Dịch bệnh và thiên tai vừa qua tại miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng đã tàn phá ngành, đưa ngành này về lại vị trí xuất phát sơ khai của những năm đầu, thúc đẩy quyết tâm tìm lối thoát.
Với lợi thế hai khu di sản thế giới văn hóa nổi tiếng là đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Quảng Nam đang được định vị là điểm đến của du lịch văn hóa nhiều hơn là thiên nhiên, dù cũng rất được thiên nhiên ưu đãi với núi, rừng, biển, sông ngòi vô cùng quý giá.
Đặc biệt, giá trị kết nối tự nhiên từ rừng, sông, ruộng, đến biển… đã tạo cho tỉnh này lợi thế về văn hóa sống bản địa để tạo dựng hệ sinh thái nương tựa vào tự nhiên để làm du lịch, chữa lành vết thương mà con người đã và đang làm tổn thương tự nhiên.
Cơ hội vàng để sửa sai
Đại dịch cũng làm cho xu hướng du lịch của du khách cũng thay đổi. Du khách nội địa có xu hướng đi gần, đến những nơi biệt lập để tìm lại những giá trị sống cân bằng.
Theo khảo sát của Agoda, du khách quốc tế cũng có xu hướng chuyển từ tìm kiếm những điểm du lịch nổi tiếng sang các điểm ít người biết, nhiều cảnh quan tự nhiên như núi, biển hơn là các thành phố.
Nhưng vấn đề làm sao phát triển kinh tế mà vẫn bảo tồn văn hóa, tái tạo lại tự nhiên, phát triển để đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai?
Ngành du lịch không thể làm thay để chữa lành tất cả, nhưng lại có thể là ngành tiên phong tạo ra xu hướng. Với những lợi thế bản địa sẵn có và xu hướng của khách du lịch thay đổi, ngành du lịch Quảng Nam cũng như miền Trung hoàn toàn có thể tạo một điểm đến xanh, du lịch bền vững trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Sản phẩm xanh cho tương lai xanh
Rất khó để dự đoán hị trường du lịch quốc tế sẽ quay lại khi nào. Nhưng chúng ta cũng khẳng định thị trường này sẽ quay lại khi đại dịch lắng xuống, thế giới có vaccine phòng bệnh.
Từ đây đến hết năm 2021, ngành du lịch các tỉnh miền Trung cũng phải tập trung hướng đến thị trường nội địa dựa trên những nguồn lực vốn có. Nhưng sức mua yếu ớt của thị trường nội địa sẽ không phủ lấp hết khoảng trống nguồn cung. Lúc này cũng là thời điểm vàng để ngành Du lịch Quảng Nam cũng như các tỉnh miền Trung có thời gian, trí lực để tập trung xây dựng lại sản phẩm du lịch cho mình hướng đến điểm đến xanh.
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam đã tiên phong tạo ra những sản phẩm xanh, như Silk Sense Hội An river resort, Four Seasons Resort The Nam Hải, Emic Hospitality, Rose Travel, An Villa…, các điểm đến cộng đồng như Chợ phiên Tân Thành, làng Rau Thanh Đông, Heal Organic farm, làng Bho Hoong…
Với sự hợp lực, hỗ trợ của SSTP (Tổ chức du lịch bền vững của Thụy Sĩ), Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã hoàn tất bộ "tiêu chí xanh" để trình Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam thẩm định, phê duyệt. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ sớm vận động doanh nghiệp ký kết đồng hành và tiến đến cấp chứng nhận xanh cho doanh nghiệp và điểm đến tại Quảng Nam
Kết nối du lịch xanh không chỉ là xu thế
Hà Nội, TP.HCM là hai thành phố thủ phủ kinh tế và chính trị của Việt Nam, hội tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu về du lịch, là điểm đầu kết nối của du khách, có sức mạnh về công nghệ, nguồn khách…
Việc sớm liên kết của 3 địa phương là tạo sức mạnh bổ sung cho nhau. Quảng Nam sẽ là nhà cung cấp những sản phẩm du lịch chất lượng, khác biệt, phù hợp với xu hướng của du khách cho Hà Nội và TP.HCM để đáp ứng nhu cầu trước mắt của khách nội địa và lâu dài là khách quốc tế quay lại sau này.
Kết nối với các hãng lữ hành tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác cũng là mục tiêu của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, muốn kết nối trực tiếp đến các nhà cung cấp địa phương. Thành lập mạng lưới du lịch trách nhiệm, du lịch xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn, thiết lập một chuỗi cung ứng cho thị trường du lịch chất lượng cho Quảng Nam và Việt Nam.
PHAN XUÂN THANH (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An)
Theo tuoitreonline, 11/11/2020 10:04 GMT+7