TST tourist

Du lịch Vĩnh Long phát huy tiềm năng, vươn tầm khu vực

  • Thứ 2, 05/12/2022, 08:23 GMT+7
  • 596 Lượt xem

Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Vĩnh Long đang dần hồi phục, phát huy lợi thế, tiềm năng, thu hút đầu tư vào ngành “công nghiệp không khói” để vươn tầm khu vực.

  • Vượt đại dịch, phục hồi ngành du lịch

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Long, cho biết qua gần 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn lớn nhất về nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động. Giai đoạn dịch bệnh bùng phát, cùng với các địa phương trong cả nước, Vĩnh Long thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh, các hoạt động kinh doanh du lịch tạm dừng trong thời gian dài, không có doanh thu khiến các cơ sở không đủ trang trải chi phí duy trì cơ sở; hạ tầng xuống cấp; tour tuyến cũ bị đứt gãy phải xây dựng, kết nối lại sau dịch rất khó khăn.

Khách du lịch trải nghiệm tour du lịch miệt vườn ở cù lao An Bình (ảnh: NAM LONG)

“Điều quan trọng nữa là nhân lực lao động phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch phải ngừng việc khi dịch bệnh bùng phát, đến giai đoạn bình thường mới thì họ đã chuyển nghề gần hết, nhất là lực lượng hướng dẫn viên. Do đó, khi lượng khách tăng trở lại, các cơ sở gặp khó trong việc tuyển nhân sự có trình độ, kỹ năng nghề phù hợp để phục vụ khách...”, ông Giàu cho biết thêm.

Cũng theo ông Giàu, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch mở cửa trở lại, Sở VH-TT-DL Vĩnh Long đã phối hợp các ngành hỗ trợ kịp thời để phục hồi du lịch như: giảm giá điện; giảm 50% mức thu đối với việc cấp các loại giấy phép về du lịch, lữ hành… Qua đó, du lịch tỉnh phục hồi nhanh trong 6 tháng cuối năm 2022. Cụ thể, tổng lượt khách năm 2022 ước đạt 1 triệu lượt, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế ước đạt 5.500 lượt, tăng 180% so với năm 2021. Doanh thu đạt 480 tỉ đồng, tăng 155% so với năm 2021.

Hệ thống sông ngòi chằng chịt là thế mạnh của du lịch Vĩnh Long đang được các cơ sở triển khai (ảnh: NAM LONG)
  • Kêu gọi đầu tư, phát huy tiềm năng du lịch đặc thù

Giữa tháng 11.2022, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa TP.HCM và Vĩnh Long. Tại hội nghị này, tỉnh Vĩnh Long đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trao chủ trương đầu tư và chứng nhận đầu tư vào các dự án du lịch và thương mại tổng trị giá hơn 5.500 tỉ đồng vào 4 dự án du lịch, như: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông (TP.Vĩnh Long) diện tích 57,29 ha; Khu đô thị sinh thái, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí và du lịch Cồn Chim (TP.Vĩnh Long) diện tích 252 ha; “Di sản đương đại Mang Thít” tại các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (H.Mang Thít) diện tích 3.060 ha và Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL kết hợp du lịch giải trí (H.Vũng Liêm) diện tích 11,7 ha; 7 dự án thương mại ở TP.Vĩnh Long, TX.Bình Minh và 3 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít.

Du khách được xem và thưởng thức các sản phẩm đặc sản được chế biến tại chỗ và mua về làm quà (ảnh: NAM LONG)

Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, phát huy lợi thế sông nước miệt vườn sẵn có, bên cạnh sản phẩm du lịch homestay chủ lực, thời gian tới, Vĩnh Long sẽ phát triển sản phẩm du lịch làng nghề trên nền “Di sản đương đại Mang Thít”. Trước mắt thực hiện các phần việc phục vụ nhiệm vụ lập quy hoạch, phân khu chức năng, kêu gọi đầu tư. Sau đó sẽ đẩy mạnh truyền thông xây dựng hình ảnh “vương quốc gạch gốm đỏ huyền thoại” đặc thù và duy nhất trên dải đất chữ S, tạo dấu ấn khác biệt và gia tăng sự hào hứng tìm hiểu, tham quan của khách du lịch mọi miền.

“Di sản đương đại Mang Thít” gồm hệ thống lò gạch trải dài trên diện tích 3.060 ha là một tiềm năng du lịch cần được phát huy (ảnh: NAM LONG)

“Song song đó, Sở sẽ chú trọng gắn kết hoạt động du lịch với hoạt động nông nghiệp, chế biến nông sản. Cụ thể là xây dựng kênh phân phối nông sản đạt chuẩn, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch thông qua việc trưng bày, bán nông sản đạt chuẩn và sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch… nhằm đa dạng hóa dịch vụ mua sắm tại các điểm đến trong toàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đa phương thức; trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá trên mạng xã hội, cổng du lịch, tham gia các sự kiện trong, ngoài tỉnh”, ông Phan Văn Giàu nói về các giải pháp để đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển thời gian tới.
(Nguồn: Nam Long, Thanh Niên, 08:00 - 05/12/2022)

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc