TST tourist

Gần 3,6 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

  • Thứ 2, 04/05/2020, 19:15 GMT+7
  • 673 Lượt xem

Thế giới ghi nhận hơn 248.000 người chết vì nCoV trong gần 3,6 triệu ca nhiễm, một số nước bắt đầu nới phong tỏa sau khi qua đỉnh dịch.

212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 3.561.887 ca nhiễm và 248.084 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 83.735 và 3.623 so với hôm qua, trong đó 1.152.993 người đã hồi phục, theo thống kê của WorldoMeters.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 1.187.035 ca nhiễm nCoV, tăng 26.261 ca so với hôm trước. Thêm 1.115 người chết vì nCoV, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 68.559.

Nhân viên y tế bước ra từ một lều xét nghiệm nCoV ở thủ đô Moskva, Nga, ngày 2/5. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế bước ra từ một lều xét nghiệm nCoV ở thủ đô Moskva, Nga, ngày 2/5. Ảnh: Reuters.

Khoảng một nửa số bang tại Mỹ đã nới các biện pháp hạn chế để ngăn dịch bệnh lây lan từ 1/5, khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm hoặc đi ngang. Bang Texas cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần, các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại được mở cửa trở lại với 25% công suất. Tại Georgia, gần như mọi doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 164 người chết do nCoV, mức thấp nhất từ 18/3, nâng tổng số ca tử vong do nCoV lên 25.264, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Italy và Anh. Số ca nhiễm tăng 838 trường hợp lên 217.466. Số bệnh nhân hồi phục đạt 1.654 người, đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp số ca hồi phục vượt số ca nhiễm mới.

Giới chuyên gia y tế tin rằng Tây Ban Nha đã đi qua đỉnh dịch vào ngày 2/4 khi báo cáo 950 người chết vì nCoV trong vòng 24 giờ. Từ đó đến nay, số ca tử vong mới giảm dần.

Dân Tây Ban Nha được phép ra ngoài tập thể dục từ 2/5, sau 7 tuần phong tỏa. Tuy nhiên, giới chức Tây Ban Nha liên tục khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội.

Italy ghi nhận thêm 1.389 ca nhiễm và 174 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 210.717 và 28.884.

Italy áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5.

Anh là vùng dịch lớn thứ ba toàn cầu với 186.599 ca nhiễm và 28.446 người tử vong, tăng 4.339 và 315 so với hôm trước.

Lệnh phong tỏa ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. Anh dự kiến đánh giá công tác chống dịch vào ngày 7/5 và lộ trình nới các hạn chế sẽ được công bố vào tuần sau, khi nhiều người lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp "cách biệt cộng đồng".

Thủ tướng Boris Johnson nói Anh đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa. Chính phủ Anh hứng chỉ trích nặng nề từ phe đối lập vì sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Pháp xác nhận thêm 297 ca nhiễm và 135 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 168.693 và 24.895.

Pháp sẽ nới phong tỏa, cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.

Đức ghi nhận thêm 697 ca nhiễm và 54 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm và chết vì nCoV tại Đức lần lượt là 165.664 và 6.866. Giới chức Đức sẽ họp vào ngày 6/5 để quyết định việc mở lại trường học, nhà hàng và giải bóng đá.

Nước này từ 4/5 cho phép tổ chức tôn giáo, sân chơi, bảo tàng và sở thú mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo "các yêu cầu về vệ sinh, kiểm soát ra vào và tránh xếp hàng dài".

Nga báo cáo thêm 10.633 ca nhiễm nCoV, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người nhiễm lên 134.687. Thêm 58 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 1.280. Nga là vùng dịch lớn thứ tám thế giới.

Một số quan chức cấp cao Nga gồm Thủ tướng Mikhail Mishustin, Bộ trưởng Vladimir Yakushev và Thứ trưởng Dmitry Volkov dương tính với virus. Giới chức y tế Nga cảnh báo đợt bùng phát Covid-19 thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu năm nay.

Giới chức Nga đã triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn dịch lây lan từ cuối tháng 3. Tổng thống Vladimir Putin nói Nga có thể nới lỏng các hạn chế từ 12/5, tùy theo tình hình tại đại dịch, song yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì nghiêm ngặt cách biệt cộng đồng.

Tại châu Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất khu vực Mỹ Latin với 101.147 ca nhiễm và 7.025 ca tử vong, tăng lần lượt 4.588 và 275. Giới chức Brazil lo ngại số người chết vì nCoV có thể cao hơn báo cáo, trong khi các chuyên gia y tế tin rằng số ca nhiễm có thể cao hơn 12-15 lần do năng lực xét nghiệm bị hạn chế.

Mexico báo cáo 22.088 ca nhiễm và 2.061 ca tử vong, tăng lần lượt 1.349 và 89 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với các ca đã được xác nhận.

Mặc dù số ca nhiễm mới đang gia tăng, chính phủ Mexico hiện phải đối mặt với những lời kêu gọi nới lỏng các hạn chế đối với ngành công nghiệp. Hơn 300 giám đốc điều hành Mỹ đã viết thư cho Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador vào tuần trước để thúc giục nhanh chóng mở lại các nhà cung cấp của họ ở Mexico.

Tại Trung Đông, Arab Saudi ghi nhận 1.552 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 27.011 và 184.

Nước này đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, tuy nhiên, thánh địa Mecca vẫn giữ nguyên các biện pháp phong tỏa 24/7. Tại những nơi khác, người dân được phép ra khỏi nhà từ 9h đến 17h và nối lại một số hoạt động kinh doanh tới 13/5. Trung tâm thương mại, đại lý bán buôn và các công ty xây dựng cũng được hoạt động trở lại.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 564 ca nhiễm mới và thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 14.163 và 126.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 97.424 ca nhiễm, tăng 976. Nước này ghi nhận thêm 47 ca tử vong.

Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh. Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước. Chính quyền những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.

Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi cảnh báo xu hướng giảm số ca nhiễm có thể nhanh chóng bị đảo ngược nếu dân chúng bất cẩn trong thực hiện các khuyến cáo phòng chống dịch.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Nam Á, Ấn Độ phát hiện 2.806 ca nhiễm mới và 68 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 42.505 và 1.391. Giới chức chia đất nước thành các khu vực màu đỏ, cam và xanh, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch tại địa phương. Lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ hết hạn vào ngày 4/5, tuy nhiên, chính phủ đã quyết định gia hạn thêm hai tuần, nhưng cho phép nới lỏng một số hạn chế ở khu cam và xanh.

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.427 ca nhiễm nCoV, nâng số người nhiễm toàn khu vực lên 48.612, trong đó 1.635 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 18.205 ca nhiễm và 17 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 11.192 và 845. Philippines ghi nhận 9.223 người nhiễm nCoV và 607 người chết.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước chưa ghi nhận ca tử vong nào do nCoV.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, CNN, AFP), VnExpress; Thứ hai, 4/5/2020, 06:28 (GMT+7) 

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc