TST tourist

Hai ngã rẽ trái ngược khi sống chung với Covid-19

  • Thứ 2, 19/07/2021, 15:34 GMT+7
  • 702 Lượt xem

Tuy cùng hướng tới “chung sống với Covid-19”, Anh và Singapore - 2 nước cùng có thành công bước đầu trong tiêm chủng - rẽ theo 2 hướng hoàn toàn khác nhau để đạt được mục tiêu ấy.

Singapore, đảo quốc 5,96 triệu dân, và Anh, nơi có 66 triệu dân, đã có những trải nghiệm và kết quả rất khác nhau sau hơn 18 tháng chống dịch.

Anh hiện có tổng cộng gần 129.000 ca tử vong vì Covid-19, trong khi đó con số này ở Singapore là 36 người. Ở Anh, cứ mỗi 100.000 người dân thì có 192 người chết vì virus corona. Tỷ lệ này ở Singapore chỉ là 0,63, theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins (Mỹ).

Chính phủ Anh từng bị nhiều người lên án là chậm áp dụng các biện pháp chống dịch như yêu cầu đeo khẩu trang và phong tỏa khi virus bắt đầu lây lan vào mùa xuân năm 2020.

Trái lại, Singapore mau chóng đóng cửa biên giới, thực hiện chương trình truy vết và xét nghiệm toàn diện, và sớm đặt ra yêu cầu cách ly với người nhập cảnh.

Cả 2 quốc gia này đang rẽ theo 2 hướng khác nhau để thoát khỏi đại dịch. Kế hoạch của Anh và Singapore nhiều khả năng sẽ được coi là phép thử cho các nước khác đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

1_25Đến nay, khoảng 66% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm chủng đầy đủ - Ảnh: Reuters

Anh dự định mở cửa ồ ạt

Tháng 6, chính phủ Singapore vén màn lộ trình của nước này hướng tới “bình thường mới” qua bài viết được đăng trên tờ Straits Times. Lộ trình này khác hẳn so với mô hình “0 ca Covid” mà Singapore áp dụng trước đó.

Thay vì cố giảm số ca mắc mới xuống còn 0, bài viết cho biết Singapore sẽ tập trung vào kết quả điều trị như “bao nhiêu người bệnh nặng, bao nhiêu người trong phòng hồi sức tích cực hoặc phải thở bằng máy…”. Nhà chức trách Singapore cũng hy vọng Covid-19 sẽ trở thành bệnh truyền nhiễm ít nghiêm trọng hơn, như cúm mùa hoặc thủy đậu.

Vài tuần sau, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng có tuyên bố tương tự và dự đoán rằng Covid-19 sẽ “trở thành loại virus mà chúng ta cần học cách sống chung, tương tự cúm”.

Đặc biệt, ông Johnson thông báo kế hoạch gỡ bỏ đa số giới hạn chống dịch tại Anh vào ngày 19/7, bao gồm yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Ông Johnson nói thành công trong chương trình chích ngừa Covid-19 của Anh đã phá vỡ mối liên hệ giữa số ca mắc và số ca bị nặng. Đến nay, khoảng 66% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm chủng đầy đủ.

Trong khi “cuộc sống bình thường” trở lại tại Anh, số ca mắc Covid-19 đã vượt mức 50.000 ca mỗi ngày. Ngày 16/7, Anh ghi nhận gần 52.000 ca mắc và 49 ca tử vong.

Động thái tái mở cửa của Anh đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ của ông Johnson ủng hộ việc mở cửa, nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng sức khỏe hàng triệu người sẽ bị đe dọa vì Anh chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Khoảng 17 triệu người tại đây chưa được tiêm chủng, trong đó có những người rủi ro cao.

2_24Một nhóm người dân Anh biểu tình phản đối việc Thủ tướng Boris Johnson kéo dài lệnh phong tỏa vào ngày 15/6 - Ảnh: Reuters

Hơn 100 bác sĩ và nhà khoa học tuần trước cảnh báo rằng động thái mở cửa chính quyền ông Johnson là quá sớm. “Sự lây lan không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng chủ yếu tới trẻ em chưa tiêm chủng và thiếu niên”, nhóm chuyên gia nhận định.

Chiến lược của Anh được cho là sẽ tạo ra “mảnh đất màu mỡ cho các biến chủng kháng virus xuất hiện”, từ đó làm nguy hiểm cho Anh và cho cả thế giới.

“Chúng tôi tin rằng chính phủ đang thực hiện thử nghiệm nguy hiểm, không phù hợp với đạo đức và kêu gọi hoãn kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp giảm thiểu vào ngày 19/7”, nhóm chuyên gia nói.

Ngày 12/7, Thủ tướng Johnson bảo vệ kế hoạch tái mở cửa và cho biết kỳ nghỉ học sắp tới sẽ là “hàng rào tự nhiên” để giảm thiểu sự lây lan virus giữa trẻ em. Ông Johnson cũng kêu gọi mọi người tự có tinh thần trách nhiệm và khuyến khích đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc chật chội.

Thái độ phụ thuộc vào tính tự giác cá nhân đã vấp phải chỉ trích. “Rất dễ để đổi trách nhiệm sang cho trách nhiệm cá nhân và đổ lỗi cho người dân” nếu số ca tử vong gia tăng, ông Watson nói.

Ông Watson cũng nhận định thật là “kinh khủng” khi chứng kiến Anh - một trong số ít quốc gia được tiếp cận rộng rãi vaccine - phung phí công cụ chống dịch này với hành động tái mở cửa sớm.

Singapore chọn con đường trung dung

Tiến sĩ Oliver Watson, một nhà nghiên cứu mô hình lây nhiễm Covid-19 thuộc Đại học Imperial College London (Anh), so sánh việc Anh dự định gỡ bỏ mọi giới hạn bất chấp dữ liệu với việc Singapore vẫn muốn kiểm soát số ca mắc.

“Việc Singapore dễ dàng siết giới hạn chống dịch để phản ứng trước các đợt bùng dịch khác hoàn toàn so với cách (chính quyền Anh) thực hiện”, tiến sĩ Watson nói.

Singapore đang ghi nhận trung bình 26 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày. Chính quyền chưa ấn định ngày cụ thể để tái mở cửa.

Trả lời Bloomberg ngày 9/7, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết con đường nước này này đi sẽ khác nhiều so với cách tái mở cửa ồ ạt của Anh.

“Tôi nghĩ điều chúng tôi muốn là đi con đường trung dung hơn”, ông Ong nói.

Bộ trưởng Ong cho rằng điều tối quan trọng là đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao trong khi vẫn duy trì “biện pháp kiểm soát và giảm thiểu”. Việc mở cửa của Singapore sẽ được tiến hành từ từ và “đảm bảo người dân được an toàn trong mỗi giai đoạn”.

Khác với Anh, lộ trình thoát khỏi Covid-19 của Singapore gặp phải rất ít phản đối, một phần do mức độ tín nhiệm cao vào chính phủ.

3_21Singapore vẫn muốn kiểm soát dịch dù đạt được thành công bước đầu trong chương trình tiêm chủng - Ảnh: Reuters

Một nguyên nhân đóng góp cho thành công chống dịch của Singapore là việc truy vết toàn diện và quyết liệt thông qua ứng dụng dùng công nghệ Bluetooth. Người dân muốn bước chân vào các cửa hàng và địa điểm tổ chức sự kiện bắt buộc dùng ứng dụng này.

Đến nay, khoảng 40% người dân Singapore đã tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ nước này dự kiến hoàn thành mục tiêu tiêm chủng 75% dân số vào ngày 9/8.

Tỷ lệ tiêm chủng cao đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch tái mở cửa của Singapore. Nhưng nhà chức trách nước này cũng không chắc họ có thể đạt mức 90-95% cần thiết cho miễn dịch cộng đồng hay không.

“Chúng tôi có thể đạt 80%, nếu may mắn”, ông Ong nói.

Ngoài ra, các biện pháp chống dịch sẽ không được gỡ bỏ chỉ sau một đêm. Tuy có số ca mắc thấp hơn ở Anh, Singapore vẫn giới hạn các đám đông dưới 5 người. Hiện, 43% người Singapore được tiêm chủng.

Trong khi đó, giới hạn đám đông trong nhà ở Anh vào tháng 6, thời điểm 40% người trưởng thành ở đã được tiêm chủng đầy đủ, là 30 người.

Khác với Anh, người được phép nhập cảnh vào Singapore chủ yếu chỉ là công dân hoặc người thường trú tại đây. Những người này phải cách ly 14 ngày tại nhà hoặc tại khách sạn. Bắt đầu từ tuần này, nhân viên ở các môi trường “rủi ro cao” như phòng gym, nhà hàng, và tiệm làm đẹp sẽ được yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 mỗi 2 tuần. Tại Anh không có quy định như vậy.

Chi tiết cụ thể trong lộ trình tái mở cửa của Singapore vẫn đang được soạn thảo. Nhưng theo Dale Fisher, giáo sư bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết khi nước này tái mở cửa, người dân có thể được tự do hơn trong việc đi lại và được cách ly tại nhà nếu đã tiêm chủng, thay vì tại cơ sở cách ly tập trung.

“Ý tưởng là chúng tôi không muốn siết quy định quá chặt, nhưng cũng không muốn 5.000 ca mắc sau một đêm”, giáo sư Fisher nói.

Mục tiêu kinh tế và sức khỏe không mâu thuẫn

Đảm bảo sức khỏe người dân và bảo vệ nền kinh tế không phải là hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau, các chuyên gia nhận định.

“Quyết định mở cửa ngay lúc này có vẻ như là rất tốt cho nền kinh tế, nhưng nếu hậu quả là một làn sóng ca bệnh nữa, vậy thì về lâu dài, đó có thể là quyết định sai lầm về kinh tế”, David Matchar, giáo sư thuộc Trường Y tế Duke-NUS (Singapore), trả lời CNN.

Ông Matchar cho rằng Singapore đang cố gỡ giới hạn dần dần để tránh cho bệnh viện bị quá tải và giúp nền kinh tế không bị sốc do phong tỏa toàn diện.

4_16Người dân Israel ăn mừng khi lệnh đeo khẩu trang ngoài trời được dỡ bỏ vào ngày 18/4 - Ảnh: Flash 90

Diễn biến dịch tại Israel - một trong các quốc gia đi đầu thế giới về tiêm chủng - thể hiện những rủi ro phía trước khi mở cửa. Sau khi gỡ bỏ đa số giới hạn chống dịch vào tháng 6, nhà chức trách Israel đã tái áp dụng yêu cầu buộc đeo khẩu trang vào ngày 25/6 sa khi số ca mắc tăng mạnh do biến chủng Delta dễ lây lan.

Tuy từng khẳng định việc gỡ bỏ giới hạn tại Anh là “không thể đảo ngược”, Thủ tướng Johnson cũng không loại trừ tái phong tỏa nếu xuất hiện biến chủng mới kháng vaccine.

“Thật là đáng tiếc” khi Anh không thể kiên nhẫn hơn một chút như Singapore, nhà nghiên cứu Watson tại Đại học Imperial College London, cho biết.

(Nguồn: Quốc Đạt, Zing news, 19/07/2021, 05:30 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc