Năm 2022, thị trường du lịch nội địa hướng đến sự phục hồi mạnh mẽ, khi hàng loạt hoạt động kết nối, xây dựng hành lang an toàn giữa cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp đã diễn ra gần đây.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Bên cạnh giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch; mục tiêu của chương trình là khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn trong thời gian tới.
Kích hoạt 2 đầu cầu
Vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của 12 tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đã ký kết thực hiện các giải pháp phát triển du lịch an toàn giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch cũng tích cực triển khai mô hình hợp tác trên tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Phú Thọ, Hà Nội - Bình Định...
Trong bản ghi nhớ hợp tác, cơ quan quản lý du lịch 12 tỉnh, thành phố thống nhất cùng xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể và cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch các địa phương đưa khách đến địa phương mình tham quan, du lịch, bảo đảm thuận lợi về giao thông, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc "2 điểm đến, 1 hành trình xuyên suốt".
12 địa phương sẽ thống nhất xây dựng một bộ nhận diện cho các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour của các địa phương tham gia “Hành lang du lịch an toàn”; đồng thời thống nhất tuyến du lịch an toàn giữa các địa phương với mục tiêu khôi phục nhanh thị trường khách du lịch, trong đó lấy khách nội địa làm trọng tâm trong năm 2022. Theo ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng hành lang du lịch an toàn giữa Hà Nội và các địa phương là sự mở đầu cho kết nối, phục hồi du lịch nội địa giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với TP.HCM, trung tâm du lịch hàng đầu cả nước đã liên kết hầu hết các địa phương trong cả nước để phát triển du lịch, trong đó có khu vực chiến lược là 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vì lượng khách du lịch đến Tây Bắc luôn chiếm từ 20% - 23% trong cơ cấu khách nội địa của doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, năm 2022, việc mở thêm đường bay giữa TP.HCM và Điện Biên chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội để TP.HCM và vùng Tây Bắc khai thác khách du lịch hai chiều.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã làm việc với nhiều tỉnh, thành tại các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long (Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre) và miền Trung (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) để khôi phục các chương trình đã được ký kết thỏa thuận trước đây và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương này.
Giữ cho hành lang thông suốt
Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô đặt nhiều kỳ vọng phục hồi trong năm 2022, với mục tiêu đón 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách nội địa và 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu trên 27.000 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2022, Hà Nội sẽ đón khách nội địa theo mô hình du lịch an toàn, và chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế. Từ quý III/2022, tất cả các hoạt động, sản phẩm du lịch trên địa bàn Thủ đô sẽ được khôi phục và triển khai đón khách quốc tế.
Các doanh nghiệp cũng tin tưởng năm 2022 du lịch nội địa sẽ tăng trưởng với nhiều sản phẩm, điểm đến hấp dẫn. Đại diện Công ty Vietravel biết năm 2022 đơn vị này tiếp tục triển khai hàng loạt sản phẩm trong liên kết TP.HCM và Tây Bắc như "Về miền đất Tổ - cội nguồn dân tộc", "Bản hùng ca Tây Bắc", "Ngược dòng Đà giang", "Chinh phục Tứ đại đỉnh đèo"... với trải nghiệm đa dạng, mới mẻ.
Ông Đỗ Văn Thức - Phó giám đốc Công ty Đất Việt Tour cho biết hiện nay đa phần các tuyến du lịch nội địa tại miền Nam, miền Trung đã thông suốt. Doanh nghiệp này đã khôi phục hầu hết tuyến du lịch như trước thời kỳ dịch bệnh lan rộng, trong đó có khoảng 30 hành trình khắp 3 miền phục vụ du khách dịp Tết 2022. Nếu địa phương nào có ca nhiễm tăng cao thì đơn vị tổ chức tour sẽ cập nhật, điều chỉnh tùy theo quy định cấp độ dịch tại điểm đến đó.
Để tạo niềm tin cho du khách, lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai cho rằng các địa phương cùng bám sát theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ VHTT&DL. Các cuối tuần gần đây, Lào Cai đón trung bình 20.000 lượt khách, trong đó nhiều cơ sở lưu trú tại Sa Pa liên tục kín phòng. Khi đi du lịch Lào Cai, nếu khách là F0 thì tạm cách ly tại phòng riêng ở cơ sở lưu trú, sau khi khẳng định dương tính sẽ đến bệnh viện của tỉnh điều trị hoặc dùng xe y tế trở về địa phương, tùy nhu cầu của F0 đó. Tất cả chi phí này tỉnh Lào Cai sẽ hỗ trợ cho du khách.
Tại Hải Phòng, lãnh đạo Sở Du lịch Hải Phòng khẳng định tất cả chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào địa phương đã dừng hoạt động từ đầu tháng 12. Vì vậy hiện nay các đoàn khách du lịch có thể đến Hải Phòng thuận lợi. Các cơ sở lưu trú đã sẵn sàng đón tất cả du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm tại Hải Phòng.
Mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch Bình Định cho biết các doanh nghiệp tại địa phương đã mở cửa, chuẩn bị tốt cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và khí thế mới để đón khách dịp cuối năm 2021 và năm 2022. "Chúng ta cần cơ chế linh hoạt, chứ nếu tiếp tục hoảng hốt vì dịch bệnh thì mỗi địa phương và cả nước sẽ gặp khó khăn" - ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định nói.
Nhằm giữ cho hành lang du lịch thông suốt trong thời gian tới, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương rà soát, thống nhất các quy định về đi lại, tham quan, du lịch tại các điểm đến cụ thể để doanh nghiệp và du khách chủ động lên kế hoạch, tổ chức chuyến đi một cách an toàn, hiệu quả. "Cần tránh trường hợp vì quá khắt khe trong công tác phòng, chống dịch mà mất đi cơ hội phục hồi du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung".
(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Hai, 20/12/2021, 07:07 (GMT+7))