Cuối năm 2020, Bạc Liêu vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”. Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được xếp vào một trong 7 loại hình của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đó là loại hình nghề thủ công truyền thống.
Và kể từ đây, câu chuyện trải nghiệm nghề làm muối, đưa cái nghề của đời diêm dân cần lao này vào làm du lịch cũng đã được gợi mở.
“Nghĩa mặn mà lòng em đã đậm/ Xứ Bạc Liêu Ba Thắc muối ngon”.
Nhiều người gọi Bạc Liêu là xứ muối, ban đầu gọi là muối Ba Thắc, sau này còn gọi là muối Long Điền (vì ở Long Điền, huyện Đông Hải có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh). Hơn 100 năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương. Trải bao năm “cát lở sông bồi”, những dòng kênh mang tên Huyện Kệ, Trường Sơn, Cái Cùng, Gành Hào... vẫn luôn miệt mài chở nước mặn về những làng muối, nuôi sống diêm dân trên đồng đất ven biển Bạc Liêu. Dẫu nghề làm muối trải qua không ít thăng trầm, biến cố thì từ kinh nghiệm sản xuất của người xưa và những tiến bộ khoa học - kỹ thuật của hôm nay, hạt muối Bạc Liêu đã được nâng lên tầm cao mới.
Điểm lại lịch sử, nghề muối Bạc Liêu xưa đóng góp rất lớn về tăng trưởng kinh tế cho tỉnh cũng như làm tăng thêm hầu bao cho những ông chủ diêm điền. Nhiều điền chủ lớn Bạc Liêu xưa hầu hết đều tham gia sản xuất - kinh doanh nghề muối. Những điền chủ có diện tích ruộng muối lớn nhất nhì ở Bạc Liêu như: Bá hộ Biết, Hội đồng Trạch, Hội đồng Điều, Châu Oai, đặc biệt là nhà tư bản muối Lý Trung Nguyên có đến cả ngàn công nhân... Kể cả Công tử Bạc Liêu giàu đến mức “đốt tiền nấu trứng” âu cũng nhờ những tu muối thẳng cánh cò bay. Hiện nay vẫn còn một số địa danh ở Bạc Liêu thể hiện sự phát triển của nghề truyền thống này như Tu Muối (nhà kho chứa muối) dọc dài gần cây số nằm trên bờ sông Bạc Liêu (nay ở Phường 2, TP. Bạc Liêu), hay kênh Dòng Me (nay là kênh 30 tháng 4) được đào để chuyên chở muối từ ven biển vào đến tận nội thành bán cho ghe hàng chở đi thương cảng Sài Gòn hoặc ngược dòng sông Hậu xuất cảng sang tận Campuchia. Tất cả các ý kiến nhận xét về muối Bạc Liêu rằng: “Muối Bạc Liêu khác những nơi khác - đó là hạt muối để lại “hậu ngọt” chứ không phải vị chát”, minh chứng một thế mạnh cho hạt muối Bạc Liêu nhờ vào sự ưu ái của thiên nhiên.
Còn nữa, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về nghề muối ở Bạc Liêu cũng dễ hấp dẫn người nghe. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa nước biển không mặn như bây giờ. Một gia đình có 3 cha con ngư dân sống một vùng ven biển Đông, khi cha chết sớm không để lại gia sản gì, chỉ có căn nhà lụp xụp, chiếc thuyền đi biển và một số vật dụng trong nhà. Người anh tham lam chiếm hết tài sản, chỉ cho em chiếc cối xay bột, hàng ngày mang bột ra chợ bán kiếm tiền sinh sống. Một tiên ông thương xót liền biến cối xay của người em thành cối xay thần, muốn ăn thì ước, cối sẽ đưa ra. Người anh biết chuyện bèn cướp cối xay thần mang xuống thuyền và vượt biển, trên bước đường lênh đênh trên biển, người anh ước rất nhiều món ngon vật lạ nhưng ăn vẫn không thấy ngon miệng vì thiếu gia vị; người anh liền ước những hạt muối để dùng nhưng lần này anh được cối xay đưa ra nhiều vô kể. Người anh nói thế nào cối vẫn không ngừng xay. Quá sợ hãi, người anh tìm cách vứt cối xuống biển nhưng cối không nhúc nhích, muối ra ngày càng nhiều hơn và cuối cùng thuyền chìm xuống dưới đáy biển sâu. Khi xuống đáy biển, cối xay vẫn tiếp tục ngày đêm xay ra muối làm mặn nước biển Đông, nước biển từ đó mặn cho đến bây giờ để diêm dân làm ra hạt muối”.
Như vậy, bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Nghề phản ánh bản sắc, điều kiện tự nhiên độc đáo của Bạc Liêu. Làm ra những hạt muối không có vị chát - đó là điểm đặc biệt, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của diêm dân Bạc Liêu. Muối Bạc Liêu không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là mang tính sáng tạo và phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt của vùng đất.
Những câu chuyện có thật hay giai thoại xung quanh nghề muối và hạt muối Bạc Liêu chính là giá trị hữu hình và là những tiềm năng để làm du lịch.
Du khách cần gì khi tìm hiểu về nghề muối Bạc Liêu? Nhu cầu trải nghiệm một mô hình, nhất là một nghề truyền thống đã được công nhận là di sản quốc gia thì chắc chắn là có. Nhu cầu check-in để ghi lại những tấm ảnh ấn tượng cho mọi người biết ta đã từng trải nghiệm nghề làm muối, nhìn ngắm hạt muối kết tinh đầu nguồn trứ danh Bạc Liêu, lại càng có. Cầm một gói quà nho nhỏ làm từ muối, không quá đắt tiền mang thương hiệu vùng đất Công tử Bạc Liêu, món quà đó lại làm ra từ một nghề thuộc di sản văn hóa quốc gia, rất đáng để mua! Phục vụ du khách những món ăn đậm đà phong vị Bạc Liêu với muối Bạc Liêu, muối pha thành đủ loại nước chấm cho từng loại món ăn chẳng hạn... Thế thì đem nghề muối và lấy hạt muối Bạc Liêu làm du lịch là chuyện hoàn toàn khả thi!
Khi tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận của Bộ VH-TT&DL, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT-TT&DL hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; phối hợp với UBND huyện Đông Hải (nơi có diện tích muối nhiều nhất tỉnh) xây dựng lễ hội muối tổ chức định kỳ hàng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức. Liên hệ ngành chức năng, chúng tôi được biết việc đưa nghề muối vào phát triển du lịch đang được tiến hành các thủ tục xây dựng đề án, còn lễ hội muối cũng sắp được tổ chức kết hợp với lễ hội Nghinh Ông của huyện Đông Hải vào tháng 3 âm lịch sắp tới.
Xây dựng một mô hình trải nghiệm nghề làm muối để du khách tham quan, nghe thật thú vị nhưng đây là một kế hoạch đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà: nhà khoa học, nhà làm du lịch và tất nhiên phải có sự góp mặt của các diêm dân. Còn nữa, muối kết tinh từ nước biển, dĩ nhiên mô hình làm ra hạt muối này cũng phải gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, điều kiện sinh thái tự nhiên. Thiết nghĩ mô hình trải nghiệm nghề làm muối sẽ được gắn kết với du lịch sinh thái và những cánh đồng điện gió thành một chuỗi du lịch sinh thái, du khách vừa được thưởng lãm cảnh quan và trải nghiệm nghề truyền thống độc đáo, được vào vai diêm dân để hiểu thêm nghề mang giá trị di sản quốc gia. Chắc chắn một điều, chỉ chơ vơ hạt muối thì không thể làm du lịch mà cần có sự kết hợp giữa việc trải nghiệm, check-in, gắn với việc đầu tư các mô hình liền kề như trên.
Nghề muối là một nghề cần lao, diêm dân bao đời gắn bó với nghề như một sự thủy chung dẫu còn đó bao nhọc nhằn, và câu chuyện “hạt muối đắng” đâu đó vẫn còn dù nghề làm muối ở Bạc Liêu đã đường đường chính chính trở thành di sản quốc gia. Thế thì bên cạnh việc giải dần bài toán kinh tế cho người làm muối, cho nghề muối, cũng cần song hành ngay những dự án kịp thời để nâng cao giá trị văn hóa, giá trị du lịch cho nghề di sản này.
(Nguồn: Cẩm Thúy/ Báo Bạc Liêu, PetroTimes, 14:05 | 23/03/2022)