Lễ hội đèn trời Chiang Mai là sự kiện lớn, chỉ sau Tết té nước Songkran, thu hút rất nhiều du khách khắp nơi trên thế giới.
Travel blogger Ngô Trần Hải An cùng nhóm bạn từ Việt Nam đã tham dự lễ hội đèn trời tại Chiang Mai từ 7 đến 10/11. Lễ hội gồm hai hoạt động: Loy Krathong (hoa đăng) và Yi Peng (thiên đăng), ấn tượng với sắc màu rực rỡ và đậm bản sắc văn hoá Thái. Sự kiện này được tổ chức vào rằm tháng 12 Âm lịch hàng năm theo lịch Thái, năm nay trùng với ngày nguyệt thực.
Có rất nhiều địa điểm tổ chức nhưng San Pa Tong, Nam Bo Luang ở Chiang Mai được coi là nơi lớn và đông người tham dự nhất, nên số lượng đèn thả cũng nhiều nhất.
Khoảng 18h, du khách bắt đầu tới lễ hội. Mọi người sẽ phải mua vé từ trước và được cấp thẻ tham dự theo màu cũng như phân chia khu vực thả đèn. Trong gói vé sẽ bao gồm phí tham gia, đồ ăn uống, quà lưu niệm, hai thiên đăng và một krathong (hoa đăng) cho mỗi người.
Trong lúc chờ đợi có rất nhiều hoạt động cho du khách, mang đậm tính truyền thống của dân tộc miền bắc Thái như: điêu khắc, kết hoa, trình diễn nghề truyền thống, nhảy múa... Khách được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Chiang Mai.
Đến 20h lễ hội chính thức bắt đầu. Du khách tập trung quanh tháp trung tâm. Khoảng 4.000 khách được xếp ngồi xung quanh theo hình bát giác.
Đầu tiên là các màn trình diễn múa dân gian, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Lanna và lễ cầu may mắn cho mọi người. Không khí ngập tràn âm nhạc, ánh sáng... rộn ràng.
Sau 10 giây đếm ngược, hàng nghìn chiếc đèn đồng loạt bay lên trời trong tiếng vỗ tay vui mừng, pháo hoa rực rỡ. Hải An cho hay sự kiện này rất ấn tượng và nếu bạn có kế hoạch du lịch Thái Lan, nên sắp xếp lịch trình khám phá Chiang Mai hợp lý để có trải nghiệm này.
Ý nghĩa của lễ hội Yi Peng là sự gột tẩy những điều không may mắn, người thả đèn sẽ được nhận lại những điều tốt đẹp. Theo truyền thuyết, nếu những chiếc thiên đăng được thả bay cao và biến mất, đồng nghĩa với lời cầu nguyện đã được chấp nhận.
Sau một thời gian không thể tổ chức vì Covid-19, năm nay có rất nhiều du khách Việt và Tây tham dự. Ai nấy đều háo hức thắp đèn gửi lời nguyện ước rồi thả hoa đăng lên trời.
"Chứng kiến bầu trời đêm rực sáng với muôn ngọn lửa lơ lửng, những chiếc đèn theo gió cuốn lên cao mãi rồi chỉ còn một chấm sáng như sao, ai đứng trong không gian ấy cũng không khỏi hân hoan và choáng ngợp", Hải An nói thêm.
Vấn đề môi trường sau khi thả đèn hoa đăng được các nhà chức trách quan tâm. Người dân chuyển sang làm những chiếc đèn có thành phần thân thiện với môi trường để tránh gây ô nhiễm.
Sau khi lễ hội kết thúc, chính quyền và các tình nguyện viên thường tổ chức hoạt động vớt đèn để ngăn việc chúng có thể gây ảnh hưởng tới tuyến đường thủy.
Toàn cảnh của buổi lễ hội đèn trời 2022 tại Chiang Mai.
(Nguồn: Hải An, VnExpress, Thứ năm, 10/11/2022, 11:12 (GMT+7))