TST tourist

Khám phá Bạc Liêu qua 9 điểm đến nổi tiếng

  • Thứ 2, 30/05/2022, 14:08 GMT+7
  • 828 Lượt xem

Dưới đây là kinh nghiệm check-in 9 điểm tại Bạc Liêu trong hai ngày một đêm với phương tiện di chuyển là xe máy.

Bạc Liêu là điểm đến thích hợp cho du khách từ TP HCM và Cần Thơ vào cuối tuần. Đây là nơi ghi dấu ấn với giai thoại Công tử Bạc Liêu, những giai điệu của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và những ngôi chùa Khmer.

Dương Nhựt Long, 28 tuổi, chia sẻ về lịch trình khám phá Bạc Liêu hai ngày một đêm bằng xe máy, khởi hành từ TP HCM. Do thời gian có hạn, Long chọn 9 điểm check-in nổi bật để tham quan. Anh xuất phát từ TP HCM sáng sớm, mất 7 tiếng chạy xe để tới Bạc Liêu, ăn sáng ở Trà Vinh để nghỉ giữa chừng. Thời gian đi phà từ Trà Vinh đến Sóc Trăng cũng là quãng thời gian để nghỉ ngơi.

Chùa Ghoshitaram, chùa Xiêm Cán, Điện gió Bạc Liêu, Phước Hải cổ miếu

Chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu

Chùa Ghoshitaram là điểm mà Nhựt Long ấn tượng nhất trong hành trình

Nhựt Long chụp trước Phước Hải Cổ Miếu

Địa điểm đầu tiên mà Nhựt Long check-in là chùa Ghoshitaram hay có tên gọi khác là chùa Cù Lao. Ngôi chùa có tông màu chủ đạo là đỏ, vàng cùng nét kiến trúc đậm màu sắc Khmer nên lên ảnh rất nổi bật. Sau đó, anh di chuyển về trung tâm thành phố ăn trưa. Thay vì ăn xong về khách sạn nghỉ trưa, Long tiết kiệm thời gian bằng cách tiếp tục di chuyển tới chùa Xiêm Cán.

Chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu. Ngôi chùa có từ thế kỷ 19 với những họa tiết, đường nét chạm trổ, điêu khắc độc đáo. Cách chùa Xiêm Cán không xa, khoảng 5 phút chạy xe là Điện gió Bạc Liêu. Tại đây, Nhựt Long cảm nhận rõ không khí buổi trưa ở Bạc Liêu, "đầy nắng và gió". Sau đó, anh về nhận phòng khách sạn để nghỉ ngơi. Trên đường về, Long đi qua Miếu Cá Ông (Phước Hải Cổ Miếu) Nhà Mát. Du khách nếu vào lễ có thể chiêm ngưỡng nhiều bức tranh dân gian sống động khắc họa thế giới đại dương như các binh tôm, tướng cá...

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quan Âm Phật Đài, Quảng trường Hùng Vương

Nhựt Long chụp ảnh lưu niệm trước tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Sau khi nghỉ ngơi, Long tiếp tục lên đường tới khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của tác giả Dạ cổ Hoài Lang nổi tiếng vùng Nam Bộ. Du khách được nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ông, quá trình phát triển nghệ thuật từ bản Dạ Cổ.

Long tiếp tục di chuyển tới Quan Âm Phật Đài hay Phật Bà Nam Hải khi bắt đầu hoàng hôn. Tượng Phật Bà cao 11 m, được xây dựng năm 1973, hướng về biển Đông để phù hộ và che chở ngư dân đang mưu sinh ngoài biển khơi. Long chia sẻ, dù chập tối nhưng dòng người hành hương vẫn còn rất đông.

Dòng người đổ về hành hương tại Quan Âm Phật Đài

Sau đó, Long trở lại khách sạn nghỉ ngơi, tắm rửa để đi ăn tối. Anh chọn bún nước lèo Hồng Đào tại vòng xoay Lê Duẩn, phía sau Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu cho bữa tối. "Mùi vị nước lèo đậm đà vừa ăn, nhân thịt cá kha khá, nước chấm của quán làm khá ngon", Long chia sẻ.

Ăn xong, Long chạy xe máy quanh trung tâm thành phố. Buổi tối Bạc Liêu đông vui, náo nhiệt. Anh ví quảng trường Hùng Vương đông đúc, tấp nập không thua kém phố đi bộ Nguyễn Huệ của TP HCM.

Nhà công tử Bạc Liêu, nhà hát Cao Văn Lầu

Long ăn sáng với bún bò cay quán Ánh Nguyệt. Đây là đặc sản theo anh không có gì ấn tượng. "Mình nghĩ giống món bò kho nấu loãng xong cho sa tế ớt nhiều nên cay, nước dùng có vị thanh, hơi loãng, không đậm đà. Trong phần rau không có giá nên ăn thấy hơi thiếu", Long nhận xét. Tuy nhiên, điểm cộng của quán là cô chủ nhiệt tình, phục vụ nhanh.

Sau khi ăn, Long di chuyển tới nhà Công tử Bạc Liêu. Du khách đến tham quan còn có dịp nghe kể về cuộc đời của công tử giàu nhất miền Nam một thời. Vé tham quan 15.000 đồng. Điểm đến cuối cùng trong hành trình Bạc Liêu của Long là nhà hát Cao Văn Lầu có thiết kế độc đáo hình hai chiếc nón lá.

Bên trong nhà Công tử Bạc Liêu

Bên ngoài nhà Công tử Bạc Liêu

Nhà hát Cao Văn Lầu với kiến trúc độc đáo

Điều khiến Long tiếc nhất trong hành trình là chưa kịp đi nhà thờ Tắc Sậy do quãng đường xa, anh không thu xếp được vì sợ đường về TP HCM kẹt xe. Nhà thờ là nơi an nghỉ của linh mục cha Trương Bửu Diệp được nhiều người sùng mộ, tin tưởng.

Chi phí

495.000 đồng là tổng chí phí mà Long bỏ ra cho chuyến đi, bao gồm khách sạn, xăng xe, ăn uống, vé tham quan. Để có chi phí rẻ như vậy là do việc lựa chọn phương tiện di chuyển. Nếu đi xe khách và đến Bạc liêu để thuê xe máy chi phí sẽ chênh so với tự đi xe từ TP HCM khoảng 690.000 đồng. Giá phòng nghỉ ở Bạc Liêu trung bình khoảng 250.000-300.000 đồng một đêm. Long khẳng định đi du lịch là để tận hưởng, "ăn ngon ngủ ngon, chụp hình phải đẹp nên khoảng nào cần chi sẽ chi, khoảng nào cần sẽ tiết kiệm. Với chi phí khoảng 500.000 đồng, mình vẫn có một chuyến đi đáng nhớ, ảnh đẹp để lưu niệm".

Ấn tượng hành trình

Đây là lần đầu tiên Long đến Bạc Liêu. Sau khi đến tận nơi, Long thấy choáng ngợp trước cảnh vật không làm thất vọng. Đây cũng là tỉnh đầu tiên cho anh cảm giác luyến tiếc, muốn quay lại nữa do chưa thể hoàn thành hết các địa điểm.

Long thích nhất cánh đồng điện gió Bạc Liêu trong hành trình

Điểm đến mà Long thích nhất là điện gió Bạc Liêu bởi có những turbine gió khổng lồ. Tuy hiện nay cánh đồng điện gió đã xuất hiện ở những tỉnh khác nhưng cá nhân Long vẫn ấn tượng với Bạc Liêu hơn do bố cục sắp xếp đồng đều, cân đối, dễ lên ảnh đẹp và được vào tận bên trong để tham quan.

Long lưu ý, du khách đến Bạc Liêu hạn chế đặt khách sạn ở khu Nhà Mát dù giá phòng rẻ, gần các điểm check-in như chùa Xiêm Cán, Quan Âm Phật Đài nhưng xa trung tâm thành phố, việc đi ăn, chơi buổi tối bất tiện.

(Nguồn: Trung Nghĩa (Ảnh: Henry Dương), VN Express, Thứ hai, 30/5/2022, 09:19 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc