi trập trùng.
Tulou hay Thổ Lâu Phúc Kiến là một quần thể các ngôi nhà bằng đất được xây dựng hết sức độc đáo của của người Khách Gia (Hakka) và các dân tộc khác sinh sống tại các vùng núi ở phía tây nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Phần lớn các dãy nhà tại đây được xây dựng trong thời gian từ thế kỷ XII đến thế kỷ XX.
Theo National Geographic, mỗi dãy nhà Thổ Lâu sẽ có hình dạng phổ biến là tròn hoặc chữ nhật, với những bức tường có độ dày rất lớn cao từ ba đến năm tầng, bên trên cùng lợp ngói và có sức chứa có thể lên tới 800 người. Bên trong những bức tường dày này là những sảnh, nhà kho, giếng và khu vực sinh hoạt, toàn bộ cấu trúc giống như một thành phố pháo đài nhỏ.
Những bức tường được tạo bằng cách trộn đất nện với đá, tre, gỗ hoặc các vật liệu có sẵn khác để tạo thành những bức tường dày đến 1,8 m. Cành cây, gỗ và tre thường được đặt sâu trong tường giúp gia cố. Kết quả là, một tòa nhà lấy ánh sáng tốt, thông gió, chống gió, động đất, ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè.
Thổ lâu Phúc Kiến thường chỉ có một cổng chính được che chắn bởi bốn cánh cửa gỗ dày từ 100 - 130 mm, được gia cố bên ngoài thêm các tấm thép. Tầng cao nhất của thổ lâu có những lỗ súng nhằm mục đích phòng thủ.
Yeo Kang Shua , phó giáo sư lịch sử kiến trúc, lý thuyết và phê bình tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore cho biết: "Các cửa ra vào của Thổ Lâu thường được xây bằng khung đá granit trong khi các khung cửa sổ bằng gỗ. Vì chỉ có một lối vào nên tòa nhà trở nên kiên cố và khó xâm nhập hơn. Mặt khác, các ô cửa sổ thường chỉ được thiết kế ở những tầng cao nên việc đột nhập bằng lối này cũng vô cùng khó khăn".
Tuy nhiên, không giống vẻ kiên cố bên ngoài, những thứ diễn ra bên trong những Thổ Lâu lại vô cùng bình dị và đời thường.
Ở giữa Thổ Lâu thường là một sân trời có giếng nước gọi là sân chính. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên và tổ chức các hoạt động cộng đồng như hiếu, hỉ. Các gia đình ở trong cùng một Thổ Lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải.
Tất cả các căn hộ trong Thổ Lâu được xây dựng giống nhau, các tài sản chung như giếng nước, cây trái trong đây cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào. Sự bình đẳng trong quan hệ này cùng kiến trúc thuận lợi cho phòng thủ giúp cho các Thổ Lâu dễ dàng hơn trong việc chống lại nạn trộm cướp hoành hành ở miền Nam Trung Quốc.
Kang Ger-Wen, trợ lý giáo sư tại khoa Trung Quốc học thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Hầu hết các khu dân cư đều có bàn thờ gia tiên và trường học cho trẻ em. Người Khách Gia xem mối quan hệ gia đình và giáo dục là hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời của họ".
Mỗi Thổ Lâu sinh hoạt như một ngôi làng khép kín. Các dãy nhà được phân chia cho những gia đình ở cùng một thị tộc.
Các Thổ Lâu ngày nay đều đã có điện và nước sạch. Trong khi nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu là do người dân tự nuôi trồng hoặc mua của những ngôi làng khác gần đó.
Dãy hành lang liên kết các phòng riêng lẻ trên mỗi tầng được thiết kế nhằm khuyến khích sự tương tác giữa hàng xóm láng giềng sống trong cùng một Thổ Lâu.
Có tổng cộng khoảng 46 dãy nhà Thổ Lâu hết sức đặc trưng tại làng Chuxi, Tianluokeng, Hekeng, Gaobei, Dadi, Hongkeng... Quần thể nhà Tulou này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2008. Trên trang web chính thức của mình, UNESCO đã ca ngợi Thổ Lâu như "một ví dụ nổi bật và tiêu biểu về các hình thái định cư của con người".
Thổ Lâu Phúc Kiến cũng là thuật ngữ chính thức do UNESCO đặt cho công trình kiến trúc đặc biệt này của Trung Quốc. Hiện có khoảng hơn 20.000 Thổ Lâu còn tồn tại cho tới ngày nay. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3.000 dãy nhà được công nhận là Thổ Lâu Phúc Kiến.
Ngày nay, số người sống trong các Thổ Lâu liên tục giảm theo từng năm, khi những người trẻ mong muốn tìm kiếm nhiều cơ hội mới ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, nhờ các chính sách thúc đẩy du lịch của địa phương mà những dãy nhà Thổ Lâu Phúc Kiến vẫn luôn tràn đầy sức sống với các hoạt động kinh doanh, lễ hội văn hóa.
Chú thích
Phúc Kiến có khí hậu ôn hòa quanh năm. Nhưng từ tháng 3 tới tháng 8 thường là thời điểm của mùa mưa và bão. Tháng 9 đến tháng 12 là mùa khô, được coi là thời điểm thích hợp nhất để du khách ghé thăm nơi đây.
Hầu hết du khách thường dành nửa ngày để tham quan các Thổ Lâu Phúc Kiến. Tuy nhiên, để có những trải nghiệm chân thực hơn, bạn cũng có thể đặt trước những homestay tại đây, thưởng thức ẩm thực địa phương và hòa mình vào cuộc sống đời thường đầy dung dị của người Khách Gia.
(Nguồn: Đỗ An, Vietnam net, Thứ năm, 28/04/2022)