Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Yên Bái liên tục ghi nhận và phát hiện các khối đá khắc cổ trên địa bàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Sau 2 đợt nghiên cứu, bức màn bí ẩn của các vết điêu khắc trên đá đã dần được hé lộ.
Theo Bảo tàng tỉnh Yên Bái, đến nay, đã phát hiện và ghi nhận được 14 khối đá khắc cổ ở địa bàn các thôn Tà Ghênh, Xéo Dì Hồ, Hú Trù Lình và Hồng Nhì Pá của xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.
Các khối đá được khắc có kích thước khác nhau, khối chìm, khối nổi; hình thù cũng đa dạng, như hình mai rùa, hình trụ, hình quả núi, quả xoài… nhưng có điểm chung là ở vị trí có tầm quan sát rộng, một mặt phẳng và điểm điêu khắc ở mặt dễ nhìn thấy.
Theo những người già ở đây, những tảng đá điêu khắc này không biết có từ bao giờ, nhưng ngay từ khi còn nhỏ theo bố mẹ lên núi, lên nương đã thấy chúng có ở trong rừng, trong vườn nhà...
Theo nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Yên Bái và các cơ quan chuyên môn; các hình, vết chạm khắc trên đá nổi bật là đề tài hình ruộng bậc thang. Ngoài ra, còn có các phác họa khác như lưỡi rìu, lưỡi thanh đao, lưỡi gươm, bộ phận sinh dục phụ nữ, dao nhọn, mỏ chim… Các vết khắc còn khá rõ, nhưng cũng đủ cho thấy nó đã tồn tại từ lâu đời.
Các khối đá được phát hiện có khắc họa trên địa bàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải nằm cách nhau từ vài mét đến nửa cây số.
Tuy đề tài chạm khắc đơn giản, lặp đi lặp lại trên các khối đá lớn, nhưng nó cho thấy sự kỳ công, thể hiện chủ ý rõ ràng của tác giả.
Theo nhận định, các hình điêu khắc này không phải là ký hiệu cột mốc, họa địa đồ cổ, mà là “Bản thông điệp thiết kế ruộng bậc thang của người xưa để lại” hoặc “họa lại ruộng bậc thang trên đá” của người bản địa, khi người bản địa cảm nhận được vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang do mình tạo ra.
Theo phương pháp luận lịch sử, tộc người Mông ưa thích ở nơi khí hậu ôn đới, sống bằng nghề trồng trọt và săn bắn, hái lượm; họ cũng là tộc người thông minh, sáng tạo và thích du canh du cư, phát nương làm rẫy...
Nhưng khi diện tích rừng phát nương bị thu hẹp, sức ép dân số tăng, buộc họ phải sáng tạo ra phương thức sản xuất mới kết hợp với làm nương rẫy, đó có thể chính là ruộng bậc thang ra đời.
So sánh các bức họa khắc trên đá với ruộng bậc thang hiện tại đang được bà con người Mông ở đây canh tác, mở rộng, tạo thành một Danh thắng cấp Quốc gia đặc biệt và là nguồn thóc lúa nuôi sống hàng vạn người nơi đây, có thể nhận định ban đầu đây vừa là “Bản thông điệp thiết kế ruộng bậc thang” vừa là “họa lại ruộng bậc thang trên đá” của người xưa.
Ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết dân tộc Mông không phải là một dân tộc có truyền thống về lúa nước, mà chỉ có truyền thống về lúa cạn (làm nương rẫy), nhưng từ những nghiên cứu, có thể tạm khẳng định rằng các điêu khắc trên những khối đá cổ ở Mù Cang Chải là của tổ tiên người Mông để lại.
Cũng theo ông Khoa, để hiểu thêm ý nghĩa xác thực của các phác họa trên các khối đá khắc cổ này sẽ cần thêm sự nghiên cứu của các nhà khoa học để làm rõ cả niên đại và lĩnh vực dân tộc học. Tuy nhiên, nhận định ban đầu, chúng đã tồn tại từ khoảng 300 đến trên 450 năm.
Những đám ruộng bậc thang khắc trên đá nằm song song với ruộng bậc thang đào đắp tại một sườn đồi.
Việc phát hiện các khối, phiến đá khắc cổ kết hợp với Danh thắng cấp Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải chắc chắn sẽ bổ sung thêm vào thế mạnh ngành công nghiệp “không khói” của Mù Cang Chải, Yên Bái trong tương lai gần./.
(Nguồn: Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc, Thứ Sáu, 06:40, 11/02/2022)