TST tourist

Du lịch Thanh Hóa "nín thở" chờ thời cơ

  • Thứ 3, 28/09/2021, 14:55 GMT+7
  • 580 Lượt xem

Đã bắt đầu có những tia hi vọng khi dịch dần được kiểm soát, một số khu du lịch được thí điểm đón khách. Với quan điểm muốn an toàn thì điểm đến phải an toàn, Thanh Hóa đã sẵn sàng khi thời cơ đến...

Covid-19 "cuốn theo" hàng nghìn tỷ đồng

Cuối tháng 4/2021, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương tổ chức lễ khai mạc mùa du lịch năm 2021 hoành tráng nhất trên cả nước. Như chiếc lò xo đang nén chuẩn bị bật ra thì dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh này phải dừng hoặc chưa được tổ chức; nhiều dịch vụ du lịch cũng bị dừng hoạt động.

1_60Đây là hình ảnh trong đêm khai mạc du lịch hè Sầm Sơn năm 2021 vào ngày 24/4 vừa qua - Ảnh: Thanh Tùng

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Thanh Hóa đón lượng khách ước đạt hơn 3,1 triệu lượt, tuy nhiên, con số này chưa bằng một nửa so với cùng kỳ của năm 2020 (giảm 51,5%) và so với kế hoạch đề ra của năm 2021 chỉ đạt 26,9%; kéo theo đó là tổng thu du lịch ước đạt hơn 4,6 nghìn tỷ đồng (giảm 46,4%) so với cùng kỳ 2020 và mới chỉ đạt 20,2% kế hoạch năm 2021.

Bên cạnh đó, còn nhiều con số khiến không ít người phải xót xa khi doanh thu về phòng nghỉ ghi nhận giảm khoảng 1.200 tỷ đồng; về ăn uống du lịch giảm khoảng 1.800 tỷ đồng; về mua sắm, vui chơi giải trí khoảng hơn 900 tỷ đồng...; công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 20-25%/năm, giảm hơn 50% so với các năm.

Khi thị trường du lịch đang rộng mở thì đợt dịch thứ 4 ập đến khiến các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn trong việc hủy tour, lùi tour; có hơn 260 đoàn với 13.200 khách báo hoãn, hủy tour, ước thiệt hại tiền đặt cọc dịch vụ lên đến hơn 48 tỷ đồng.

2_53Khi thị trường du lịch đang rộng mở thì đợt dịch thứ 4 ập đến khiến các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn trong việc hủy tour, lùi tour - Ảnh: Thanh Tùng

Khách ít, nhiều doanh nghiệp, khu, điểm du lịch, dịch vụ... tạm dừng hoạt động khiến toàn ngành du lịch Thanh Hóa trong 9 tháng đầu năm có khoảng 22.000 lao động bị mất việc làm; 9.700 lao động du lịch tạm thời nghỉ không lương, giảm giờ làm hoặc luân phiên trực.

Theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, ngoại trừ thời gian thực hiện giãn cách và dừng hoạt động theo quy định phòng, chống dịch Covid-19, các khu, điểm du lịch đã chủ động thích ứng trong việc đón khách đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Mặc dù vậy, lượng khách đến các khu, điểm du lịch giảm đáng kể, phần lớn là khách trong tỉnh và khách đi trong ngày. Một số ban quản lý khu, điểm du lịch đã tranh thủ thời gian này để đầu tư tôn tạo, chỉnh trang lại khuôn viên và đào tạo, bồi dưỡng lại nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đối tượng hướng dẫn viên du lịch.

3_41Thực tế lâu nay các khu, điểm du lịch vẫn mở cửa nhưng khách du lịch rất dè dặt - Ảnh: Thanh Tùng

Cũng theo bà Yến, thực tế lâu nay các khu, điểm du lịch vẫn mở cửa nhưng khách du lịch rất dè dặt, các khách sạn vẫn tham gia đón khách cách ly có trả phí. Hiện nay, ưu tiên trước hết vẫn là an toàn tính mạng cho nhân dân, du khách. Sở VH-TT&DL đang tham mưu những hoạt động chuẩn bị cho công tác quảng bá, xúc tiến theo kế hoạch về điểm đến an toàn, thân thiện.

"Mọi thứ đang được chuẩn bị phục hồi khi điều kiện cho phép. Muốn an toàn thì điểm đến phải an toàn, địa phương phải có vùng xanh", bà Vương Thị Hải Yến chia sẻ.

 "Nín thở" chờ thời cơ

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, hiện một số hoạt động vẫn đang dừng như quảng bá, xúc tiến những điểm đến tại đầu cầu có kết nối hàng không với Thanh Hóa. Để chuẩn bị mở cửa du lịch trở lại gắn với kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và nhân dân, ngành du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung vào kế hoạch triển khai chiến dịch phát động của Bộ VH-TT&DL cũng như của tỉnh Thanh Hóa.

4_39Du khách được đo thân nhiệt khi đến khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân - Ảnh: CTV

Trong đó, ưu tiên người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa; phối hợp với hãng hàng không chuẩn bị xúc tiến du lịch tại các địa phương có kết nối đường bay; tích cực chuyển đổi số trong phát triển du lịch; chuẩn bị phát động chiến dịch xây dựng "Thanh Hóa - điểm đến thân thiện".

Cùng với đó là công bố điểm đến, sản phẩm du lịch mới; gói kích cầu du lịch nội địa; hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để bổ sung sự thiếu hụt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các cơ chế, chính sách của Nhà nước theo quy định; định hướng cho các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, hướng đến các sản phẩm dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm, sinh thái, cộng đồng, chăm sóc sức khỏe…

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng nhằm đảo bảo mục tiêu kép, cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, Thanh Hóa đã nới lỏng các biện pháp, trong đó các khu điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch được đón khách du lịch trong tỉnh Thanh Hóa nếu đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch và không quá 50% công suất…

Khách và người trực tiếp hướng dẫn khách đến tham quan phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc PCR trong vòng 72h (xét nghiệm âm tính).

Các sân golf, sân tập golf được phép hoạt động trở lại, nhưng chỉ được phép phục vụ không quá 50% công suất và đảm bảo thực hiện với các điều kiện: Không đón khách ngoài tỉnh, không cung cấp dịch vụ ăn uống tập trung, xông hơi, massage, tắm công cộng…

Theo bà Vương Thị Hải Yến, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại Thanh Hóa đã và đang tích cực chuẩn bị nhân lực đón khách an toàn, chu đáo, đúng quy định. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng đã chủ động xây dựng các chương trình kích cầu, các sản phẩm dịch vụ mới, các hình thức cung ứng mới, tiếp thị mới… sẵn sàng cho việc đón khách trở lại trên cả nước và thế giới.

5_29Ngành du lịch Thanh Hóa đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, hướng đến các sản phẩm dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm, sinh thái, cộng đồng, chăm sóc sức khỏe… - Ảnh: Thanh Tùng

Hiện nay, một số địa phương trọng điểm du lịch như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa đã ưu tiên tiêm vắc xin cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn quản lý. Trong đó, tại thành phố Sầm Sơn đã tiêm vắc xin được gần 50%/số doanh nghiệp du lịch.

Theo ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trước mắt, các khu, điểm du lịch mở cửa đối với khách nội tỉnh. Tùy theo diễn biến sẽ tiếp tục có điều chỉnh theo hướng mở dần để thích nghi với trạng thái. Hiện địa phương đang trong trạng thái có điểm dịch, nên dù cho phép các hoạt động nhưng vẫn phải có kèm theo các điều kiện, khi nào trên địa bàn tỉnh hết điểm dịch sẽ giảm tiếp các điều kiện.

"Lâu nay Thanh Hóa không cấm tuyệt đối các khu, điểm du lịch nhưng hoạt động trong điều kiện kiểm soát về số lượng người. Mặc dù không cấm, không dừng hẳn nhưng hầu hết các tỉnh đều áp dụng, yêu cầu phải có thời gian cách ly, ít nhất là theo dõi tại nhà hoặc phải cách ly đó là những điều kiện ràng buộc, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch", ông Đầu Thanh Tùng cho biết.

(Nguồn: Trần Lê, Dân Trí, Thứ hai, 27/09/2021, 21:44 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc