TST tourist

Du khách Singapore muốn đi TP.HCM, Đà Nẵng

  • Thứ 4, 26/01/2022, 08:16 GMT+7
  • 638 Lượt xem

Nhiều du khách Singapore mong chờ việc đi du lịch Việt Nam trong năm 2022. Các điểm đến họ yêu thích là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Du lịch Việt Nam năm 2022 đang kỳ vọng được mở hoàn toàn trở lại. Lúc này, nhiều đơn vị đã bắt đầu khảo sát nhu cầu của khách quốc tế. Singapore là một trong những thị trường quan trọng ở Việt Nam. Nhu cầu ghé thăm Việt Nam của du khách từ đảo quốc sư tử cũng đang tăng cao.

Chỉ chờ Việt Nam mở cửa

Khảo sát từ Tổng công ty Cảng Hàng không quốc gia Changi (CAG) của Singapore cho thấy khách du lịch nước này mong muốn đến Việt Nam ngay khi các hạn chế đi lại quốc tế giữa 2 nước được tháo dỡ.

Cuộc khảo sát "Nhu cầu khách du lịch Singapore đến Việt Nam" được CAG thực hiện trong 2 tuần 24/11-8/12/2021. Với 1.000 trả lời nhận được, đơn vị này cho biết khách du lịch Singapore muốn đến những địa điểm có khả năng tiếp cận dễ dàng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tốt. 4 điểm đến được họ lựa chọn nhiều nhất là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, vịnh Hạ Long.

TSTtourist-du-khach-singapore-muon-di-tphcm-da-nang-1Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến được khách Singapore quan tâm nhất. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Khi được hỏi về việc sẵn sàng đi du lịch Việt Nam, 90% người tham gia khảo sát đồng ý đi ngay nếu các hạn chế được tháo dỡ.

Theo CAG, Việt Nam là một điểm đến quen thuộc, gần gũi với người dân Singapore. Lợi thế lớn nằm ở việc di chuyển tới Việt Nam khá thuận tiện với đường bay thẳng. Các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng, du lịch công vụ đã phát triển mạnh mẽ trước khi đại dịch ập đến.

Cứ 5 người Singapore sẽ có 3 người từng đi đến Việt Nam (tương đương 60%). Do đó, chỉ cần Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại, khả năng thu hút thị trường quen thuộc này là rất sáng sủa.

Có 2 mong muốn chính được người Singapore đưa ra nếu du lịch Việt Nam. Thứ nhất, họ thích được nghỉ dưỡng tại những nơi có cơ sở vật chất đầy đủ. Thứ hai, họ muốn chuyến nghỉ dưỡng dài ngày (từ 7 ngày trở lên).

"Khách du lịch Singapore đánh giá cao Việt Nam nhờ phong cảnh tươi đẹp, truyền thống văn hóa và lịch sử giàu bản sắc, ẩm thực đặc sắc, con người Việt Nam thân thiện. Đây là cơ hội cho các công ty du lịch có thể đầu tư vào các sản phẩm du lịch như tham quan văn hóa, lịch sử, phong cảnh, các di sản thế giới, kết hợp với nghỉ dưỡng, ẩm thực, trải nghiệm lối sống", trích báo cáo từ CAG.

Việt Nam cần thay đổi

Câu chuyện mở cửa du lịch được nhắc đến rất nhiều sau đợt dịch lần thứ 4. Cho tới gần đây, bức tranh toàn cảnh của du lịch Việt Nam trong năm 2022 đã trở nên sáng sủa hơn khi đề xuất này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) chính thức đưa ra. Theo đó, Bộ VHTT&DL muốn mở cửa hoàn toàn du lịch từ 1/5, đồng nghĩa cả 2 thị trường inbound (đón du khách quốc tế) lẫn outbound (đưa khách đi nước ngoài) sẽ trở lại bình thường như trước dịch.

Để mở cửa trở lại và thu hút khách du lịch, Việt Nam cần có những thay đổi hợp lý hơn. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn một và nhận được nhiều kết quả khả quan. Dù vậy, nhiều hạn chế tồn đọng như việc miễn thị thực, tự do đi lại... đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý du khách quốc tế.

TSTtourist-du-khach-singapore-muon-di-tphcm-da-nang-2Việt Nam cần có những thay đổi để thu hút khách quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh mở cửa du lịch mang ý nghĩa sống còn với nền kinh tế nước nhà.

Đại diện đơn vị này đề xuất Việt Nam cần miễn visa cho khách du lịch, quy định kết quả xét nghiệm PCR âm tính 72 giờ trước khi du khách lên máy bay. Các doanh nghiệp du lịch sẽ chịu trách nhiệm thực hiện những quy định trên. Mọi doanh nghiệp đủ điều kiện đều sẽ được đón khách.

Ông Bình cũng mong muốn mở cửa du lịch sớm, bỏ thí điểm. Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định về cách ly để du khách chuẩn bị. Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng cần thực hiện những chiến dịch xúc tiến du lịch, đặc biệt ở các điểm đến lớn. Việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến cho các doanh nghiệp cũng cần triển khai.

Vấn đề quy định khắt khe trong việc đón khách quốc tế cũng được đại diện nhiều đơn vị, tỉnh thành đồng tình. Đa số mong mở cửa càng sớm càng tốt và dỡ bỏ các hạn chế hiện tại. Đơn cử như ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất mở cửa du lịch quốc tế luôn từ tháng 2.

Tuy nhiên, để có thể sớm mở lại như mong muốn của nhiều bên, ông Sơn chỉ ra một vướng mắc đang tồn đọng. Hiện nay, khách đến Việt Nam qua các chuyến bay quốc tế thường lệ và những chuyến bay khác phải có xét nghiệm âm tính PCR trước và sau khi xuống máy bay. Ngoài ra, du khách còn phải thực hiện test nhanh.

Điều này được cho là không còn hợp lý bởi nhà ga các nước khác cũng không còn yêu cầu test nhanh, tránh gây tắc nghẽn. Việc tiếp tục yêu cầu test nhanh sẽ khiến khách du lịch thấy rắc rối, quá trình tổ chức bay cũng thêm vất vả. Thay vào đó, nếu buộc phải test nhanh, ông Sơn đề nghị nên đưa về các điểm du lịch đã có cam kết, qua đó tránh ùn tắc sân bay, gây khó khăn cho khách.

Các đề xuất được đưa ra hoàn dựa trên cơ sở chống dịch của Việt Nam thời gian qua. Lập luận từ các bên càng được ủng hộ bởi TS Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock (Australia). Theo bà Thu Anh, Việt Nam lúc này đang ở đỉnh cao miễn dịch cộng đồng. Độ bao phủ vaccine của Việt Nam rất cao nên không có lý do gì để tiếp tục đóng cửa.

"Chúng ta cần đảm bảo người dân được miễn dịch, tức là tiêm vaccine, đặc biệt cho người có nguy cơ cao, bệnh nặng. Hiện nay, thế giới đã chuyển từ giãn cách xã hội rộng sang hẹp, giữa người với người. Việt Nam cần có phương án điều trị bệnh tốt, truyền thông trên TV hàng ngày và cho phép y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 có thu phí, từ đó nâng cao năng lực điều trị", bà Thu Anh đưa ra giải pháp.

(Nguồn: Anh Tú, Zingnews, Thứ ba, 25/1/2022 14:56 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc