TST tourist

Dùng tiền đi du lịch thay vì tích lũy: “Trải nghiệm cũng là một dạng của cải”

  • Thứ 2, 21/11/2022, 09:13 GMT+7
  • 515 Lượt xem
Một số bạn trẻ quyết định dùng phần lớn thu nhập mỗi tháng của mình để du lịch, thay vì tích luỹ tài sản hoặc tiết kiệm. Liệu đây có phải là sự lựa chọn xứng đáng?

Hiện nay, một số bạn trẻ chia sẻ câu chuyện của bản thân về việc đầu tư hơn phân nửa số tiền lương mỗi tháng cho việc đi du lịch. Ngoài ra, họ cũng không ngại dành khoản lớn tiền tiết kiệm cho những chuyến đi thay vì mua sắm, đầu tư vào các khóa học… Điều này đã xảy ra tranh cãi, liệu lựa chọn trên là xứng đáng hay hoang phí tiền bạc và tuổi trẻ?

Yêu sự xê dịch và có thể đi 3, 4 nước trong một tháng

Anh Nguyễn Hoàng Anh Khoa (29 tuổi), ngụ ở P.2, Q.Tân Bình (TP.HCM) là chuyên viên truyền thông của một công ty có trụ sở tại TP.HCM. Anh đã đi hơn 30 quốc gia với số tiền chi ra cho việc du lịch đã có thể bằng giá trị một căn chung cư tại thành phố lớn.

Nguyễn Hoàng Anh Khoa cho biết việc đầu tư nhiều vào các chuyến du lịch giúp anh mang lại nhiều giá trị trong cuộc sống. Trong ảnh là anh Khoa đi du lịch tại Ấn Độ. (ảnh: NVCC)

Khoa chia sẻ: “Cách đây 10 năm, tôi có cuốn hộ chiếu đầu tiên. Sau đó vài ngày tôi bắt đầu chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Campuchia, một quốc gia giáp ranh với quê hương Tây Ninh của tôi. Chuyến đi đầu tiên đầy bỡ ngỡ nhưng cũng giúp tôi mở mang ra nhiều điều về thế giới bên ngoài. Và từ đó, tôi biết trong bản thân mình có niềm đam mê tìm tòi và khám phá rất lớn. Một số người sẽ bảo tôi nghiện du lịch, tôi thấy không sai. Mỗi người có một đam mê khác nhau, người mê sưu tầm tem, tiền cổ… Tôi thì yêu sự xê dịch và ở một số thời điểm tôi có thể đi 3,4 nước trong một tháng”.

Năm 2018, trước khi nhận việc với mức lương khá cao tại một công ty về lĩnh vực y tế, anh Khoa đã dùng hết phần thu nhập để dành trong 3 tháng để đến New Zealand, một quốc gia có chi phí khá đắt đỏ. Sau đó, anh nộp hồ sơ và đậu visa Schengen, thực hiện chuyến du lịch Trung Quốc - Châu Âu.

“Bên cạnh công việc toàn thời gian, tôi cũng nhận thêm các công việc bán thời gian khác để tăng thu nhập. Các đầu việc tôi thường làm thêm là giảng dạy truyền thông - marketing, tư vấn - xử lý các vấn đề liên quan đến truyền thông… Ngoài ra, có lẽ do bản thân mê việc nên bất kỳ ai trao cho tôi cơ hội công việc thì tôi cũng sẽ nhận mà không nề hà” anh Khoa tâm sự.

Anh Khoa cùng gia đình người Indonesia. (ảnh: NVCC)

Cũng giống như Khoa, để có chi phí đi du lịch, Nguyễn Thị Thảo Hiền (ngụ trên đường Phong Phú, P.12, Q.8, TP.HCM) đã làm cùng lúc 3 công việc bao gồm viết bài cho tạp chí, biên tập lỗi chính tả, viết quảng cáo... Trong năm 2022, Hiền đã đi Nepal, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… nhờ vào tiền tích luỹ và tiền lương mỗi tháng.

Chị Hiền cho biết: “Tôi chưa bao giờ hối hận khi dành một nửa số thu nhập hằng năm của mình cho những chuyến đi. Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Việc sống cùng ba mẹ khiến tôi phần nào đỡ chi phí hằng tháng. Tôi vẫn dành tiền cho gia đình, một ít tiêu xài cá nhân, còn lại dùng để đi du lịch. Theo tôi, đây là một cách đầu tư cho bản thân. Thông qua mỗi hành trình, tôi có những trải nghiệm, vốn sống và sự trưởng thành hơn”.

Có thêm nhiều năng lượng sáng tạo sau mỗi chuyến đi
Trong suốt 5 năm đi làm, Hiền chỉ có thể mua cho mình một chiếc điện thoại. Cô vẫn sử dụng xe máy cũ, quần áo cũng không thường xuyên mua sắm. Theo Hiền, bố mẹ ban đầu cũng than phiền về việc mình đi quá nhiều. Nhưng sau đó, Hiền đã thuyết phục gia đình bằng cách cho xem những hình ảnh, video… tại các vùng đất thú vị mà cô ghi lại được. Thấy con gái vui vẻ, hạnh phúc nên bố mẹ cô cũng xuôi theo.

Chị Hiền nói: “Tôi nhận ra mình vẫn là một đứa trẻ đầy bỡ ngỡ khi bắt đầu chinh phục những nơi xa lạ. Tôi đến Nepal, ngỡ ngàng trước một vùng văn hoá, tôn giáo đặc sắc. Tôi từng len lỏi vào ngôi làng đầy màu sắc ở Indonesia, thích thú khi biết đó là sản phẩm sáng tạo của sinh viên để “cứu” lấy khu vực bị ô nhiễm. Năm 2018, tôi bị tuột cảm xúc trong công việc nên nghỉ khoảng 1 tuần để đi Koh Rong Saloem (Campuchia). Trên hòn đảo ấy, tôi gặp một ông chú người Ý. Ông là người đã trao cho tôi những quan điểm thú vị. Ông nói rằng, thay vì phàn nàn, con hãy tìm hiểu lý do. Trở về sau mỗi chuyến đi, tôi thấy mình được tái tạo cảm xúc khá nhiều”. Hiền cho rằng, trải nghiệm cũng là một loại “của cải” vô hình mà cô có được.

Một khoảnh khắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà Thảo Hiền chụp được trong chuyến đi Nepal. (ảnh: THẢO HIỀN)

Còn với anh Khoa, bản thân anh đã có thêm rất nhiều năng lượng sáng tạo, thứ cần thiết cho công việc của mình, sau khi trở về từ mỗi chuyến đi: “Cách đây 7 năm, cũng trong một chuyến đi, tôi đã có thêm một gia đình tại Indonesia. Họ xem tôi như con nuôi trong gia đình của họ. Tôi được cơ hội tham gia vào đời sống thường ngày, cùng đi làm, ăn chơi và trò chuyện cùng cả nhà hằng đêm. Mỗi khi buồn vui trong cuộc sống thì họ như liều thuốc tinh thần. Với tôi đó là một tài sản vô hình mà không núi tiền nào so sánh được. Sau những chuyến du lịch, tôi cũng trở nên nhạy bén trong việc xử lý tình huống hơn” anh Khoa kể.

(Nguồn: Ngọc Ngân, Thanh Niên, 16:45 - 20/11/2022)

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc