Các đại lý lữ hành đang nỗ lực để theo kịp những thay đổi và chính sách mới của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19.
Erica Wilkinson, một đại lý du lịch (travel agent), cho biết nhiều nơi ở Mỹ đã tiêm vaccine Covid-19, ngành du lịch đang dần khởi sắc sau hơn một năm bị ảnh hưởng. Điều này khiến cô cảm thấy như trở lại những ngày đầu làm công việc này.
Wilkinson làm việc với 2 nhóm khách hàng chính. Công việc hàng ngày của cô là làm việc với các trường đại học để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến đi nghiên cứu, du học, thi đấu hay hội thảo với chi phí thấp và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, cô cũng tư vấn cho đối tượng khách hàng cao cấp và hưởng hoa hồng từ những người sẵn sàng trả phí khách sạn 350-12.000 USD/đêm.
Vào giai đoạn đầu của đại dịch, công việc của cô chỉ bao gồm hủy đặt chỗ và hoàn tiền cho khách hàng. Cô dành toàn bộ tháng 3-4/2020 để hoàn tác tất cả những chuyến du lịch đặt trước 6 tháng.
“Công việc kinh doanh của tôi tụt dốc 97% trong năm tiếp theo. Nhưng khi vaccine trở nên phổ biến, mọi thứ đang dần trở lại”, Wilkinson nói.
Những travel agent khác đều đang quá tải với lượng khách hàng tăng đột biến. Du khách liên hệ đặt lịch rất sớm khi chỉ mới tiêm những đợt vaccine đầu tiên. Lượng khách hàng nhiều đến mức chỉ trong 3 tháng, con số đã vượt những gì cô thường đạt trong một năm.
Tuy nhiên, làm việc với khách hàng khá giả luôn đi kèm với các tiêu chuẩn cao và tốn kém nhiều thời gian. Ngành công nghiệp du lịch bị thu hẹp trong thời gian đại dịch do nhu cầu giảm, nhưng sự tăng trưởng đột ngột khi các quy định giãn cách được nới lỏng khiến họ phải vật lộn với các vấn đề về nguồn cung.
Cụ thể, các công ty cho thuê ôtô đã bán lượng lớn xe trong năm 2020. Nhiều khách sạn phải vật lộn vì thiếu nhân viên. Các hãng hàng không thường xuyên hủy chuyển, thay đổi hành trình. Việc đặt một chuyến bay nội địa trở nên rủi ro, đường bay quốc tế lại càng khó khăn hơn.
Theo Wilkinson, cô dường như không còn biết bắt đầu từ đâu vì những thay đổi chóng mặt từ đại dịch. Cụ thể, một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã mở cửa trở lại nhưng các khu nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục đóng. Nhiều khu nghỉ dưỡng đã hoạt động nhưng họ lại tạm ngưng dịch vụ cho trẻ em hoặc spa. Những thay đổi chính sách mới của các hãng hàng không, quy định của các công ty lữ hành và bảo hiểm du lịch cũng khác đi.
“Tôi và các đồng nghiệp liên tục nhắn tin cho nhau để kiểm tra những thay đổi này”, Wilkinson nói thêm.
Việc tìm khu nghỉ dưỡng cũng trở nên khó khăn hơn, cô chỉ tìm được 3 khu còn trống trong số 81 địa điểm ở Caribe. Các khu sang trọng có mức giá tầm trung nay đã tăng giá tận 3 lần. Đây là những cú sốc về giá mà khách hàng đang phải đối mặt, cũng như những lo ngại trước bối cảnh đại dịch vẫn thay đổi đột ngột.
Những lo ngại này lại được đặt lên vai của các travel agent.
“Hay chọn những vùng núi? Hay là ở biển? Hoặc một cabin trong rừng để hạn chế tiếp xúc với người khác? Lựa chọn nào an toàn và ít tốn kém? Chúng tôi đang vật lộn để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này”, Wilkinson cho biết.
Tuy nhiên, mức hoa hồng cô nhận được rất thấp, chỉ 40 USD trên mỗi 1000 USD khách hàng trả cho khách sạn. Với tình hình hiện tại, cô phải tốn hàng chục giờ chỉ để hoàn tất một chuyến đi trị giá 2000 USD.
Wilkinson cho biết các travel agent chỉ được nhận hoa hồng sau một tháng hoặc khi chuyến đi của khách hàng đã diễn ra. Cô phải từ chối nhận thêm khách vì khối lượng công việc quá nhiều nhưng số tiền nhận được không tương xứng.
Điều này cũng xảy ra với các đồng nghiệp của Wilkinson. Họ đang nỗ lực để cải thiện chất lượng dịch vụ và thích ứng với những thay đổi hiện tại.
(Nguồn: Hải Triều (Theo Slate), Zingnews, Thứ sáu, 25/6/2021 09:48 (GMT+7))