Nửa cuối tháng 7, châu Âu phải đối mặt với những trận nóng kỷ lục, khi nhiều nơi nhiệt độ ngoài trời vào ban ngày chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C như Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Người dân và khách quốc tế đến châu Âu đợt này có xu hướng đổ xô đến các bãi biển, hồ nước, công viên có bóng râm hoặc hai bên bờ sông để tránh nắng, nóng.
Tuy nhiên, với du khách Việt, những người vốn quen thuộc với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, những ngày nhiệt độ lên cao hơn 40 khá nhiều nên cảm thấy không bị ảnh hưởng. "Tôi quen với nhiệt độ ở Việt Nam rồi. Nên cũng thấy bình thường", anh Nguyễn Tất Thịnh cho biết.
Mùa hè năm nay, anh Thịnh vừa có chuyến du lịch 60 ngày, qua 16 quốc gia, ghé thăm 22 di sản được UNESCO công nhận tại châu Âu. Những vị khách Việt đi cùng đoàn với anh cũng có chung nhận định. Họ đều cảm thấy cái nóng ở châu Âu "vẫn dễ chịu", hoặc "giống như ở Việt Nam", nên không bị ảnh hưởng nhiều tới chuyến đi.
"Không nóng như ở Việt Nam đâu, vì ở châu Âu cứ vào bóng râm là đỡ và buổi đêm vẫn mát. Mùa hè ở đây tầm 21-22h trời mới tối. Ban ngày dù nhiệt độ 35 độ C, ban đêm chỉ khoảng 20 độ C và vẫn phải đắp chăn. Tại Prague, vào tháng 7 mà sau 12h nhiệt độ mới bắt đầu tăng. Những hôm nóng, tôi thường cùng bạn bè đi uống bia. Các quán bia thường rất đông khách du lịch dịp này", anh Thịnh nói.
Nguyễn Hằng Phương, đang ở Đức, cũng có chung nhận định về việc nắng nóng ở châu Âu không quá đáng sợ, đối với du khách Việt. "Tôi không biết những nơi khác nắng ra sao, nhưng ở Đức dù 36-38 độ, tôi vẫn chịu được. Hơn nữa, Đức không bị nắng nóng kéo dài quá lâu. Nhiệt độ cao chỉ diễn ra trong vài ngày, rồi dịu xuống tầm 30 độ C. Do đó, tôi vẫn tranh thủ đi du lịch khắp nước, và không gặp nhiều trở ngại gì về nhiệt độ", Phương nói.
Hà Diệu Linh, vừa có chuyến đi Paris, Pháp. Linh đi đúng dịp cao điểm du lịch và nắng nóng. Tuy nhiên, do chuẩn bị kỹ càng, cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi cái nắng ở Paris, dù có ngày nhiệt độ lên đến 41 độ C.
Người Việt vốn quen với mùa hè nắng nóng, ở một số vùng miền thậm chí còn khắc nghiệt, nên khi sang châu Âu, mọi người đều không bị cảm thấy sốc nhiệt. Dù vậy, Linh vẫn lưu ý mọi người có ý định đi chơi dịp này nên chuẩn bị mũ, nón, kem dưỡng chống nắng đầy đủ. "Nắng ở châu Âu nhanh gây đen, sạm da lắm. Và hãy chuẩn bị thêm một bình nước nhé. Thời tiết ở đây là nóng khô, nên khi di chuyển để tham quan rất nhanh khát nước. Bạn dễ bị mất sức hơn nếu không được tiếp nước thường xuyên", Linh nói.
Chị Lý Việt Hà vừa có chuyến đi Tây Ban Nha vào đúng đợt cao điểm nắng nóng tại châu Âu, từ 15 đến 19/7. Chị nói dù khách Việt đã quen với cái nóng, vẫn nên cẩn thận khi đi dịp này. Chị lưu ý mọi người hai điều. Một là nên uống nước thường xuyên. "Tại các nước xứ nóng thuộc khu vực nam Âu, chính phủ vẫn khuyến cáo người già nên uống nhiều nước để tránh đột quỵ trong những ngày nhiệt độ cao".
Điều thứ hai là mọi người khi đặt phòng khách sạn nên chú ý đến điều hòa nhiệt độ. Các nước châu Âu không chỉ hộ dân, mà các khách sạn ít lắp điều hòa. Lý do là lâu nay mùa hè vẫn mát. Càng các khách sạn cũ, cổ càng ít nơi có và thường chỉ có khách sạn 4-5 sao mới có điều hòa nhiệt độ. Do đó, bạn nên chọn những nơi có điều hòa để ngủ ngon.
Hè năm nay, châu Âu hứng chịu những đợt nắng nóng "như địa ngục", theo nhận xét từ Reuters. Cơ quan khí tượng Anh hôm 15/7 lần đầu ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, khi nhiệt độ ở một số khu vực tại nước này được dự báo lần đầu tiên chạm mức 40 độ C. Pháp cũng đang đối mặt đợt nắng nóng cao điểm từ Địa Trung Hải tới Brittany ở tây bắc. 15 khu vực đang được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất vì nhiệt độ cao. Nhiệt độ ở miền tây nước Pháp dự kiến từ 38 đến 40 độ C. Ở Tây Ban Nha, có ngày nhiệt độ lên đến 49 độ C.
(Nguồn: Phương Anh, VnExpress, Thứ sáu, 22/7/2022, 12:22 (GMT+7))