TST tourist

Hồng không hạt - sản vật trên cao nguyên đá

  • Thứ 3, 27/09/2022, 15:15 GMT+7
  • 569 Lượt xem

Hồng không hạt Quản Bạ giòn, vị ngọt đậm, nhiều bột mịn và có mùi thơm đặc biệt, đang được phát triển nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Loại quả này từ lâu đã được nhiều người biết đến là đặc sản thơm ngon, gắn liền với con người và vùng đất Hà Giang, mang hương vị tươi mát của núi rừng. Khác với hồng không hạt ở các địa phương khác, hồng không hạt Quản Bạ thuộc loại hồng ngâm, giống bản địa, được đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y... trồng từ lâu đời.

Hồng không hạt Quản Bạ thuộc loại hồng ngâm, giống bản địa, được trồng lâu đời. Ảnh: HTX Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)

Như tên gọi, đây là loại quả không hạt, vỏ khi chín có màu vàng, tai to, nhiều bột cát, giòn, vị ngọt đậm nhưng không cứng và chát. Nếu đem ngâm nước, trái hồng này dù lâu đến mấy cũng không bị rụng cuống.

Hương vị thơm ngon của hồng không hạt Quản Bạ là nhờ đầy đủ yếu tố tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất cao nguyên đá. Vùng Quản Bạ có độ cao trung bình trên 1000m so với mực nước biển, địa hình khá bằng phẳng, vài nơi có độ dốc khoảng 20 độ, tầng đất dày, ít bị xói mòn. Bên cạnh đó, khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ cùng nguồn nước sạch dồi dào, rất thích hợp để phát triển hồng không hạt chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định.

Theo người dân huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), thời gian phù hợp để trồng giống hồng không hạt thường vào mùa xuân, khoảng từ giữa tháng 2. Công đoạn ươm mầm quan trọng nhất vì cây mới nảy mầm chỉ cao khoảng 5-7cm, sức đề kháng còn yếu. Những cây non sẽ được chăm sóc, vun trồng đến khi trưởng thành. Sau khoảng từ 2 đến 3 năm, những cây non sẽ bắt đầu ra hoa. Từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm là mùa hồng chín để thu hoạch.

Sau khi thu hoạch, người dân sẽ ngâm ngập hồng trong nước sạch 3-4 ngày, mực nước cao khoảng 15-20cm để cho ra hết nhựa chát và chuyển sang vị ngọt thanh. Tiếp theo, bà con nông dân vớt hồng ra để ráo nước rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Vào những tháng 9,10,11 hàng năm, du khách khắp nơi thường đổ về Hà Giang để được thưởng thức đặc sản hồng không hạt Quản Bạ. Thời điểm này, lá đã dần rụng hết, để lộ những quả chín mọng, trĩu nặng khiến nhiều người thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng tại các vườn hồng. Du khách còn có thể trải nghiệm hái hồng cùng người dân, tự tay chọn những quả tươi ngon nhất trên cây để mua.

Hái hồng cũng cần đúng cách, nếu hái bừa sẽ không ngon, bị chát. Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, hiểu được đúng độ của hồng mới được hái. Hái xong sẽ ngâm liền hồng vào nước sạch để quả nhả hết phần nhựa chát bên trong, lúc thưởng thức mới tròn hương vị. Bởi vậy, khách trải nghiệm hái hồng khi ngắm cảnh cần tìm hiểu kinh nghiệm từ người dân bản địa.

Cây hồng không hạt tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân địa phương. Ảnh: Đài PT-TH Hà Giang

Bên cạnh giá trị du lịch, hồng không hạt còn là thế mạnh kinh tế của huyện Quản Bạ nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Hiện nay, tổng diện tích hồng không hạt tại đây là 249 ha, diện tích thu hoạch khoảng 100 ha. Tỉnh quy hoạch vùng trồng cây hồng không hạt tại 5 xã, thị trấn: Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn, Thanh Vân, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Tuy nhiên, chỉ 2 hợp tác xã được cấp sử dụng chỉ dẫn địa lý là Hợp tác xã hồng không hạt Quản Bạ và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Thuận.

Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu là do điều kiện địa lý mang lại. Chính vì yếu tố này, các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ dễ dàng nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Mặt khác, việc áp dụng bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn giúp ngăn ngừa và chống lại các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất đi giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Việc phát triển cây hồng không hạt thời gian qua đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân, trong đó nhiều hộ có thu nhập trên 20 triệu đồng, một số hộ thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi tháng. Hàng năm, sản lượng hồng không hạt trên địa bàn huyện đạt trên 400 tấn, với doanh thu trên 11 tỷ đồng

Theo lãnh đạo huyện Quản Bạ, nhiệm vụ đến năm 2025, địa phương sẽ trồng mới cây hồng không hạt trên 270 ha, nâng tổng diện tích lên 500 ha. Trong đó, 100 ha sẽ đạt tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP. Huyện cũng chăm sóc diện tích trồng mới, cho thu hoạch, cải tạo diện tích già cối, đưa năng suất hồng không hạt Quản Bạ từ 60 tạ/ha lên 80 tạ/ha. Đồng thời, huyện sẽ quản lý hiệu quả thương hiệu sản phẩm và phát triển thêm các sản phẩm mới như mứt hồng, hồng sấy... để đáp ứng nhu cầu thị trường.

(Nguồn: Thanh Thư, VnExpress, Thứ ba, 27/9/2022, 14:00 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc