Du lịch tiếp tục được tỉnh Khánh Hòa định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẳng cấp, chất lượng cao. Bên cạnh đó, du lịch biển đảo, di sản văn hóa, chăm sóc sức khỏe được xác định là lợi thế cạnh tranh của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.
Khoảng 10 năm gần đây, Nha Trang thu hút khách với những điểm đến, sản phẩm mới, đó là du lịch sinh thái ở huyện Khánh Vĩnh, du lịch đồng quê ở huyện Diên Khánh, du lịch tắm bùn khoáng ở thành phố Nha Trang… Tuy vậy, du lịch biển đảo vẫn là sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh Khánh Hòa.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khuyến nghị để du lịch Khánh Hòa phát triển bền vững, đẳng cấp quốc tế cần gắn với việc bảo tồn vịnh Nha Trang cũng như đảm bảo sinh kế cho ngư dân. Tỉnh phát triển có giới hạn các khu du lịch sinh thái trên các đảo, bên cạnh khai thác du lịch theo hướng bảo tồn tính hoang sơ các đảo nhỏ. Giảm dần đánh bắt ven bờ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, gắn với phát triển du lịch làng chài, làng nghề ven biển.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết: “Ngay trong vịnh Nha Trang phải quy hoạch lại để có những khu, cụm nuôi lồng bè, theo trật tự sạch sẽ. Với chức năng của vịnh là một vịnh đẹp bảo tồn, phát triển kinh tế sinh thái, những quy hoạch lồng nuôi đó, phải đảm bảo trở thành một trong những điểm du lịch. Môi trường được đảm bảo, thu gom. Những cụm làng cá nổi vừa nuôi thủy sản vừa du lịch nhằm tạo lợi ích kép”.
Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh. Trước mắt, có giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, tái cơ cấu du lịch sau đại dịch Covid-19 để thu hút nguồn khách trong nước và quốc tế, đa dạng các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế có chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là những mục tiêu nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn mà ngành đang phải đối mặt: “Chúng tôi hướng đến phải có sự chọn lọc, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, từ đó sẽ cơ cấu được các dòng khách khi đến với Khánh Hòa. Sẽ đảm bảo được môi trường phát triển du lịch bền vững, không mang tính xô bồ, không chạy theo số lượng”.
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 11 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm 40%; đến năm 2030, đón hơn 15 triệu lượt khách, khách quốc tế chiếm 60%. Trước mắt, Khánh Hòa sẽ liên kết với các địa phương để hình thành các tuyến du lịch liên vùng, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng... đưa thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch quốc tế. Phát triển du lịch sẽ gắn liền với chuyển đổi số để đột phá về phương thức quản lý, điều hành hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Trong thời gian đến, trên địa bàn sẽ hình thành nhiều khu đô thị mới, việc phát triển các đô thị này phải gắn liền với phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, hiện đại. Trong đó, Nha Trang là đô thị hạt nhân cùng với các khu vực Cam Ranh, Cam Lâm... Khu đô thị sân bay Cam Lâm sau này sẽ có các loại hình vui chơi để phục vụ kinh tế du lịch.
(Nguồn: Thái Bình, VOV, Thứ Hai, 09/05/2022, 06:36 (GMT+7))