Nằm ở vùng nông thôn Indonesia, các làng du lịch đưa du khách rời xa những ồn ào của thành phố và mang đến bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Du khách có thể khám phá những nền văn hóa mới và thưởng thức ẩm thực địa phương. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, các làng du lịch khẳng định được tính ưu việt khi là điểm đến ưa thích của nhiều du khách.
Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn giới thiệu với khách du lịch nước ngoài, đặc biệt những người yêu du lịch sinh thái đến những làng du lịch. Không chỉ đến để có những bức ảnh tuyệt đẹp, du khách còn có trải nghiệm ở làng du lịch, sống cùng người dân, mua những sản vật, sản phẩm sáng tạo của người dân, được ngắm những cảnh vật tự nhiên và văn hóa đặc sắc vùng miền… Đó là những gì Indonesia muốn giới thiệu”.
Có ít nhất 150 làng du lịch nằm trong khu vực được xác định 5 điểm đến "siêu ưu tiên" tại Indonesia. Với chính sách phát triển du lịch của chính phủ, số lượng làng du lịch đang không ngừng tăng lên, thuộc các hạng mục bao gồm khởi nghiệp, đang phát triển, đã phát triển và tự cung tự cấp. Làng du lịch khởi nghiệp chỉ những ngôi làng chưa phát huy hết tiềm năng du lịch, trong khi làng du lịch độc lập là nơi đã phát triển và tự cung tự cấp.
Theo kế hoạch phát triển trung hạn 2020 - 2024, Indonesia hướng đến mục tiêu có 244 làng du lịch được cấp phép làng du lịch độc lập. Với những người lái xe, các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ là người dân địa phương, Bộ Du lịch Indonesia và Kinh tế sáng tạo Indonesia cho rằng những ngôi làng du lịch này sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo ra nhiều việc làm, hướng tới mục tiêu du lịch phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia hiện tập trung vào ba khía cạnh chính trong việc phát triển mô hình làng du lịch, đó là đào tạo, hỗ trợ và khởi nghiệp.
Tiến sĩ Destha Titi Raharjana thuộc Viện Nghiên cứu Làng du lịch Indonesia (Tourism Village Institute) chỉ ra bài học thành công của làng du lịch Candijero ở miền Trung Java: “Đây là một mô hình làng du lịch tiên phong tại Indonesia, trong đó cộng đồng địa phương đóng vai trò chính cho sự thay đổi, là động lực khám phá ra những tiềm năng, nguồn lực sẵn có của địa phương, biến ngôi làng trở thành địa điểm giáo dục cho thế hệ trẻ. Ngôi làng cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, với các hạng mục đầu tư vào ngành nghề thủ công, ẩm thực và các sản phẩm sáng tạo khác".
Với những lợi thế của mình, ông Frans Teguh - người phụ trách phát triển các điểm đến và cơ sở hạ tầng thuộc Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia nhận định, sức mạnh của ngành du lịch Indonesia hiện nằm ở các làng du lịch. Điều cơ bản và quan trọng nhất là đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ. Giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần đổi mới, thích ứng và hợp tác là chìa khóa để khuyến khích một ngành du lịch bền vững và chất lượng hơn.
Hiện tại, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đang nỗ lực hiện thực hóa du lịch chất lượng và bền vững bằng cách thúc đẩy ba trụ cột phát triển du lịch Indonesia bao gồm: Sapta Pesona (cải tiến 7 khía cạnh của du lịch - an toàn, trật tự, sạch sẽ, mát mẻ, đẹp, hiếu khách và ấn tượng), CHSE (Sạch sẽ, Sức khỏe, An toàn và Môi trường bền vững) và dịch vụ xuất sắc. Ngoài việc thúc đẩy ba trụ cột của du lịch Indonesia, trong tương lai, hoạt động cũng sẽ bao gồm đào tạo về khởi nghiệp và tối ưu hóa tiềm năng các sản phẩm du lịch địa phương để mỗi làng có động lực phát triển kinh tế riêng./.
(Nguồn: Phạm Hà/VOV-Jakarta, Thứ Tư, 06:01, 15/06/2022)