Đến với Đèo Mã Pì Lèng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng con đường đèo hùng vĩ nằm trong danh sách Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam mà còn được tham quan cả một cụm di sản như Tượng đài Thanh niên Xung phong, “Con đường Hạnh phúc”, hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, các bề mặt sườn xâm thực kỳ vĩ dọc sông Nho Quế hay di tích đáy thung lũng Mèo Vạc cổ nằm trên sườn ở độ cao 900m, trong đó có một điểm mới khai thác du lịch là Vách đá trắng.
Đi qua điểm dừng chân Mã Pì Lèng khoảng 2 km hướng từ Đồng Văn - Mèo Vạc, sẽ thấy 1 con đường dẫn lên núi mà ở đó chỉ đi xe lên được 1 đoạn thôi, dốc cực kì còn lại phải đi bộ, khi đi hết con đường bê tông thì để xe phía dưới và đi bộ lên núi.
Nằm ở độ cao 1.700m so với mực nước biển, Vách đá trắng được biết đến là một trong những điểm đến làm thổn thức biết bao con tim dân phượt khi đặt chân đến mảnh đất Hà Giang. Vách đá trắng tọa lạc trên đỉnh núi Cô Tiên, thuộc xã Pải Lủng và xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Vách đá trắng là nơi có ý nghĩa thiêng liêng gắn liền với truyền thuyết về một câu chuyện tình yêu vợ chồng son sắt. Nơi đây chính là thiên đường để chiêm ngưỡng toàn cảnh của đệ nhất hùng quan phía dưới.
Choáng ngợp, sởn gai ốc, như ở chốn bồng lai tiên cảnh…, chắc chắn đó lẽ là cảm xúc của bất kỳ ai trước sức mạnh cùng sự sáng tạo của Mẹ Thiên nhiên. Sửng sốt hơn nữa, đây mới chính là con đường, trong quá khứ không xa, từng được người dân địa phương sử dụng để giao thương giữa Đồng Văn và Mèo Vạc, và hiện tại họ vẫn đang tiếp tục đi lại trên nó trong cuộc sống thường nhật của mình: đi chợ, làm nương – với tri thức thổ canh hốc đá độc đáo, kiếm củi, tìm kiếm nước, các dịp lễ lạt, bắt vợ… Phóng tầm mắt ra xa, và xuống dưới chân mình, “Con đường Hạnh phúc” ẩn hiện, ngoằn nghoèo cùng dòng Nho Quế còn ở dưới sâu hơn nữa. Đối lại, và hài hòa với Mẹ Thiên nhiên vĩ đại và khắc nghiệt, con đường đó, cũng như tuyến đường đi bộ này, quả là một bản tuyên ngôn về sức mạnh và ý chí của con người. Thật đáng trân trọng và tự hào!
(Nguồn: Hà Giang, PetroTimes, 19:30 | 01/09/2021)