Trong thời gian ngắn, du lịch Khánh Hòa đã có 3 thị trường quốc tế mới được khai thác thành công, mang đến hy vọng cho việc phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.
Trong bối cảnh thị trường khách quốc tế truyền thống quy mô lớn bị đứt gãy, tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tìm kiếm thị trường mới thay thế. Ngày 15/6, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cùng với Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và Công ty TNHH Du lịch Amega tổ chức đón chuyến bay đầu tiên từ Uzbekistan. 140 hành khách, khởi hành từ thành phố Tashkent, Uzbekistan đã đến tỉnh Khánh Hòa sau 9 giờ bay. Các du khách đến từ vùng Trung Á được nghỉ dưỡng khoảng 10 ngày trên các đảo ở thành phố Nha Trang và khu vực Bãi Dài.
Các chuyến bay thuê bao (charter) giúp cho người dân Uzbekistan đi du lịch Việt Nam thuận tiện hơn, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí vì không phải trung chuyển qua nhiều sân bay như trước đây. Anh Moras - du khách từ Uzbekistan cho biết đây là lần thứ 2 anh đến Việt Nam: "Đến Nha Trang tôi cảm thấy biển Nha Trang rất đẹp, yên tĩnh. Tôi đã gặp gỡ người Việt Nam, họ rất tốt. So với chuyến bay trước đây phải qua Thái Lan, Malaysia, Dubai thì chuyến bay charter như lần này thuận lợi hơn rất nhiều”.
Sau Hàn Quốc, Singapore thì Uzbekistan là thị trường khách quốc tế thứ 3 có đường bay kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Trước mắt, doanh nghiệp lữ hành sẽ tổ chức khoảng 10 chuyến bay charter từ Uzbekistan đến Cam Ranh với tần suất 3 chuyến mỗi tháng. Để khai thác tốt thị trường mới, bà Đỗ Thị Hằng - Giám đốc Công ty du lịch Amega cho biết, doanh nghiệp sẽ tăng cường quảng bá điểm đến Khánh Hòa với du khách tại Uzbekistan. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp ở Khánh Hòa để làm tốt việc phục vụ theo phong tục, tập quán của du khách theo đạo Hồi.
Theo bà Đỗ Thị Hằng, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo điều kiện tốt hơn về mặt thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt là miễn visa để tạo thuận lợi cho du khách: “Chúng tôi đã phải báo trước cho khách sạn để mong muốn của khách được đáp ứng chi tiết, ví dụ cách thức giết mổ động vật theo phong cách của người Hồi giáo. Uzbekistan là một thị trường tiềm năng tốt nếu phát triển đúng hướng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện để đón được khách, nhất là chính sách visa, thủ tục nhập cảnh, giấy mời. Nếu có chính sách miễn thị thực là tốt nhất”.
Ông Lê Văn Nghĩa - Lãnh sự danh dự Cộng hòa Uzbekistan tại Việt Nam cho biết, Uzbekistan có khoảng 40 triệu dân, là quốc gia đang có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh. Vì thế, nhu cầu du lịch của người dân rất lớn. Với lợi thế biển, đảo, nếu như quảng bá, xúc tiến tốt cùng với việc tổ chức các đường bay thẳng thì tỉnh Khánh Hòa sẽ thu hút được rất đông du khách từ Uzbekistan.
Ông Lê Văn Nghĩa cho biết đây cũng là cơ hội để mở rộng sang các thị trường các quốc gia lân cận tại Trung Á: “Đây là thành công bước đầu, cơ sở để phát triển cho luồng khách mới. Khách từ Uzbekistan và các nước Trung Á bay qua Taskent rồi về Cam Ranh. Vì đất nước không có biển, về đây, họ được sống với không khí trong lành, rất hấp dẫn. Đường bay từ Uzbekistan đến Cam Ranh là đường bay rất tiềm năng, hi vọng sẽ phát triển để đạt được chuyến thường lệ”.
Trước đây, tỉnh Khánh Hòa từng đón 7 triệu lượt khách/năm, trong đó, có một nửa là khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Nga. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, tỉnh này đặt mục tiêu đón 1,4 triệu lượt khách. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch nội địa có tăng, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, do các thị trường quốc tế như Nga, Trung Quốc bị gián đoạn nên lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa vẫn rất ít.
Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, việc tìm kiếm các thị trường khách mới sẽ giúp tái cơ cấu khách du lịch, từ đó, các doanh nghiệp sẽ dần hồi phục. Sắp đến, tỉnh Khánh Hòa sẽ khai thác thị trường Ấn Độ là một thị trường có số dân đông, nhu cầu du lịch đang tăng.
“Thị trường Ấn Độ đang có nhiều tiềm năng. Với ngành du lịch Khánh Hòa, thị trường quốc tế phải phục hồi thì số lượng phòng mới lấp đầy như trước đây được. Do thị trường mới, lượng khách Ấn Độ cũng còn rất ít. Bây giờ chúng ta làm xúc tiến, có nghiên cứu về văn hóa của họ thì rất hi vọng thị trường Ấn Độ sẽ phát triển tốt hơn” - ông Phạm Minh Nhựt nói./.
(Nguồn: Thái Bình/VOV-Miền Trung, Thứ Năm, 06:01, 16/06/2022)