Sau mùa cao điểm khách nội địa tăng mạnh, Quảng Nam lên kế hoạch hút khách bằng nhiều sản phẩm mới, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp du lịch xanh, bền vững...
Cao điểm tháng 7-8, anh Nguyễn Tuấn Minh - hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành ở Quảng Nam chưa có ngày nghỉ vì liên tục "chạy tour". Thị trường du lịch khởi sắc trở lại sau hơn 2 năm bùng dịch.
"Khách đặt tour Quảng Nam tại công ty tôi trong suốt mùa hè tăng kỷ lục. Không chỉ đến Hội An, nhiều du khách còn đặt tour đến các điểm du lịch mới nổi ở khắp tỉnh", anh Minh cho hay.
Du lịch tăng trưởng mạnh mùa cao điểm
Không riêng công ty anh Minh, nhiều doanh nghiệp lữ hành và cung cấp dịch vụ du lịch tại Quảng Nam cũng khởi sắc trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, 9 tháng đầu năm, tổng số lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn của tỉnh ước đạt gần 4,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 411.000 lượt. Chỉ riêng trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 190.000 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất sử dụng phòng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 75-80%.
Khách du lịch tăng nhanh kéo theo các ngành kinh tế khác như hàng không, dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, bán hàng lưu niệm phát triển, riêng dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 9 tháng tăng trên 33%. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 6.600 tỷ đồng.
Hiện tại, Hội An vẫn là điểm đến hút khách nhất. Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến Hội An là 487.000 lượt. Bên cạnh đó, các điểm đến được du khách ưa chuộng vẫn là rừng dừa Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà và Cù Lao Chàm.
Nỗ lực phát triển du lịch bốn mùa
Ngành du lịch tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng cho Quảng Nam, nhất là khi tỉnh đang đăng cai "Năm du lịch quốc gia 2022". Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực cho những tháng cuối năm, khi không còn mùa cao điểm du lịch của khách nội địa.
Từ trước đến nay, Quảng Nam vốn nổi tiếng với hai di sản - Phố cổ Hội An, Mỹ Sơn cùng thiên nhiên ưu đãi - bờ biển dài đẹp và Cù Lao Chàm nguyên sơ. Bên cạnh hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí tại điểm đến, du lịch nghỉ dưỡng ven biển vẫn là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến Quảng Nam. Tuy nhiên, ngành dịch vụ này lại khó khai thác khi địa phương bắt đầu bước vào mùa mưa bão.
Bài toán phát triển du lịch bền vững, đủ sức đón khách suốt bốn mùa được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặt ra và nỗ lực thực hiện nhiều năm qua. Từ việc đăng cai "Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022", tỉnh tích cực triển khai hàng loạt sự kiện, chương trình hợp tác, kích cầu, khuyến mãi để thu hút du khách trở lại, đặc biệt là khách quốc tế.
Đầu tháng 10, tỉnh cũng kết hợp cùng Tổng cục Du lịch, Quỹ Phát triển Du lịch tổ chức "Diễn đàn Du lịch Mekong 2022" tại khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana với gần 130 đại biểu đến từ 5 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong (ngoại trừ Trung Quốc). Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên tại Quảng Nam kể từ dịch Covid-19 và nằm trong chuỗi hơn 60 sự kiện của tỉnh trong "Năm Du lịch Quốc gia 2022".
Tại hội nghị, ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hoiana chia sẻ: "Trong thời gian qua, Quảng Nam đã nỗ lực phục hồi và thúc đẩy du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch địa phương. Để hút khách quốc tế vào cuối năm, Hoiana cũng tích cực triển khai các chương trình truyền thông tiếp thị "may đo" riêng cho từng thị trường, không chỉ riêng Đông Nam Á mà còn sẵn sàng đón khách khi thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nóng trở lại".
Hướng đi đa đạng cho sản phẩm du lịch tại Quảng Nam
Tại Quảng Nam, nhiều sản phẩm du lịch mới được đầu tư và khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa dịch vụ dành cho du khách. Trong đó, có thể kể đến du lịch golf kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, các sân golf tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng có thể đón khách quanh năm và là một trong những điểm đến hấp dẫn với thị trường quốc tế.
Hoiana Shore Golf Club thuộc khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana là sân golf 18 hố đạt chuẩn championship quốc tế mới nhất tại khu vực miền Trung. Với nhiều giải thưởng uy tín, sân golf được lựa chọn là nơi đăng cai sự kiện quốc tế "Hội nghị golf châu Á - Thái Bình Dương (APGS) lần thứ 14" với sự tham gia của nhiều diễn giả ưu tú ngành golf toàn cầu sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 này.
Trong một bài viết trước đây, ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, từng chia sẻ, Quảng Nam có dư địa để phát triển kinh tế đêm. Xuất phát từ nhu cầu của chính du khách, các hoạt động giải trí về đêm muộn sẽ thu hút thêm nhiều dòng khách, thúc đẩy tiêu dùng và mức chi tiêu trên mỗi đầu khách.
Một trong những ý tưởng thực tế và có thể thực hiện được trong tương lai được ông Sơn nêu ra là phát triển từ khu vực phía Nam cầu Cửa Đại, trong đó lấy khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana làm điểm nhấn và phát triển dọc theo trục đường về hai phía: Hội An và khu du lịch bên bãi biển Bình Minh. Với nhiều hoạt động giải trí đa dạng, đặc biệt là sự xuất hiện của khu vui chơi có thưởng Hoiana, có quy mô đầu tư lớn cùng nhiều trang thiết bị giải trí hiện đại theo tiêu chuẩn G7 và 4 khách sạn sang trọng do tập đoàn Rosewood Hotel Group quản lý, khu vực này hoàn toàn có thể lột xác thành một "Fremont Street Experience" của Las Vegas.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với những lợi thế về phát triển du lịch cùng tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan và sự năng động của doanh nghiệp, Quảng Nam sẽ sớm đánh thức được tiềm năng sẵn có. Nơi đây có thể trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế và luôn có những "món ăn tinh thần" đặc sắc, biến hóa linh hoạt theo mùa vụ và sẵn sàng chào đón khách du lịch vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
(Nguồn: Tâm Anh, VN Express, Thứ hai, 31/10/2022, 14:00 (GMT+7))