TST tourist

Đưa cà phê trở thành "đại sứ du lịch" Việt Nam

  • Thứ 2, 20/09/2021, 07:44 GMT+7
  • 561 Lượt xem

Ngành du lịch và cà phê vẫn còn rất nhiều cơ hội hợp tác chưa được khai phá. Hoạt động du lịch sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành cà phê, đồng thời câu chuyện văn hoá cà phê sẽ trở thành một điểm nhấn để thu hút du khách.

Cà phê nên là "đại sứ" để thu hút du khách

Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về sản lượng và chất lượng cà phê robusta. Rất nhiều công ty rang xay trên thế giới sử dụng hạt cà phê Việt Nam, tức là mỗi tách cà phê ngon mà người tiêu dùng thế giới đang thưởng thức đều có ít nhiều nguồn gốc từ Việt Nam. Thế nhưng ngành cà phê và du lịch chưa gắn kết chặt chẽ để mang lại lợi ích lớn và bền vững hơn.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc TNI King Coffee cho rằng ngành du lịch và cà phê vẫn đang còn rất nhiều cơ hội chưa được khai phá. Với số lượng lớn người trên thế giới đang yêu và đam mê cà phê, rất nhiều trong số đó sẵn sàng tới Việt Nam để tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của loại đồ uống đặc biệt này.

"Tại Việt Nam, quán cà phê xuất hiện ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn cùng cách phục vụ và thưởng thức đa dạng, mang đậm phong thái của từng vùng miền. Những cái tên như cà phê đen, cà phê sữa, cà phê chồn, cà phê trứng… đã tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực, định hình những phong cách cà phê của riêng Việt Nam mà thế giới đang dần biết đến và ngưỡng mộ. Chính vì thế, du lịch cà phê Việt Nam có thể phát triển với nhiều loại hình thú vị" - bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết.

TSTtourist-dua-ca-phe-tro-thanh-dai-su-du-lich-viet-nam-1Du khách trải nghiệm tại vườn cà phê. Nguồn: Phạm Hoài Nguyên Anh
Theo ông Phạm Hoài Nguyên Anh – nhà sáng lập thương hiệu Anh Coffee, thời gian gần đây các tour du lịch gắn với sản phẩm cà phê đã phát triển ở nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk. Tuy nhiên nhiều nơi sản phẩm du lịch vẫn còn đơn giản, ít trải nghiệm, chưa tận dụng được vị thế hàng đầu thế giới của cà phê Việt. 

Ông Phạm Hoài Nguyên Anh nói: "Nhiều năm qua, vườn cà phê mới chỉ là một điểm dừng trong hành trình du lịch, hướng dẫn viên đưa khách vào tham quan ở mức sơ lược, chụp ảnh, check-in, ngắm cảnh là chính. Vì thiếu trải nghiệm và dịch vụ đi kèm nên nguồn thu từ du lịch chưa cao. Chúng tôi đang xây dựng những tour chuyên biệt về cà phê, để khách có thể trải nghiệm văn hóa, tập quán sản xuất cà phê của người bản địa, từ lúc cây bắt đầu sinh trưởng tới khi trở thành một thức uống hấp dẫn".

Nhà sáng lập Anh Coffee cho rằng, với thương hiệu đã được nhận diện trên toàn cầu, cà phê Việt Nam có thể trở thành "đại sứ du lịch" giúp thu hút du khách đến Việt Nam để tìm hiểu nguồn gốc, giá trị, nét văn hóa đằng sau mỗi ly cà phê họ uống hàng ngày. Ngoài ra, ngành cà phê cũng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, thúc đẩy sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Du lịch cũng sẽ giúp cà phê Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng và giá trị, khẳng định vị thế và danh tiếng trên thế giới.

TSTtourist-TSTtourist-dua-ca-phe-tro-thanh-dai-su-du-lich-viet-nam-1Du khách tham gia tour du lịch cà phê tại Đắk Lắk. Nguồn: Phạm Hoài Nguyên Anh Đa dạng trải nghiệm cho tour du lịch cà phê
 
Vừa qua, Tổng cục Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến "Xây dựng và xúc tiến sản phẩm du lịch cà phê" để chia sẻ kinh nghiệm phát triển loại hình độc đáo này. Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội, nguồn lực để phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó có việc phát triển, khai thác lợi thế của thương hiệu cà phê để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách.
 
Giới thiệu về du lịch cà phê tại Việt Nam, ông Hà Văn Siêu nói: "Khu vực Tây Nguyên giàu văn hoá truyền thống, thiên nhiên hùng vĩ là nơi tập trung trồng và chế biến cà phê lớn nhất ở Việt Nam, hiện cũng đã hình thành những tour du lịch đưa khách tham quan nông trại cà phê, bảo tàng cà phê, thưởng thức nhiều loại cà phê đặc trưng... Hương vị cà phê Việt Nam độc đáo gắn với văn hóa đặc sắc sẽ làm thăng hoa những chuyến đi và lưu lại mãi trong lòng du khách".Kinh nghiệm từ Colombia cho thấy, các sản phẩm du lịch cà phê thành công nhờ gắn chặt với yếu tố văn hóa và cộng đồng bản địa, du khách được tham gia vào nhiều công đoạn với các trải nghiệm hấp dẫn. "Giá trị của tour du lịch nằm ở sự thông thái và khéo léo của mỗi người nghệ nhân, tạo thêm giá trị cho sản phẩm và kiến thức mới khiến du khách thỏa mãn và thích thú. Ngoài ra, việc tham quan vườn cà phê bản địa và tìm hiểu về cách sinh trưởng, thu hoạch, chế biến… theo lối truyền thống mang dấu ấn văn hóa sâu sắc, thúc đẩy giao lưu giữa du khách và người dân", bà Diana Rodriguez – chuyên viên marketing tỉnh Quindio, Colombia phát biểu tại tọa đàm.
TSTtourist-TSTtourist-dua-ca-phe-tro-thanh-dai-su-du-lich-viet-nam-3Chuyên gia giới thiệu cách ghép chồi cây cà phê cho du khách. Nguồn: Phạm Hoài Nguyên Anh
Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng giám đốc công ty Du lịch Đam San cho biết tại Đắk Lắk hiện nay, du lịch cà phê đang được xây dựng một hệ sinh thái để phát triển bền vững. Các doanh nghiệp du lịch đồng hành cùng người nông dân trồng, chăm sóc cà phê, tạo ra vùng nguyên liệu gồm hệ thực vật đa dạng. Du khách đến vườn cà phê được nghe kể chuyện và nhiều trải nghiệm khác để hoà mình vào thiên nhiên, hiểu về đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu tạo nên trái cà phê ngọt, chín mọng và hương vị riêng biệt. Các hoạt động trong tour được thiết kế để du khách cảm nhận cà phê bằng 5 giác quan gồm: nhìn, ngửi, nếm, chạm, nghe.
 

Một điểm đến mới trong hành trình cà phê tại Đắk Lắk là cơ sở chế biến Anh Coffee, nơi du khách hiểu thêm về quá trình sản xuất, học cách phân biệt, pha chế các loại cà phê và cách thưởng thức. Ông Phạm Hoài Nguyên Anh chia sẻ: "Chúng tôi giới thiệu cho du khách rất nhiều dòng cà phê khác nhau để mỗi người tìm ra hương vị phù hợp nhất, sau đó lưu lại thông tin, sở thích của khách cho dịch vụ hậu mãi. Những trải nghiệm được cá nhân hóa giúp chăm sóc khách hàng tốt hơn, cũng khiến cho du khách luôn nhớ về Đắk Lắk cả khi đã kết thúc tour du lịch".

(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Hai, 06:06, 20/09/2021)

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc